Ngày 29/2/2012, Bộ tài chính Mỹ cho biết tháng 12/2011 Trung Quốc giảm tới 8,2 tỉ USD trái phiếu Mỹ, con só kỉ lục trong 10 năm qua kể từ năm 2001 tới nay. Bộ tài chính Mỹ cho biết đỉnh cao nhất Trung Quốc nắm giữ trái phiếu Mỹ vào tháng 7/2011 tới gần 1.315 tỉ USD, nhưng sau đó bắt đầu giảm dần và tới nay chỉ còn 1.151,9 tỉ USD. Chuyên viên cao cấp của Ngân hàng kiến thiết Trung Quốc Triệu Khánh Minh cho biết sở dĩ số liệu của Trung Quốc và Mỹ chênh lệch nhau do các tính toán của hai nước khác nhau, nên thông báo số liệu khác nhau, điều này không có gì ngạc nhiên.
Triệu Khánh Minh nói, trái phiếu Mỹ được các nhà đầu tư thế giới coi là “cảng lánh nạn cuối cùng” để tránh rủi ro trên thị trường tài chính. Tuy nhiên từ tháng 8/2011 khi Cơ quan Standard & Poor hạ mức tín nhiệm tài chính Mỹ thì dư luận tỏ ra lo ngại về đồng USD có thể bị sụt giá, hơn nữa mức lãi suất trái phiếu Mỹ đầu năm 2011 đã sụt giảm từ 3% trước đây xuống còn 2%, nên một số nhà đầu tư chuyển sang đầu tư vào lĩnh vực khác.
Ông cho biết nguyên nhân chủ yếu Trung Quốc giảm bớt nắm giữ trái phiếu Mỹ là: Một là, một số trái phiếu đã tới hạn, nên phải bán ra. Hai là, Trung Quốc tiến hành chấn chỉnh lại trái phiếu hiện đang năm giữ, như bán ra số cũ để mua thêm số mới. Ba là, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc thời gian tới vẫn tiếp tục tăng lên, hiện nay đã tới gần 3.200 tỉ USD, riêng năm 2011 tăng thêm tới trên 300 tỉ USD, nên Trung Quốc cần điều chỉnh lại đầu tư, chuyển sang lĩnh vực khác để giảm thiểu rủi ro.
Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế thế giới Viện quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc bà Trần Phượng Anh cho rằng việc Trung Quốc giảm thiểu nắm giữ trái phiếu Mỹ phản ánh tâm trạng lo ngại đối với đồng USD của các nhà quản lý dự trữ ngoại tệ Trung Quốc. Để giải quyết khó khăn ở trong nước, nhất là khoản nợ công khổng lồ, Mỹ hiện nay cứ lặng lẽ in thêm đồng USD đưa vào lưu hành, ngoài ra có thể áp dụng gói kích cầu QE3, nên đồng USD có thể sẽ bị mất giá thời gian tới. Hiện nay dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tới 3.200 tỉ USD, trong đó trên 70% là đồng USD, một khi đồng USD bị mất giá lớn, thì Trung Quốc bị thiệt hại và sẽ bị “sập bẫy” đồng USD.
Chuyên viên Viện nghiên cứu kinh tế Trung Quốc và thế giới Đại học Thanh Hoa ông Viên Cương Minh cho rằng ngoài lý do trên, việc giảm bớt nắm giữ trái phiếu Mỹ còn phản ảnh các nhà quản lý tiền tệ lo ngại dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc bị gắn quá chặt chẽ quá mức vào đồng USD, nên muốn thoát khỏi sự ràng buộc này. Mặc dù các nhà kinh tế thế giới cho rằng khả năng Mỹ bị vỡ nợ là rất nhỏ, nhưng thời gian qua tín nhiệm tín dụng của Mỹ bị hạ cấp trong khi hai Đảng trong Quốc hội Mỹ tranh cãi nhau và không thể thỏa thuận được về giải quyết nợ công. Hiện nay nợ công của Mỹ ngày càng tăng lên, vì vậy, Chính phủ Mỹ có thể áp dụng các biện pháp giải cứu nợ công kể cả hạ giá đồng USD, nen thời gian qua dư luận các nước cho rằng khả năng vỡ nợ rất có thể sẽ xảy ra, khi đó Trung Quốc sẽ “bị sập bẫy” và thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.
Triệu Khánh Minh, Chuyên viên cao cấp của Ngân hàng kiến thiết Trung Quốc, nói một nguyên nhân nữa khiến Trung Quốc giảm bớt trái phiếu Mỹ xuất phát từ đa nguyên hóa dự trữ ngoại tệ để tránh rủi ro. Bài học về khủng hoảng nợ công Châu Âu và sự lung lay của đồng EUR cho thấy nếu nắm giữ quá nhiều một loại ngoại tệ trong dự trữ ngoại tệ sẽ bị thiệt hại khi đồng tiền đó bị mất giá. Vì vậy việc giảm bớt nắm giữ trái phiếu thể hiện sự đánh giá của Trung Quốc đối với kinh tế Mỹ và tương lai của đồng USD.
Tuy nhiên, ông Trương Minh- chuyên gia tiền tệ quốc tế Viện khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng đây chỉ là sự điều chỉnh trong dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc chứ chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ Trung Quốc thực hiện một cách hệ thống, lâu dài việc giảm bớt nắm giữ trái phiếu Mỹ, vì hiện nay đầu tư vào trái phiếu Mỹ vẫn có lợi và an toàn trong tình hình khủng hoảng nợ công của Châu Âu vẫn nghiêm trọng và khu vực Eurozone cũng như đồng EUR đang bị lung lay. Hiện nay đồng USD vẫn là đồng tiền thanh toán và dự trữ quốc tế mà chưa có đồng tiền nào có thể thay thế.
Theo Tamnhin.net