Áp thuế mới với Trung Quốc: Canh bạc liều lĩnh có thể phản tác dụng của Tổng thống Trump

Thứ sáu, 02/08/2019, 13:29
Quyết định áp thuế mới với hàng hóa Trung Quốc của Tổng thống Trump là đòn bẩy bổ sung thúc giục Bắc Kinh tiến tới thỏa thuận, nhưng có thể sẽ phản tác dụng.

Tổng thống Trump khiến thị trường thế giới chao đảo vào sáng 2/8 với tuyên bố áp thuế bổ sung 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/9. Lý do mà ông đưa ra đơn giản là vì Trung Quốc nhượng bộ quá ít trong đàm phán và không giữ lời hứa mua nông sản của Washington cũng như ngừng bán thuốc giảm đau Fentanyl sang Mỹ.

Thông báo của nhà lãnh đạo Mỹ xé nát thỏa thuận đình chiến mà ông và Chủ tịch Tập Cận Bình đạt được tại Osaka hồi cuối tháng 6. Nó cũng đánh dấu diễn biến leo thang mới nhất trong cuộc chiến thương mại kéo dài hơn 1 năm qua.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Ngay sau tuyên bố bất ngờ của ông chủ Nhà Trắng, thị trường vốn và giá dầu điên đảo. Chốt phiên hôm 1/8, mỗi ounce vàng tăng gần 32 USD lên mức 1.445 USD/ ounce, cao nhất kể từ đầu năm 2013. Giá dầu vì vậy giảm sốc 8% xuống mức thấp nhất tính từ tháng 6/2019.

Chứng khoán Mỹ chứng kiến đà sụt giảm mạnh. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa phiên giảm 280,85 điểm xuống còn 26.583,42 điểm. S&P 500 kết thúc phiên giảm 0,9% xuống 2.953,56 điểm Nasdaq Composite đóng cửa sụt 0,8% còn 8.111,12 điểm.

Các nhóm ngành bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mức thuế mới mà Tổng thống Trump áp đặt với Trung Quốc thông qua Phòng Thương mại Mỹ, Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ, Hiệp hội Lãnh đạo Công nghiệp Bán lẻ (RILA) và Hiệp hội Giày dép,  May mặc Mỹ kịch liệt phản đối động thái mới đây của ông.

"Mức thuế mới là cú đánh trực tiếp vào các sản phẩm tiêu dùng và ngân sách của các gia đình", RILA cho biết trong một tuyên bố.

"Thuế quan chỉ lấy từ tiền thuế mà người Mỹ đóng. Khi mức thuế này được áp dụng, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải gánh thêm mức giá tăng lên với các mặt hàng hàng ngày như quần áo, đồ chơi, hàng gia dụng và đồ điện tử. Các gia đình Mỹ không nên trở thành vật thế chấp trong cuộc chiến thương mại này", Hiệp hội này khẳng định.

Danh sách các mặt hàng bị ảnh hưởng trong đợt áp thuế mới đây bao gồm một lượng lớn các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng, từ điện thoại di động, cho tới máy tính, đồ chơi và giày dép.

Ông Myron Brilliant, Phó chủ tịch điều hành các vấn đề quốc tế tại Phòng Thương mại Mỹ cho rằng việc áp 10% thuế với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ chỉ gây ra nỗi đau lớn hơn cho các doanh nghiệp, nông dân, công nhân Mỹ và người tiêu dùng, làm suy yếu nền kinh tế mạnh mẽ của Mỹ.

Wendy Cutler, người từng tham gia vào các vòng đàm phán của Mỹ đồng thuận với quan điểm này. Ông nhận định mức thuế mới sẽ chẳng khiến đàm phán Mỹ-Trung dễ thở hơn.

"Đừng trông chờ Trung Quốc ngồi yên đón chờ thông tin này. Mức thuế mới cộng với sự trả đũa của Trung Quốc sẽ gây thiệt hại nặng nề cho người tiêu dùng, công nhân, doanh nghiệp và nông dân Mỹ", ông nói.

Tuy nhiên, khi nói chuyện với các phóng viên tại Nhà Trắng sau tuyên bố của mình, ông Trump khẳng định nền kinh tế thứ 2 thế giới đang gánh chịu thiệt hại nặng nề trong thương chiến với Mỹ.

"Trung Quốc đang phải gồng mình chi trả cho các mức thuế này, không phải chúng ta. Cho tới khi đạt được thỏa thuận, chúng ta sẽ đánh thuế họ", ông nói.

Cú chuyển mình đột ngột này cho thấy khoảng cách giữa Washington và Bắc Kinh đang nghiêm trọng hơn rất nhiều so với những gì mà giới quan sát dự báo sau nhiều ngày tưởng như sóng yên biển lặng.

Sau các cuộc đàm phán gần đây, Mỹ nói họ muốn những lần thương thảo tới phải dẫn tới một thỏa thuận thương mại có thể thực thi. Tuyên bố của Trung Quốc lại không hề đề cập tới điểm này, cho thấy đây vẫn là một trong các trở ngại khiến 2 bên chưa thể tiến tới thỏa thuận.

Khi được hỏi rằng liệu mốc thời gian 1/9 cho mức thuế mới có phải được đưa ra để Trung Quốc có cơ hội đàm phán hay không, ông Trump nhấn mạnh rằng: "Không. Lý do là cần có thời gian để các chuyến tàu chuyển hàng tới và khoảng thời gian đó là như vậy".

Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group nhận định động thái mới của ông Trump là cú đảo ngược sau vòng đàm phán ở G-20. Nó cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ đang cố gắng bồi thêm các đòn bẩy bổ sung với Bắc Kinh ngay cả khi các cuộc đàm phán đang tiếp tục.

"Lời đe dọa là một canh bạc mạo hiểm của Tổng thống Trump. Nó báo hiệu rằng ông muốn đạt được thỏa thuận trước cuộc bầu cử năm 2020 và sẵn sàng sử dụng các công cụ theo ý mình để gây áp lực cho Trung Quốc tới tận cùng", ông Micheal Hirson, nhà phân tích của Eurasia Group cho hay.

Theo ông Micheal, Tổng thống đưa các lý do Fentanyl hay nông sản Mỹ để giải thích đơn giản vì ông muốn Trung Quốc có các bước đi mới xung quanh các vấn đề này.

"Nhưng điều đó không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ đáp trả đúng như ông ấy hy vọng. Sẽ vô cùng xấu hổ cho Trung Quốc nếu Bắc Kinh đẩy mạnh xuất khẩu tới Mỹ sau lời đe dọa này", ông nói thêm.

Trung Quốc hiện cũng đã có những bình luận bước đầu liên quan tới tuyên bố áp thuế mới của Tổng thống Trump.

Theo VTC

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích