Từ huề đến lỗ
M’Đrak là vùng trồng mía lớn nhất của tỉnh Dăk Lăk với trên 7.000ha mía. Hiện nay, nông dân đang bước vào giữa vụ thu hoạch mía, song, khác với những năm trước, giá mía từ đầu vụ này đã giảm còn 800 đồng/kg, thấp hơn từ 200 – 500 đồng/kg so với niên vụ trước.
Anh Y Ja Niê, buôn Bích, xã Krông Jing cho biết, gia đình anh có 5ha mía trồng từ năm 2008 đến nay, mỗi năm, gia đình anh phải đầu tư khâu chăm sóc khoảng 25 triệu đồng cho mỗi hecta mía, chưa kể việc thuê nhân công thu hoạch. Niên vụ 2011 – 2012, giá thuê nhân công đã tăng từ 130.000 đồng/công lên 160.000 đồng/công, đồng thời, giá của phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng cao. Theo anh Y Ja Niê, năm trước, giá mía cao, gia đình anh lãi trên 200 triệu đồng/vụ, nhưng với giá mía hiện nay, người trồng mía lãi rất ít, thậm chí không có lãi nếu năng suất mía kém.
Trong khi đó, vụ ép mía năm 2011 – 2012, nhà máy đường Phổ Phong (thuộc công ty cổ phần đường Quảng Ngãi) chỉ mua mía của nông dân với giá 950.000 đồng/10 CCS (chữ đường), thấp hơn 50.000 đồng so với vụ ép mía năm trước. Những ngày cuối tháng 2, về xã Phổ Nhơn – nơi có diện tích tồng mía lớn nhất huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) với 700ha, nông dân đang khốn đốn vì trồng mía.
Ông Đỗ Tất Đậu ở thôn An Lợi, xã Phổ Nhơn cho biết: “Gia đình tôi vừa thu hoạch được 26 tấn mía. Làm quần quật gần 12 tháng trời, nếu tính cả công chăm sóc, làm đất, thì trồng mía năm nay chỉ có lỗ”. Ông Nguyễn Văn Một, chủ nhiệm hợp tác xã chuyên canh mía xã Phổ Nhơn cho biết, năm nay, giá mía ở địa phương này giảm và năng suất đạt thấp: chỉ từ 60 – 65 tấn/ha, giảm so với năm trước 20 tấn/ha.
Mía đưa vào sản xuất ở nhà máy đường Phổ Phong, Quảng Ngãi.
Nông dân có bị ép?
Phần lớn diện tích mía của huyện M’Đrak (Dăk Lăk) đều do bà con hợp đồng liên kết với các đại lý thu mua hoặc nhà máy đường. Các đơn vị trên bỏ vốn đầu tư chăm sóc mía và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Nhưng hiện nay, hình thức thu mua mía của các nhà máy và tư thương vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều chủ đại lý mua mía dạng bó (mỗi bó khoảng mười cây), chứ không mua theo ký lô gam như quy định của hợp đồng.
Ông Đặng Xuân Minh, ở xã Ea Trang nói: “Việc bán mía theo hình thức bó khiến người dân bị thiệt thòi rất nhiều, mỗi bó mía, tư thương mua với giá từ 8.000 – 8.500 đồng và phải đạt đủ 10kg/bó mới mua. Tính ra, mỗi bó mía người dân bị chịu thiệt từ 2 – 5kg”.
Không những thế, nông dân trồng mía còn phải chịu nhiều rủi ro bất ngờ xảy đến. Gia đình ông Lê Văn Trịnh ở thôn Ea Tê, xã Krông Jing có 4ha mía, nhưng vừa qua đã có 2ha mía bị cháy, làm thiệt hại cho gia đình ông trên 100 triệu đồng.
Nhiều nông dân còn không hiểu vì sao cũng giống mía do nhà máy đường đầu tư, nhưng chất lượng mía của xã Phổ Nhơn, xã Bình Tân nói riêng, cả 12 huyện, thành phố của tỉnh Quảng Ngãi nói chung, lại không bao giờ đạt được chữ đường trên 10 CCS. Trong khi đó, những năm trước đây, nông dân ở nhiều nơi trong tỉnh bán mía có chữ đường cao: 12 CCS, thậm chí có nơi đạt gần 14 CCS.
Giải thích về việc này, ông Lữ Ngọc Hùng, phó trưởng phòng nguyên liệu mía của nhà máy đường Phổ Phong cho biết, do nông dân trồng mía không đúng quy trình, không chủ động nước tưới, nhất là do nông dân lấy phân của nhà máy cung cấp để bón cho các loại cây trồng khác, nên mía có chữ đường không cao.
Không đồng tình với lý giải của ông Hùng, bà Võ Thị Ngọc, chủ tịch UBND xã Phổ Nhơn cho biết, ngày 13.12.2011, nhà máy đường Phổ Phong thông báo giá mua mía nguyên liệu là 1 triệu đồng/tấn/10 CCS, thế nhưng ngày 30.1.2012, nhà máy lại thông báo điều chỉnh giá mua thấp hơn trước 50.000 đồng/tấn.
Theo bà Ngọc, lẽ ra nhà máy phải mua mía nguyên liệu với giá cao hơn vụ ép mía của năm trước hơn 5%, bởi vì, mọi thứ vật tư nông nghiệp đã tăng 10%, nhân công tăng từ 10 – 20%. Hiện nay, do giá thu mua mía nguyên liệu giảm, nên nông dân ở đây đã phá 20ha mía để trồng mì và dưa hấu.
Theo SGTT