Myanmar: Đối thủ cạnh tranh đáng gờm của VN?

Chủ nhật, 04/03/2012, 09:47
Với những bước chuyển mình về chính trị gần đây, Myanmar đang thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài và có nhiều tiềm năng trở thành đối thủ của Việt Nam trong tương lai không xa.

Con hổ tiếp theo của châu Á?

Từng là quốc gia giàu có nhất trong khu vực hồi thập niên 60 của thế kỷ trước, thế nhưng gần nữa thế kỷ dưới chế độ quản lý của giới quân sự, Myanmar đã tụt hậu và bị cô lập, trở thành một trong những quốc gia nghèo nhất khu vực.

Tuy nhiên, trong vòng hai năm qua, đặc biệt là trong ba tháng gần đây, từ tháng  11/2011 đến hết tháng 1/2012, Myanmar có những chuyển biến tích cực, làm dư luận khu vực và thế giới chăm chú dõi theo.

Bên cạnh việc thay đổi sang một nền chính trị tự do hơn, những cái bắt tay thân tình với lãnh đạo phương Tây, về kinh tế, đất nước chùa Vàng cũng đã tiến hành cải cách theo nền kinh tế thị trường và thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong xây dựng, giao thông, lâm sản, nông nghiệp... , nhất là khai thác khí đốt trên vịnh Bangal với tiềm năng hàng đầu thế giới.

Từ giữa năm 2011, song song với các chuyến công du liên tục của giới chính trị gia phương Tây, các nhà đầu tư ngoại quốc cũng ồ ạt tới thăm dò thị trường Myanmar. Những nhà đầu tư đến từ các cường quốc như Nhật, Mỹ, và liên minh châu Âu đang có kế hoạch tiến vào Myanmar thông qua nhiều lĩnh vực tiềm năng như dầu mỏ, khai thác khoáng sản,... Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhận định, Myanmar sẽ trở thành con hổ tiếp theo của châu Á trong tương lai.
 

Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với Myanmar - đối thủ mới trong xuất khẩu gạo.


Tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos, Thụy Sỹ ngày 28/1/2012, các Bộ trưởng, Thứ trưởng của Myanmar cho biết sẽ "miễn thuế 8 năm cho các nhà đầu tư nước ngoài" nhằm hút vốn "ngoại".

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 24/1/2012, trong bản đánh giá của mình cho biết GDP của Myanmar năm tài chính 2011 đã tăng 5,5% và dự báo GDP năm tài chính 2012 của quốc gia này sẽ đạt ít nhất 6%. "Myanmar đứng trước cơ hội lịch sử để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, dựa vào tài nguyên thiên nhiên, lại có nguồn nhân lực trẻ và điều kiện thuận lợi khi các nước xung quanh cũng đang tiến lên mạnh mẽ", IMF nhận định.

Hiện tại, chính phủ Malaysia tích cực cải thiện quan hệ với phương Tây và phát triển chính sách thu hút giới đầu tư. Với những bước đi ban đầu đúng hướng, Myanmar đang được kỳ vọng sẽ phát triển bùng nổ, trở thành một con hổ mới của châu Á sau khi chính thức được gỡ bỏ cấm vận - tương tự như trường hợp của Việt Nam cách đây 18 năm.
 

Đối thủ đáng gờm của Việt Nam?

Những đổi mới mạnh mẽ tại Myanmar đang hé mở một thị trường mới, đầy tự do ưu đãi được kỳ vọng sẽ thu hút mạnh dòng vốn đầu tư của thế giới. Là láng giềng của Myanmar, trong tương lai không xa, Việt Nam đứng trước viễn cảnh phải cạnh tranh với một đối thủ mới đáng gờm.

Sự cạnh tranh đó, xuất phát từ việc Myanmar và Việt Nam có khá nhiều điểm tương đồng về sản phẩm cũng như lý do hấp dẫn nhà đầu tư.

Nếu phá triển tốt, Myanmar sẽ là một điểm đến du lịch hút khách


Đầu tiên, Myanmar cũng có tiềm năng trong những lĩnh vực tương tự Việt Nam. Đó là nông nghiệp, dầu khí, và du lịch. Trước khi bị cấm vận, Myanmar cũng đã từng là một nước xuất khẩu gạo với hàng chục triệu hecta đất nông nghiệp (Việt Nam hiện chỉ có gần 10 triệu ha đất nông nghiệp và đã bị khai thác triệt để). Kể cả trong giai đoạn bị cấm vận, Myanmar vẫn không bị đói và có thể xuất khẩu gạo sang một số thị trường như Thái Lan, Ấn Độ, hay Malaysia. Năm 2010, nông nghiệp và dầu khí là hai mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất từ quốc gia này, với giá trị xuất khẩu đạt 8,86 tỉ USD.

