Hưng phấn và rủi ro từ hấp lực của vàng

Chủ nhật, 04/03/2012, 09:55
Trong khi thị trường chứng khoán vẫn chập chờn, thị trường bất động sản vẫn bất động, vàng được coi là sự lựa chọn an toàn. Nhưng hãy coi chừng với hấp lực của vàng.

An toàn trong thời loạn

Trong lịch sử tiền tệ của loài người, trong quá trình trao đổi hàng hoá, đã từng có nhiều loại được chọn làm vật ngang giá chung. Sau nhiều biến đổi, do đặc tính cơ lý của mình, vàng được lựa chọn như là một thứ tiền tệ với đầy đủ năm chức năng: thước đo giá trị, phương tiện thanh toán, phương tiện lưu thông, phương tiện cất trữ và tiền tệ thế giới.

Vàng là tiền tệ của mọi thời đại, của mọi quốc gia. Dẫu thời cuộc có biến động thì vàng vẫn được loài người tín nhiệm. Thế giới càng biến động, uy tín của vàng càng tăng cao.

 


Vàng được tín nhiệm không chỉ vì quý mà còn do hiếm. Trong hơn trăm nguyên tố có mặt trên trái đất, vàng chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ. Theo National Geographic, mỗi năm, thế giới sản xuất ra một lượng vàng khoảng 1.555 tấn (10 triệu ounce).

Với giá vàng như hôm nay (02/03/212) thì lượng vàng này có giá trị khoảng 1.721,6 tỉ USD. Nếu để chung số vàng này lại với nhau thì nó là một hình khối lập phương 4.3 mét mỗi chiều - bằng một căn phòng trung bình.

Cũng chính vì sự quý và hiếm nên dẫu có biến động lên xuống theo thời cuộc, nhưng về tổng thể, giá vàng vẫn tăng. Sự tăng giá khá ổn định khiến vàng không chỉ là phương tiện cất trữ mà còn trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn. Chỉ tính riêng cơn sốt nhẹ vào tháng 7-8 năm 2011, giá vàng thế giới đã tăng đến 30%, trong khi vàng trong nước còn mạnh hơn nhiều: 42%. Trong bối cảnh đìu hiu của nền kinh tế, khó có kênh đầu tư nào có khả năng sinh lợi hấp dẫn hơn thế.

Do sự ổn định về giá trị, nên vàng được coi là nơi trú ẩn an toàn của giá trị. Vàng được tín nhiệm không chỉ trong tâm lý xã hội mà ngay cả các quốc gia. Ngày nay, các nước trên thế giới đều dùng một lượng vàng lớn để làm dự trữ quốc gia. Các thỏi vàng lớn được chứa tại các kho của ngân hàng; tổng số vàng mà các nước sở hữu chừng 37 nghìn tấn. Trong khi đó, số vàng nằm trong dân chúng của các nước chỉ khoảng 23 nghìn tấn.
 


Trong hơn một năm qua, khi thế giới đang loay hoay chống đỡ với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thì động loạn lại xảy ra ở Bắc Phi và Trung Đông, thiên tai ở Nhật bản... người ta lại đua nhau tìm đến vàng. Đây được coi là thời cơ vàng của những người kinh doanh vàng. Ngày giao dịch đầu tiên của năm 2011 (ngày 04/01), giá vàng đã được niêm yết ở mức 36,1 triệu đồng/lượng. Rồi từ đó, giá vàng như một người đam mê độ cao, cứ thế tăng dần tăng dần, thỉnh thoảng dừng chân chốc lát rồi tiếp tục leo.

Mức giá cao nhất trong năm 2011 được thiết lập vào ngày 22/08 khi giá vàng lên sát mốc 49 triệu đồng/lượng. Vượt xa mọi dự đoán của giới chuyên gia. Tuy nhiên, thời gian mà giá vàng ở đỉnh này không được lâu, ngay sau đó, giá vàng bắt đầu rơi. Điều này cho thấy, sự leo thang của giá vàng không phải là vô tận.

Vàng quý thật, nhưng không có nghĩa là vàng có ưu điểm tuyệt đối. Trong một thế giới bất ổn, người ta giữ vàng như lưu giữ giá trị. Tuy nhiên, việc sở hữu vàng như một cách thức phòng thân cũng đầy rủi ro. Do sự quý hiếm của vàng, nên người giữ vàng thường là đối tượng tấn công của các thế lực bất hảo. Phần lớn các vụ án mạng lớn xẩy ra gần đây đều liên quan đến vàng. Đáng lưu ý là việc cướp tiệm vàng ở Bắc Giang tháng 8/2011 và mới đây thôi, là vụ cướp tiệm vàng ở Đỗ Xá, Hà Nội, đều là những vụ án rùng rợn.
 

Đối mặt rủi ro

Nói về mặt thanh toán, vàng được coi là "thiếu năng động". Bởi lẽ, khi cần phải thanh khoản, không phải ai cũng có khả năng thẩm định tuổi vàng. Câu "vàng thau lẫn lộn" để chỉ sự phức tạp trong việc đo tuổi vàng. Chỉ có các tiệm vàng mới đủ uy tín để thẩm định tuổi vàng mà các tiệm vàng không hẳn đã có mặt ở mọi lúc, mọi nơi.  Với tư cách là phương tiện cất trữ, vàng không linh hoạt như đồng USD. Khi cần huy động nguồn lực, vàng tỏ ra chậm chạp.

Vàng chỉ tỏ ra có ưu thế với tư cách là phương tiện cất trữ mà cất trữ tiền tệ thì thật là phí phạm... Đặc biệt, với một nền kinh tế đang phát triển như VN, vốn được đưa vào lưu thông, sự sinh lợi sẽ hấp dẫn hơn nhiều.

Với những lý lẽ đó, đã có thời người ta ghẻ lạnh với vàng. Năm 1981, giá vàng từ 875 USD/ounce đã tụt dần, tụt dần liên tục trong nhiều năm gần như liên tục. Trước khi xẩy ra cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ (tháng 7/1997), giá vàng ở thị trường London chỉ còn ở mức 246 USD/ounce. Như vậy, giá vàng đã có thời kỳ tuột giốc không phanh suốt 16 năm trời để rồi, khi thế giới bất ổn, giá vàng lại leo thang.

Tính đến nay, giá vàng đã có sự thăng hoa liên tục suốt 15 năm. Nếu sự thăng trầm của giá vàng có tính chu kỳ thì đây phải chăng là đỉnh điểm của một chu kỳ khép kín!?

 


Trong tháng đầu tiên của năm 2012, có hiện tượng giá vàng tăng mạnh và đặc biệt trong thời gian Việt Nam nghỉ Tết Nguyên đán có nguyên nhân chính là do Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) bất ngờ tuyên bố sẽ giữ ổn định lãi suất cơ bản USD ở mức 0-0,25% từ nay đến cuối năm 2014 thay vì đến năm 2013. Tuyên bố này của FED khiến USD tạm thời yếu và thúc đẩy sự tăng giá của vàng.

Đến nay (02/02) giá vàng đang đụng đến mức 1.721,6USD/ounce. Ngoài ra, một thông tin đang được chờ đợi là những thoả thuận đạt được giữa chủ nợ đối với Hy Lạp. Khó có thể đánh giá tác động của thông tin này. Nếu Hy Lạp đạt được thỏa thuận tốt, là khởi đầu cho châu Âu thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài 3 năm qua.

Có một phương án khác, nếu cuộc đàm phán giữa các chủ nợ với chính phủ Hy Lạp không đạt được kết quả như mong muốn sẽ có đợt bán tháo và cuộc khủng hoảng nợ châu Âu sẽ còn kéo dài. Đây được coi là động lực để cho vàng không rớt giá. Gần đây giá vàng biến động tương quan với các tài sản có rủi ro, nhưng đôi lúc vẫn tăng giá nếu nhà đầu tư nhận thấy bất ổn rủi ro toàn cầu gia tăng.

Một nhân tố khác nữa tác động đến giá vàng thế giới là thị trường Trung Quốc. Quốc gia có 1,3 tỷ dân này đang ngày càng rủng rỉnh tiền bạc. Dân chúng nước này đang thịnh hành việc mua sắm các trang sức phòng thân, cũng như là một sự khoe khoang về đẳng cấp. Sự trở lại của thị trường Trung Quốc sau Tết Nguyên đán là một lý do hỗ trợ cho sự đi lên của giá vàng. Cùng với đó, đồng nhân dân tệ sau nhiều năm ổn định, nay do sự đóng băng của thị trường bất động sản, lạm phát ở nước này đang tăng lên. Tuy nhiên, động lực này chỉ có tác động ngắn hạn.

Nhìn về dài hạn, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã sắp qua năm thứ tư. Đây là thời điểm được coi là quá đủ mà người ta phải tìm mọi cách để kết thúc nó. Trên toàn cục, nền kinh tế thế giới đang tốt lên. Kinh tế Mỹ đang khởi sắc trông thấy, Nhật Bản về cơ bản đã thoát khỏi những khó khăn từ sau động đất. Khi những vấn đề nợ công của châu Âu được dàn xếp ổn thoả, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu là tất yếu.

Cùng với sự phục hồi của các nền kinh tế, đồng Euro, đồng USD sẽ mạnh lên. Khi có sự đảm bảo an toàn về giá trị, người dân không nhất thiết phải tìm đến vàng như là một sự trú ẩn an toàn của giá trị. Khi những động lực thổi bùng giá vàng không còn nữa, điều gì để xảy ra? Hãy cảnh giác với sự hấp lực của vàng.


Theo VEF

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn