Hai trong số các vụ việc đầu tư điển hình nhất mà sau này các kết luận thanh tra cho thấy có sự dính dáng trực tiếp của ông Trần Ngọc Hà (Chủ tịch VEAM giai đoạn 2011 - 2014, Tổng giám đốc giai đoạn 2015 - 2018) cùng hội đồng thành viên (HĐQT), ban tổng giám đốc… là: Vụ mua 1.500 bộ linh kiện giữa VEAM và chi nhánh Công ty TNHH Mekong Auto; Vụ mua 3.000 bộ linh kiện xe Hyundai Mighty không có trong kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Liên quan việc kinh doanh, nhập khẩu 1.500 bộ linh kiện ôtô Changan, ông Trần Ngọc Hà đã ký hợp đồng cầm cố giấy tờ giá do Sacombank phát hành để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho Chi nhánh Công ty TNHH Mekong Auto với số tiền 136,72 tỷ đồng khi chưa được sự phê chuẩn của Hội đồng quản trị VEAM.
Ông Trần Ngọc Hà |
Ông Trần Ngọc Hà cũng đã đồng ý để Giám đốc Nhà máy ôtô VEAM mua 3.000 bộ linh kiện của TCG để lắp 3.000 ôtô Hyundai trong năm 2017 khi không có kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017, không có phương án kinh doanh số ôtô này. Điều này dẫn đến tồn kho cuối năm 2017 cao (5.588 xe), gấp hơn 2 lần so với kế hoạch tồn kho giao. Ngoài ra, Hội đồng quản trị của VEAM còn chỉ ra những sai phạm của ông Trần Ngọc Hà liên quan đến việc kinh doanh, nhập khẩu 2.010 bộ linh kiện xe ôtô Hyundai 72.
Còn theo kết luận thanh tra của Bộ Công Thương, sau khi thực hiện mua 1.500 bộ linh kiện, toàn bộ số xe đã lắp đặt của Mekong Auto (540 xe) không thực hiện đăng kiểm được. Có 360 bộ chưa lắp ráp và 600 bộ chưa đến thời điểm giao hàng. “Với vụ mua 3.000 bộ linh kiện xe Hyundai Mighty, ông Trần Ngọc Hà đã cho phép mua 3.000 bộ linh kiện này không có trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của nhà máy, không được phê duyệt của HĐQT/Tổng giám đốc, theo quy định. Việc ký kết hợp đồng mua 3.000 bộ linh kiện là vượt thẩm quyền được giao; ngoài ra còn không thực hiện việc tham khảo giá và đàm phán giá theo quy định”, kết luận thanh tra nêu rõ.
Ngoài những phi vụ đốt tiền trên, các ông Lâm Chí Quang và Trần Ngọc Hà còn dính líu đến những lùm xùm liên quan dự án sản xuất ôtô tải lớn nhất Việt Nam. Theo đó, chính những quyết định đầu tư mờ ám, không hiệu quả dưới thời ông Lâm Chí Quang và Trần Ngọc Hà đã khiến hoạt động của VM gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Báo cáo cho thấy, hoạt động của VM đang gặp rất nhiều khó khăn, sản phẩm Euro 4 chưa định hình ổn định, tồn kho sản phẩm Euro 2 lớn, tiêu thụ chậm, việc sử dụng vốn không hiệu quả.
Ông Lâm Chí Quang |
Đáng chú ý, dự án nhà máy VM được cho là đã bị các lãnh đạo VEAM tìm cách qua mặt cả Bộ Công nghiệp (trước đây) để được triển khai khi tìm cách lách luật trong thực hiện đầu tư dự án. Báo cáo cho thấy, trong giai đoạn 2009-2013, công ty mẹ VEAM đã chuyển một lượng vốn lớn cho dự án.
Tính đến 31/12/2013, công ty mẹ (dưới thời điều hành của ông Trần Ngọc Hà) đã chuyển vốn lưu động cho VM lên tới 1.214 tỷ đồng ngoài số tiền đầu tư của chủ sở hữu là 662 tỷ đồng ban đầu. Việc chuyển vốn lưu động tới hơn 1.200 tỷ đồng này cho VM được thực hiện mà không có một nghị quyết nào của HĐTV.
Việc chuyển vốn do Chủ tịch HĐTV khi đó là ông Trần Ngọc Hà chỉ đạo trực tiếp Tổng giám đốc (ông Lâm Chí Quang) và Kế toán trưởng VEAM (kiêm kế toán trưởng VM) thực hiện. Trong 3 năm, VM lỗ lũy kế tổng cộng 345 tỷ đồng.
Đến ngày 9/2/2019, HĐTV VEAM có nghị quyết phê duyệt hỗ trợ vốn lưu động năm 2015 cho VM tối đa 194 tỷ đồng theo đề nghị của Tổng giám đốc Trần Ngọc Hà và yêu cầu phải thu hồi. Tuy nhiên, đến nay, khoản hỗ trợ gần 200 tỷ đồng này vẫn không thu hồi được.
Tính đến 31/12/2018, tổng vốn đầu tư mà các ông Quang, Hà và các lãnh đạo khác duyệt đưa vào dự án nhà máy VM đã lên đến 2.643 tỷ đồng. “Nếu trừ đi số vốn chủ đầu tư 662 tỷ đồng ban đầu, tống vốn đã chuyển cho VM là 1.981 tỷ đồng. Ðến hết năm 2018, VM đã lỗ lũy kế 343 tỷ đồng. Vậy số phải thu của công ty mẹ chỉ còn 1.638 tỷ đồng”, báo cáo của quyền Tổng giám đốc VEAM Ngô Văn Tuyển cho hay. |
Theo Tiền Phong