Bên cạnh nông nghiệp, dầu khí cũng là một trong những tài nguyên quý của Malaysia. Nếu Việt Nam có nhiều tiềm năng về dầu tại khu vực biển Đông thì  Myanmar, với các cảng biển hướng ra Ấn Độ Dương, cũng đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này. Theo số liệu thống kê chính thức, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dầu khí Myanmar chạm mức 13.5 tỷ USD trong năm 2010. Trong năm 2009-2010, Myanmar đã xuất khẩu tới 8.29 tỷ m3 khí, và trở thành nước xuất khẩu khí lớn thứ 2 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hiện tại, một ủy ban thực hiện dự án đặc biệt của Chính phủ, đứng đầu là Tổng thống U Thein Sein, đang chú trọng vào lĩnh vực dầu khí và đề ra các quy định nhằm hợp tác nhiều hơn với các công ty khai thác và sản xuất dầu khí nước ngoài. Myanmar đang xúc tiến nhiều dự án khai thác và sản xuất dầu khí cũng như khai mỏ với các công ty của Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc. Ngoài dầu mỏ, nước này cũng có nhiều loại tài nguyên quý, khoáng sản quý khác chưa được khai thác.

Một điều không thể không nhắc tới đó là tiềm năng du lịch của Myanmar. Quốc gia với 90% dân số theo đạo Phật được biết đến với ngôi chùa Vàng nổi tiếng, được xếp vào hàng một trong những kỳ quan của thế giới, chắc chắn sẽ thu hút được một lượng lớn khách du lịch đến tham quan sau khi lệnh cấm vẫn được hoàn toàn gỡ bỏ. Sự phát triển của ngành du lịch sẽ kéo theo hàng loạt dịch vụ đi kèm xuất hiện, và nếu thành công, Myanmar sẽ trở thành một điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch của khu vực.

Điểm thứ hai mà Myanmar không chỉ giống, mà còn tỏ ra chiếm ưu thế hơn Việt Nam, đó là con người. Đất nước Myanmar với hơn 60 triệu dân là nguồn nhân công giá rẻ dồi dào. Hiện tại, hầu hết các công xưởng lớn của thế giới đều đặt ở Trung Quốc. Nhưng với những bước tiến về kinh tế của Trung Quốc những năm qua, giá nhân công ở đây đang ngày một tăng cao, buộc các nhà đầu tư hướng đến những thị trường khác giá rẻ hơn mà Việt Nam, Myanmar là một trong những thị trường như vậy.

Hiện tại, với mức sống thấp hơn Việt Nam, giá nhân công của Myanmar hứa hẹn cũng sẽ cạnh tranh hơn. Thêm vào đó, việc Myanmar từng là thuộc địa của Anh trong thời gian dài cũng khiến rào cản ngôn ngữ dễ dàng xóa bỏ hơn chúng ta.

Tất nhiên, cơ hội bao giờ cũng đi kèm với thách thức. Việc Myanmar mở cửa cũng sẽ tạo cơ hội cho đất nước có những bước nhảy vọt, nhưng để làm được điều đó đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Hiện tại, vẫn còn quá sớm để nói gì về tương lai của quốc gia này. Nền chính trị của Myanmar vẫn chưa ổn định và những chính sách khuyến khích đầu tư cũng còn chưa rõ ràng, nhưng quốc gia này cũng đang thể hiện rõ tham vọng đổi mới của mình, và với những thay đổi tích cực trong thời gian qua, Myanmar đang từng bước thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư Quốc tế.

"Nếu chúng ta đi đúng hướng, đất nước sẽ có nhiều cơ hội. Chúng tôi khao khát nắm lấy các cơ hội ấy", nhà lãnh đạo phong trào dân chủ - bà Aung San Suu Ky phát biểu trước quần chúng ở Dawei.

Còn Việt Nam thì sao? Liệu chúng ta sẽ có những thay đổi gì để chuẩn bị cho một đối thủ mới trong tương lai không xa?


Theo VEF

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn