Hai phương án xử lý bất cập tại trạm BOT gần cầu Vàm Cống

Thứ hai, 05/08/2019, 14:05
Trạm BOT T2 trên quốc lộ 91 được đề xuất di dời hoặc tiếp tục dừng thu phí đến khi tuyến tránh TP.Long Xuyên hoàn thành, khoảng năm 2022.

Trạm BOT T2 dừng thu phí từ hôm 25/5.

Tổng cục Đường bộ vừa gửi văn bản đề xuất Bộ Giao thông Vận tải giải pháp xử lý bất cập trạm thu phí T2, thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo nâng cấp quốc lộ 91, đoạn qua TP.Cần Thơ, theo hình thức BOT.

Phương án một, di dời trạm T2 về phía TP.Cần Thơ khoảng một km, qua ngã 3 Lộ Tẻ (giao quốc lộ 80 với quốc lộ 91). Phương án 2, giữ nguyên trạm T2 và tiếp tục dừng thu phí đến khi tuyến tránh TP Long Xuyên (An Giang) đưa vào sử dụng (dự kiến năm 2022).

Theo Tổng cục Đường bộ, phương án thứ nhất sẽ giải quyết căn bản kiến nghị của Hiệp hội Vận tải An Giang và các chủ xe theo hướng đi từ quốc lộ 80 (hướng từ Kiên Giang, Đồng Tháp) qua trạm T2 về An Giang và ngược lại.

Tuy nhiên, nhược điểm là sẽ tạo tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến tình hình chung của các dự án BOT trong cả nước; sẽ phát sinh chi phí khoảng 38 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng và xây trạm mới trong thời gian một năm. Khi tuyến tránh TP.Long Xuyên hoàn thành, các xe qua khu vực sẽ có sự lựa chọn, không phải qua trạm T2. Do đó việc di chuyển trạm sẽ dẫn đến lãng phí.

Còn phương án hai có ưu điểm là sẽ thu phí lại trạm T2 khi tuyến tránh TP.Long Xuyên hoàn thành, thời gian thu phí của dự án không bị kéo dài. Nhược điểm là chủ các xe đi trên quốc lộ 80 (hướng từ Kiên Giang, Đồng Tháp) qua trạm T2 về An Giang và ngược lại, nhất là đối với các phương tiện không nằm trong diện được miễn giảm khoảng 1,2km vẫn phải trả tiền, có thể không đồng tình dẫn đến phản đối...

Để giải quyết đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, Tổng cục Đường bộ đề xuất Bộ Giao thông Vận tải chủ trì làm việc với các Ngân hàng cho nhà đầu tư điều chỉnh lại cơ cấu trả nợ gốc và giữ nguyên nhóm nợ. Khi đó, dự án chỉ tổ chức thu phí hoàn vốn tại trạm T1. Đến khi tuyến tránh TP.Long Xuyên hoàn thành đưa vào sử dụng, trạm T2 sẽ thu phí lại để hoàn vốn cho dự án.

Hơn một tháng trước, lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có phương án nhận lại dự án và hoàn trả chi phí đầu tư để họ có nguồn vốn trả nợ ngân hàng.

Trường hợp không được nhận lại dự án, để đảm bảo duy trì hợp đồng BOT, nhà đầu tư đề nghị Chính phủ hỗ trợ 880 tỷ đồng (gồm chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng quốc lộ 91B). Khi đó, dự án chỉ thu phí tại trạm T1 để hoàn vốn đầu tư quốc lộ 91.

Vị trí trạm BOT T2 hiện nay.

Công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 nằm trên địa bàn Cần Thơ, gồm phân đoạn 1 là cải tạo, nâng cấp 28km quốc lộ 91; phân đoạn 2 mở rộng, tăng cường nền, mặt đường 16 quốc lộ 91B. Kiểm toán Nhà nước xác định vốn đầu tư dự án là trên 1.651 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu hơn 277 tỷ đồng, vốn vay theo hợp đồng BOT trên 1.373 tỷ đồng.

Để hoàn vốn, chủ đầu tư được đặt hai trạm thu phí, gồm T1 và T2 (đoạn giáp ranh với An Giang). Trong đó, trạm T2 từ khi hoạt động cách đây ba năm đã bị chỉ ra sự bất hợp lý trong vị trí đặt trạm. Nhiều xe chỉ đi vài trăm mét nhưng bị thu phí toàn tuyến, 35.000 - 200.000 đồng. Sự bất cập này lại nóng lên khi cầu Vàm Cống khánh thành hôm 19/5, khi các xe qua cầu đã "đụng" trạm thu phí.

Trước sự phản ứng quyết liệt của các tái xế và chủ xe, ngày 25/5, trạm T2 buộc phải dừng thu phí.

Theo VNE

Các tin cũ hơn