"Tăng giá xăng lúc này là đổ dầu vào lửa!"

Thứ hai, 05/03/2012, 09:03
Ngay đầu tháng 3, thị trường trong nước đã phải chứng kiến mức điều chỉnh tăng gây sốc của rất nhiều mặt hàng thiết yếu.

Thế nhưng mới đây, các doanh nghiệp (DN) xăng dầu tiếp tục đề xuất tăng giá xăng với mức từ 800 đến 1.000 đồng/lít. “Xăng dầu là ngành có tác động lớn tới nền kinh tế, cuộc sống của người dân. Vì vậy, mỗi lần đứng trước quyết định tăng giá xăng thì cơ quan quản lý cần phải có những bước đi thận trọng và cân nhắc thật kỹ. Không thể chỉ nghe DN báo lỗ rồi cho tăng giá liền” - TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả, Bộ Tài chính, lưu ý.
 


Hậu quả khôn lường

- Nếu đề xuất tăng giá của DN được duyệt thì ảnh hưởng như thế nào đối với tâm lý người dân cũng như nền kinh tế, thưa ông?

Nhà nước có hai công cụ để điều hành giá xăng. Đó chính là chính sách thuế và giá. Nếu thuế đã dùng đến “kịch kim” rồi thì chúng ta phải dùng giá thôi. Tuy nhiên, lại phải xét phương án dùng giá ở thời điểm nào? Nếu ở thời điểm giá các mặt hàng đang bình ổn thì được. Còn thực tế hiện nay, giá các mặt hàng thiết yếu đang có xu hướng biến động mạnh. Nếu chúng ta cho phép giá xăng dầu tăng thời điểm này thì chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa, gây hậu quả khôn lường.
 

- Nhưng đã có ý kiến cho rằng chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 thấp nên tăng giá xăng khá thuận lợi…

So với các nước trên thế giới, lạm phát ở Việt Nam luôn đứng ở mức cao. Vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng 1,37%. Nhiều người cho rằng đây là con số thấp và có thể tận dụng thời điểm này để cho tăng giá xăng. Nhưng theo tôi, đó vẫn là cao. Bởi lẽ năm nay mục tiêu kiềm chế lạm phát của nước ta là dưới một con số. Vì vậy, tôi luôn muốn nhấn mạnh rằng tăng giá hay không thì rất cần cơ quan quản lý nhà nước xem xét thật kỹ.
 

- Nhưng nếu DN lỗ thực sự?

+ Tôi không nói là DN không được tăng giá, bởi hiện Nhà máy lọc dầu Dung Quất mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Số còn lại đều phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Giá xăng dầu trong nước bị phụ thuộc bởi giá xăng dầu thế giới. Thêm nữa, đã liên quan đến kinh doanh thì DN phải gắn liền với lợi nhuận. Tuy nhiên, điều người dân đang quan tâm đó là DN có lỗ thực sự hay không, hay đó mới chỉ là thông tin một chiều? Nếu chúng ta không kiểm chứng, giám sát thì có thể sẽ đưa đến những ảnh hưởng rất lớn cho nền kinh tế.

Điều tôi nói đã từng thấy rõ trong quá khứ: DN luôn than lỗ và đề nghị tăng giá nhưng đến khi lên sàn chứng khoán thì họ lại báo lãi. Như vậy, DN tiền hậu bất nhất. Lúc này cơ quan chức năng có trách nhiệm rất quan trọng, họ phải đủ năng lực chuyên môn kiểm tra, giám sát DN. Đứng trước áp lực một bên là DN, một bên là người tiêu dùng và một bên là ngân sách Nhà nước thì chúng ta phải chọn con đường nào? Muốn chọn con đường hiệu quả nhất thì Nhà nước phải kiểm tra thực sự, nắm bắt được diễn biến, giá cơ sở của các DN.
 

Quản lý giá: Đừng chỉ ngồi bàn giấy!

