Tăng trưởng chịu nhiều sức ép cả trong và ngoài nước khiến Trung Quốc liên tiếp nới lỏng tiền tệ trong năm nay.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sáng nay thông báo bơm 200 tỷ nhân dân tệ (28 tỷ USD) vào hệ thống tài chính, thông qua công cụ cho vay cho trung hạn (MLF). Động thái trên khiến nhà đầu tư ngạc nhiên, do giới chức Trung Quốc thường bơm thanh khoản khi các khoản vay trước đáo hạn, tức là phải tới ngày 5/11.
"Thị trường không đoán trước được điều này", Becky Liu - Giám đốc Chiến lược vĩ mô Trung Quốc tại Standard Chartered cho biết, "Họ có lẽ muốn bơm thêm thanh khoản dài hạn" để đảm bảo nguồn cung dồi dào trong mùa nộp thuế giữa tháng 10, và cũng là để kích thích nền kinh tế đang chịu nhiều sức ép.
Nhân viên đếm tiền tại một ngân hàng ở An Huy (Trung Quốc). (Ảnh: China Daily) |
Dù vậy, Frances Cheung - Giám đốc chiến lược vĩ mô châu Á tại Westpac Banking nhận xét "phản ứng của thị trường lại khá yên ắng, có lẽ vì Trung Quốc vẫn giữ nguyên lãi suất trong bối cảnh các nước khác giảm lãi". Lãi suất với các khoản vay kỳ hạn một năm thông qua MLF vẫn là 3,3%. Việc giữ nguyên lãi có thể phản ánh Trung Quốc không muốn nới lỏng tiền tệ quá mức để tránh bùng nổ tín dụng.
Nền kinh tế lớn nhì thế giới đang chịu sức ép từ cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ và tăng trưởng trong nước chậm lại. Việc này khiến PBOC gần đây liên tục phải nới lỏng chính sách tiền tệ. Năm nay, họ đã giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp và tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng.
Các số liệu mới công bố tuần này cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 9 của Trung Quốc tiếp tục đi xuống. Kim ngạch xuất nhập khẩu cũng giảm mạnh hơn dự báo.
Theo VNE