Thắt vốn trên OMO, lãi suất trái phiếu, liên ngân hàng thấp lạ thường

Thứ hai, 05/03/2012, 13:35
Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng vốn trên OMO trong bối cảnh lãi suất trái phiếu và lãi suất trên thị liên ngân hàng thấp lạ thường.

Theo dữ liệu của Reuters và tính toán của NDHMoney, trong tuần từ 27/2-2/3/2012, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra thị trường mở (OMO) 4.472 tỷ đồng, với kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày, lãi suất 14%/năm.
 


Trong tuần, có ngày Ngân hàng Nhà nước chỉ bơm ra có 121 tỷ đồng, trong khi lượng tiền bơm ra nhiều nhất cũng chỉ trên 1.500 tỷ đồng/ngày.

Cũng trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước hút về 7.514 tỷ đồng, đưa mức hút ròng vốn trong tuần đạt 3.042 tỷ đồng.

Với việc thắt chặt việc bơm vốn, Ngân hàng Nhà nước đang hút về những đồng vốn cuối cùng trên thị trường mở. Điều này cho thấy nhiều tổ chức tín dụng đã bị cắt “bầu vốn” quan trọng mà trước kia họ vẫn tìm đến khi cần.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, với các ngân hàng có độ tín nhiệm tốt, việc vay vốn trên thị trường liên ngân hàng đang diễn ra sôi động khi lãi suất trên thị trường này khá thấp. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 2 tuần tính đến ngày 29/2 chỉ còn 9,67%/năm, lãi suất qua đêm là 11,06%/năm, các kỳ hạn khác đa phần từ 12-13%/năm.

Việc lãi suất thấp hơn so với trước kia trên thị trường liên ngân hàng không phải là điều quá ngạc nhiên bởi trong các đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ gần gây, tỷ lệ trúng thầu rất cao, trong khi lãi suất đã xuống dưới 11%/năm.

Cụ thể, trong phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ ngày 1/3, Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công 6.895 tỷ đồng trong số 7.000 tỷ đồng trái phiếu được đưa ra gọi thầu, với lãi suất từ 10,97%-11,2%/năm. Còn trong tháng 2/2012, tổng khối lượng trái phiếu huy động qua đấu thầu tại HNX đạt tới 35.380 tỷ đồng, tương ứng với 85,9% khối lượng gọi thầu, tăng gấp 141% so với cùng kỳ năm 2011.

Các giao dịch trái phiếu là “sân chơi” của các nhà đầu tư tổ chức, các tổ chức tài chính. Điều này đang tạo hy vọng sẽ có đợt giảm lãi suất trong thời gian tới, nhất là sau các đợt truyền thông giảm lãi suất rầm rộ của Vietcombank, Agribank, VIB, ACB, VPBank...

Theo NDHMoney

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích