Nền kinh tế thế giới ngày càng phát triển nhanh chóng kéo theo sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu năng lượng. Điều này đang đặt ra thách thức rất lớn cho ngành năng lượng khi mà những nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, dầu khí… đang dần cạn kiệt. Bên cạnh đó, hiệu ứng nhà kính do các hoạt động phát thải của con người ngày càng trở nên nghiêm trọng, gây ra biến đổi khí hậu theo chiều hướng tiêu cực trên toàn cầu.
Trước những nguy cơ từ biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto (năm 1997) về việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và mới nhất là Hiệp định Paris (năm 2015) về biến đổi khí hậu, chính là những động thái tích cực của cộng đồng thế giới trên lộ trình cắt giảm khí thải để bảo vệ môi trường sống của con người.
Trong bối cảnh đó, năng lượng tái tạo hiện đang ngày càng được chú trọng phát triển. Đây là lúc để năng lượng sinh khối với đại diện nổi bật là viên gỗ nén “lên ngôi”. Với đặc tính cung cấp nhiệt lượng tốt và thân thiện môi trường, sản phẩm này được sử dụng làm nhiên liệu chất đốt cho các nhà máy nhiệt điện (thay thế than đá, dầu) và dùng trong thiết bị tạo nhiệt của các ngành công nghiệp, dân dụng.
Theo đại diện Tập đoàn CellMark (Thụy Điển), nhu cầu về viên gỗ nén trên thế giới ngày càng tăng và dự báo đạt mức 4 triệu tấn/năm kể từ 2021. Hiện nay, Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ sản phẩm này nhiều nhất nhưng từ năm 2023, Nhật Bản sẽ vươn lên dẫn đầu về lượng tiêu thụ.
Từ năm 2014 đến nay, Eastwood Energy đã ký kết nhiều hợp đồng xuất khẩu ngắn hạn viên gỗ nén. Tại Eastwood Enegy, viên gỗ nén được chế biến từ các nguyên liệu là phụ phẩm của hoạt động chế biến gỗ như dăm bào, mùn cưa hay từ gỗ các loại cây keo, tràm, bạch đàn và cao su, được ép thành viên nhỏ đường kính 6-8mm. Do được nén chặt dưới tác động của nhiệt và áp suất mà không sử dụng chất phụ gia nên viên gỗ nén có ưu điểm là cung cấp nhiệt lượng cao với chi phí rẻ và cạnh tranh so với các nhiên liệu thay thế khác. Ngoài ra, viên gỗ nén còn dễ vận chuyển, lưu trữ và phần tro sau khi sử dụng có thể tận dụng làm phân bón sạch.
Ông Phạm Trung Cang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Eastwood Energy cho biết, Việt Nam có điều kiện về nguồn nguyên liệu sinh khối cũng như vị trí thuận lợi để vận chuyển sản phẩm đến các thị trường tiêu thụ lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc. Thị trường Nhật Bản khắt khe về nhiều mặt nhưng cả hai công ty sẽ cùng nhau quyết tâm chinh phục được những khách hàng khó tính nhất tại thị trường này, mở đường vươn ra thị trường quốc tế.
Được biết, sản lượng kinh doanh viên gỗ nén giữa Eastwood Energy và Tập đoàn CellMark đã tăng mạnh từ hơn 19.800 tấn năm 2015 lên tới 324.600 tấn năm 2018. Hợp đồng này vừa tiếp tục được ký kết dài hạn và sẽ cung cấp viên gỗ nén vào thị trường Nhật Bản với số lượng tối thiểu 300.000 tấn kể từ năm 2021. Với hợp đồng ký kết này, Eastwood Energy có thể sắp xếp chủ động nguồn cung ứng, ký hợp đồng bao tiêu với các đơn vị cung cấp nguyên liệu, từ đó tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho các hộ gia đình và các đơn vị cung ứng.
Theo DNSG