- Vậy theo ông, làm sao để DN không “qua mặt”?

Phần lớn các cán bộ trong cơ quan quản lý ngành xăng dầu lại chưa kinh qua hoạt động kinh doanh xăng dầu. Trong khi đó, ở nhiều nước, họ đòi hỏi cán bộ quản lý phải là những người đã từng tham gia lĩnh vực này, bởi chỉ có từng kinh doanh thì khi đó họ mới có kinh nghiệm, am hiểu lĩnh vực đó cũng như am hiểu “cái bụng” của các DN. Có một thực tế là nhiều cán bộ quản lý chủ yếu làm việc ở văn phòng nên DN rất dễ “qua mặt”.

Nắm bắt xu hướng giá cũng là điều rất quan trọng đối với cán bộ quản lý. Nếu giá thế giới có xu hướng tăng thì rõ ràng Nhà nước không thể kìm mãi giá được mà phải để DN tăng giá. Mức tăng cũng cần có lộ trình, có thời điểm, không thể đột ngột cho tăng 2.000 đến 3.000 đồng/lít.

Tuy nhiên, theo tôi được biết trong mấy ngày qua, giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm. Vậy tại sao đòi tăng? Tóm lại, những người quản lý giá cần phải có kiến thức, nắm bắt xu hướng giá trung hoặc ngắn hạn, từ xu hướng giá này sẽ có những quyết sách đúng lúc cho thị trường.
 

- Nhiều nước trên thế giới, nền kinh tế của họ chủ yếu phụ thuộc vào các kênh đầu tư tài chính nên việc giá xăng tăng không hề ảnh hưởng. DN của ta lại luôn so sánh giá xăng trong nước với các nước khác?

Ở Campuchia, giá xăng có tăng đến mấy cũng không ảnh hưởng đến chỉ số lạm phát. Còn ở ta, giá xăng tác động lên mọi mặt của đời sống kinh tế. Đây cũng chính là lý do khiến Nhà nước luôn muốn giữ bình ổn. Nhưng nói đi phải nói lại, chỉ bình ổn trong điều kiện ngân sách và nền kinh tế có khả năng chịu đựng được.

Tôi biết nhiều DN nói về Nghị định 84 và họ muốn được quyền định giá. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường xăng dầu hiện nay của chúng ta, khi mà Petrolimex còn chiếm đến 60% thị phần thì không thể để DN quyết định giá được.

Xin cảm ơn ông.

 

Họ đã nói

Hiện giá cơ sở vẫn cao hơn giá bán hiện hành đối với xăng là hơn 2.000 đồng/lít. Trong đó, quỹ bình ổn được trích 1.400 đồng/lít. Nghị định 84 nói rất rõ, Nhà nước có thể sử dụng các công cụ tài chính để điều chỉnh ví dụ như quỹ bình ổn và thuế. Giờ công cụ thuế được áp dụng, tuy nhiên cũng phải nói cho rõ là Nhà nước đang bù cho người tiêu dùng chứ không phải DN. Giảm thuế chỉ bớt áp lực cho DN chứ DN vẫn lỗ. Việc quản lý giá xăng dầu dù như thế nào nhưng cũng phải đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, người tiêu dùng và quyền lợi của DN. DN phải có lợi nhuận, có lãi mới tồn tại được.

Ông VƯƠNG THÁI DŨNG,Phó Tổng Giám đốc, Tập đoànXăng dầu Việt Nam (Petrolimex)
 

Tới đây chúng tôi sẽ phải đề nghị tăng giá vì mức lỗ kéo dài và không thể tiếp tục gánh lỗ. Hàng tồn kho lỗ quá nặng do áp dụng thuế cũ, trong khi quỹ bình ổn đã hết. Để giảm lạm phát thì chúng ta đã dùng quỹ bình ổn nhưng hiện tại đã hết quỹ bình ổn thì phải cho DN tăng giá.

Một vị đại diện Saigon Petro


Theo Phapluat TP

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn