Cửa hàng nhỏ đóng cửa ồ ạt, vì sao TGDĐ mở chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ?

Thứ ba, 06/08/2019, 14:07
Trong khi các cửa hàng nhỏ lẻ liên tục đóng cửa vì tình trạng kinh doanh khó khăn, Thế Giới Di Động đã quyết định mở cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ để cạnh tranh.

Hnam Mobile, một chuỗi đại lý cấp 2 nổi tiếng tại TP.HCM sở hữu khoảng khoảng 18 cửa hàng smartphone vào năm 2016. Sau 3 năm con số này còn lại 13 cửa hàng.

Cũng trong năm 2019, hệ thống cửa hàng TechOne đã hoàn toàn rút khỏi TP.HCM, trong khi ở Hà Nội chỉ còn duy nhất 1 cửa hàng. Đóng cửa, rút bớt cửa hàng là tình trạng chung của nhiều đại lý di động cỡ nhỏ trong năm nay.

Nhiều hệ thống thu hẹp vì kinh doanh khó khăn

Tại Việt Nam, các hệ thống tầm trung và nhỏ đều đẩy mạnh các model của Apple, phần lớn là hàng xách tay. Đây được xem là sản phẩm chủ lực của họ trong nhiều năm qua.

Trước đây, ngoại trừ iPhone, các sản phẩm như iPad, MacBook của Apple đều được hưởng chính sách bảo hành toàn cầu. Do đó, thay vì chọn mua sản phẩm chính hãng, nhiều người dùng đã tìm đến các thiết bị như iPad, MacBook xách tay để có được mức giá rẻ hơn.

Thị trường các sản phẩm Apple nhập khẩu không chính ngạch (hàng xách tay) hay hàng cũ  rất sôi động thời điểm cách đây vài năm. Tuy nhiên, với sự thay đổi đột ngột về chính sách bảo hành, nhiều người dùng đã phải nhận "trái đắng".

iPhone xách tay được xem là sản phẩm chủ lực của các hệ thống nhỏ.

“Với các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, sản phẩm chủ lực của họ phần lớn là các dòng máy Apple. Các sản phẩm của Apple chiếm khoảng 60% doanh số của đại lý bán lẻ và phần lớn đều là hàng xách tay. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Apple có động thái ‘dọn sạch’ hàng xách tay”, một quản lý cửa hàng tại TP.HCM chia sẻ.

Người này cũng cho biết, các trung tâm ủy quyền bảo hành của Apple tại Việt Nam đã thay đổi chính sách bảo hành. Theo đó, nếu người dùng muốn bảo hành sản phẩm phải có đầy đủ chứng từ mua hàng tại các hệ thống mới được bảo hành. Qua đó có thể thấy động thái này "buộc" người dùng phải mua hàng chính hãng có chứng từ rõ ràng thì mới được bảo hành tại Việt Nam.

Thị trường khó khăn, việc nhiều đại lý thu hẹp phạm vi hoạt động là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên trong bối cảnh đó, TGDĐ lại có động thái bất ngờ là mở cửa hàng mang tên Điện Thoại Siêu Rẻ, được cho là cạnh tranh trực tiếp với các hệ thống nhỏ.

Thế Giới Di Động muốn chiếm trọn thị phần bán lẻ?

Chuỗi Điện Thoại Siêu rẻ bắt đầu hoạt động vào đầu tháng 8. Theo một nguồn tin riêng của PV, thời gian dự kiến đi vào hoạt động chính thức của hệ thống này khoảng ngày 6-9/8.

“Mục đích chính của chuỗi cửa hàng này là phục vụ những người dùng cần mua điện thoại với mức giá rẻ. Để có mức giá rẻ, công ty sẽ cắt giảm tối đa các dịch vụ đi kèm hoặc thu lại quà khi khách hàng mua máy”, một vị đại diện hệ thống Thế Giới Di Động nói.

Theo một số chuyên gia, đây có thể là động thái cạnh tranh hàng xách tay hoặc muốn nhập thêm những thương hiệu smartphone Trung Quốc mới nổi, sẵn sàng bán sát giá của Thế Giới Di Động.

Từ đó, có thể thấy tham vọng chiếm lĩnh trọn thị phần bán lẻ sản phẩm công nghệ ở các phân khúc bằng chiến lược cửa hàng nhỏ, giá rẻ hơn, tiếp cận được với nhiều đối tượng khách hàng.

Chuỗi cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ sẽ được khai trương đầu tháng 8. (Ảnh: Techrum).

Các chuyên gia nhận định, hệ thống Điện Thoại Siêu Rẻ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều hệ thống như CellphoneS, Hnam Mobile, Bạch Long Mobile, XT Mobile, Hoangha Mobile, Click Buy, Di Động Việt...

Lúc này khi thị trường bán lẻ hàng công nghệ dường như đã bão hòa, các đơn vị chỉ có thể cạnh tranh nhau bằng các chính sách hậu mãi, dịch vụ tốt, mức giá dễ chịu để giữ chân khách hàng.

Trước 2018, cửa hàng điện thoại là chuỗi đóng góp phần lớn doanh thu và lợi nhuận cho Thế Giới Di Động. Đây cũng là chuỗi được công ty đầu tư rất nhiều và tăng rất nhanh số lượng mỗi năm.

Tuy nhiên, từ năm 2018, kết quả kinh doanh của chuỗi này bắt đầu có dấu hiệu chững lại, bất chấp số lượng cửa hàng vẫn được duy trì ở mức cao.

Như quý I/2017, tỷ trọng đóng góp của chuỗi thegioididong.com vào tổng doanh thu công ty lên tới 58% với 940 cửa hàng. Đến quý I/2018, với 1.072 cửa hàng, chuỗi này lại chỉ đóng góp 42% tổng doanh thu hợp nhất của công ty. Tỷ trọng này thậm chí đã tụt xuống còn 35% trong quý I/2019 vừa qua khi mà số lượng cửa hàng điện thoại giảm còn 1.023.

Báo cáo quý I/2019 của Thế Giới Di Động cho biết, 3 tháng đầu năm, sản lượng điện thoại bán ra (chủ yếu từ chuỗi thegioididong.com) chỉ tăng trưởng 3%.

Việc ông lớn này mở thêm cửa hàng bán lẻ với tiêu chí bán sản phẩm giá rẻ hơn có thể là một thử nghiệm quan trọng của TGDĐ trong việc tiếp tục duy trì đà phát triển trong việc kinh doanh smartphone.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích