|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Bloomberg) |
Ngay cả từ trước chiến tranh thương mại, kế hoạch của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc đưa Trung Quốc thành một trong những nền kinh tế phát triển nhất thế giới vào năm 2050 vẫn bị coi quá tham vọng.
Giờ đây, giấc mộng lớn đó của ông dường như ngày một xa vời. Khi mà phía Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gây sức ép buộc Trung Quốc đưa ra ngày một nhiều thay đổi cấu trúc với nền kinh tế quy mô 14 nghìn tỷ USD trong đó đang vướng mắc quá nhiều vấn đề như nợ cao, ô nhiễm tràn lan, dân số già – rủi ro nằm chính ở việc Trung Quốc mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình, có nghĩa Trung Quốc sẽ trì trệ trước khi mơ đến phát triển trình độ thế giới.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng chính phủ của Chủ tịch Tập có thể né tránh kịch bản tồi tệ trên bằng việc tăng cường tiêu dùng nội địa, tự do hóa thị trường đồng thời tăng cường sức mạnh của công nghệ Trung Quốc.
Thế nhưng mọi chuyện đương nhiên chẳng dễ dàng. Từ thập niên 1960 đến nay, chỉ có 5 nền kinh tế đang phát triển vươn lên được vị thế kinh tế phát triển mà vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao, theo tính toán của kinh tế gia đạt giải Nobel, ông Michael Spence, giáo sư tại trường kinh doanh thuộc đại học New York.
Đồng sáng lập công ty nghiên cứu Trivium China ở Bắc Kinh, ông Andrew Polk, nhận xét: “Trung Quốc đang cố gắng làm điều này trong khi sự phản đối từ phía Mỹ tăng cao, chính vì vậy trở ngại còn nhiều hơn nữa. Tuy nhiên rõ ràng Mỹ đã tuyên chiến chống Trung Quốc. Nếu cuối cùng Mỹ thành công, chúng ta sẽ nhìn lại thời khắc này khi mà yếu tố thúc đẩy thực sự phát huy hiệu quả”.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhấn mạnh đến thách thức mà Chủ tịch Tập Cận Bình đang đối mặt, trong báo cáo thường niên về kinh tế Trung Quốc, quỹ đã khẳng định rằng nếu thỏa thuận thương mại toàn diện không thể được chốt, triển vọng dài hạn của kinh tế Trung Quốc sẽ bị phá hủy. IMF chỉ ra: “Sự tiếp cận của Trung Quốc với thị trường và công nghệ nước ngoài sẽ hạn chế đáng kể”.
Khả năng đạt được thỏa thuận thương mại trong ngắn hạn dường như khá thấp. Sau khi Tổng thống Trump đe dọa áp thuế với khoảng 300 tỷ USD hàng Trung Quốc cách đây 2 tuần, Bắc Kinh đã lập tức phản ứng bằng việc ngừng nhập nông sản Mỹ và cho phép đồng nhân dân tệ rớt xuống mức thấp nhất tính từ năm 2008.
Chỉ sau vài giờ, chính quyền Tổng thống Trump đã lập tức “phản đòn”, chính thức gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Nhà Trắng đồng thời trì hoãn luôn quyết định điều chỉnh lại danh sách những công ty Mỹ được phép làm ăn với Huawei Technologies.
Từ nay cho đến tháng 10/2019, theo phân tích của cựu trợ lý Mỹ phụ trách các vấn đề Trung Quốc – ông Jeff Moon, sẽ khó có thể chờ đợi sự nhượng bộ từ phía Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang đối diện với nhiều áp lực từ nội địa Trung Quốc xung quanh vấn đề Hồng Kông và Trung Quốc chuẩn bị tổ chức ngày Quốc khánh.
Trong trường hợp xấu nhất, truyền thông nhà nước Trung Quốc từng nói đến khả năng phía Bắc Kinh có thể sẽ cắt đi hoàn toàn mối liên hệ về thương mại với Mỹ. Gần đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã làm nhiều chương trình nhằm khơi gợi tinh thần yêu nước của người dân, đẩy cao niềm tin của công chúng vào hệ thống kinh tế Trung Quốc cũng như sự linh hoạt trong ứng phó với áp lực từ bên ngoài.
Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, ông Hu Xijin, nhận xét: “Các doanh nghiệp Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư, tạo ra nhiều thị trường xuất khẩu mới. Số liệu mới công bố cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc tháng 7/2019 vẫn vượt kỳ vọng.
Theo BizLive