Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang: Việt Nam trong thế tiến thoái lưỡng nan?

Thứ hai, 12/08/2019, 15:38
Việt Nam trong tình thế tiến thoái lưỡng nan khi căng thẳng Mỹ và Trung Quốc leo thang phức tạp, thị trường quốc tế lo sợ chiến tranh thương mại chuyển biến thành chiến tranh tiền tệ...

Mỹ chính thức gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ sau khi USD/CNY vượt qua “lằn ranh đỏ”.

Cụ thể, ngày 5/8, Bộ Tài chính Mỹ chính thức cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, sau khi ngân hàng trung ương nước này chấp nhận để đồng CNY suy yếu, vượt qua mức USD/CNY = 7,0, được coi là “lằn ranh đỏ” của đồng tiền này trong nhiều năm.

Lần gần nhất mà tỷ giá USD/CNY vượt qua ngưỡng này là 11 năm trước, cùng thời điểm với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.

Đối với hiện tại, những động thái này là một nấc thang mới trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, sau khi hai nước liên tiếp tăng cường đánh thuế hàng hóa của nhau trong gần một năm trở lại đây, mà lần gần nhất, ngày 1/8, Mỹ thông báo đánh thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa còn lại từ Trung Quốc (hiệu lực kể từ 1/9).

Sau khi đưa ra cáo buộc, Mỹ chưa có sự trừng phạt trực tiếp nào nào ngoài việc ngăn chặn các nhà thầu Liên bang Mỹ mua linh kiện điện tử Trung Quốc.

Tuy nhiên, hành động gắn mác của Mỹ khiến cho nhiều quốc gia cùng lúc giao thương lớn với cả hai bên phải cảnh giác, đồng thời nâng sự chú ý của các tổ chức tài chính quốc tế đối với Trung Quốc lên một bậc.

Nguy cơ một cuộc chiến tranh tiền tệ

Thế giới lo sợ sẽ có một cuộc chiến tranh tiền tệ có thể xảy ra nếu Washington cũng làm suy yếu đồng USD nhằm trả đũa Bắc Kinh, bài học được rút ra từ lịch sử và thị trường đang bắt đầu hành động né tránh rủi ro.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa qua tiếp tục gây áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc đồng USD đang quá mạnh, khiến cho Mỹ gặp nhiều bất lợi trong thương mại.

Theo đánh giá của khối phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), nếu ông Trump thành công trong việc hạ giá đồng USD, nhiều quốc gia sẽ lập tức phải chạy đua nếu không muốn gặp bất lợi.

“Chiến tranh tiền tệ được thực tế chứng minh sẽ không mang lại lợi thế cho nước nào khi tất cả cùng giảm giá trị đồng tiền”, phân tích từ MSB nhìn nhận.

Mặt khác, một cuộc chiến như vậy sẽ khiến cho thị trường hoang mang và mất niềm tin, kéo theo là đầu tư, sản xuất và thương mại quốc tế ngày càng trở nên suy yếu, giống như những gì đã xảy ra những năm 1930 khi Anh khơi mào bằng cách hạ giá đồng GBP 25%.

Những ngày gần đây đã có nhiều ngân hàng giảm lãi suất chính sách, nhằm chuẩn bị trước cho những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra.

Cụ thể, trong tuần vừa qua, Ngân hàng Trung ương New Zealand, Ấn Độ hạ lãi suất lần lượt ở mức 50 điểm, 35 điểm; đồng thời Ngân hàng Trung ương Thái Lan và Phillippines cùng hạ lãi suất 25 điểm nhằm đối phó với các rủi ro địa chính trị quốc tế và bảo toàn tăng trưởng GDP.

Về thị trường hàng hóa, giá vàng tăng mạnh gần 4% sau khi phiên cuối tuần kết thúc.

Giá dầu có những phiên đầu tuần phải hứng chịu sự giảm giá rất mạnh. Đỉnh điểm là ngày 8/8, giá dầu giảm gần 5% và kết thúc tuần giảm 2,0%.

Thị trường chứng khoán cho thấy sự giảm điểm ở hầu hết các chỉ số lớn, ngày 5/8 chỉ số DowJones Mỹ và Shanghai Trung Quốc cùng giảm gần 3%, kết thúc tuần DowJones mất 0,75% và Shanghai mất hơn 3%.

Việt Nam vào tình thế tiến thoái lưỡng nan

Nhìn về trong nước, Trung tâm nghiên cứu kinh tế của MSB cho rằng, Việt Nam đang trong tình thế khó, cần có sự chuẩn bị cho nhiều kịch bản.

Bởi, trước đó, báo cáo thường niên của Bộ Tài chính Mỹ ra tháng 5/2019 đã liệt kê Việt Nam và một số nước khác vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ.

Trong đó, Việt Nam đang chạm hai trong ba tiêu chí kết luận thao túng tiền tệ của Mỹ là: thặng dư thương mại hàng hóa với Mỹ đạt trên 20 tỷ USD và thặng dư cán cân vãng lai đạt trên 2% GDP.

Nếu vi phạm điều kiện thứ ba là can thiệp ngoại hối một chiều và liên tục (gồm: mua ngoại tệ ròng lớn hơn 2% GDP trong 12 tháng và mua ngoại tệ ròng liên tục trong 6 tháng), Việt Nam có thể sẽ cùng với Trung Quốc, bị gắn mác thao túng tiền tệ.

“Điều khó khăn cho Việt Nam là trong trường hợp CNY mất giá mạnh, tỷ giá USD/VND không đổi sẽ tạo ra nhiều áp lực cho cán cân thương mại, dẫn đến nguy cơ thâm hụt thương mại và ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP”, khối nghiên cứu trên nhận định.

Theo đó, có thể nói, tình hình hiện tại đưa Việt Nam vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước cho rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn cần quan sát kỹ lưỡng, tham khảo bước đi của các ngân hàng trung ương trong khu vực, từ đó có sự chuẩn bị cho nhiều kịch bản, đảm bảo thế chủ động trong việc điều hành và dẫn dắt thị trường.

Theo BizLive

Các tin cũ hơn