Trọng tâm của đề án là các giải pháp tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, trên cơ sở phân nhóm đã và đang được Ngân hàng Nhà nước thực hiện.
Trước hết, điều đầu tiên mà Chính phủ định hướng là bảo đảm khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng yếu kém qua việc tập trung hỗ trợ thanh khoản; trong đó Ngân hàng Nhà nước sẽ tái cấp vốn trên cơ sở các hồ sơ tín dụng có chất lượng tốt với mức tối đa tương đương mức vốn điều lệ của tổ chức đó.
Các tổ chức tín dụng yếu kém sẽ phải chịu sự giám sát đặc biệt một cách chặt chẽ, toàn diện của Ngân hàng Nhà nước về quản trị, điều hành, tài chính và hoạt động. Ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần lành mạnh sẽ mua lại các tài sản và khoản nợ có chất lượng tốt của tổ chức tín dụng thiếu thanh khoản để thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn.
Dự kiến đến năm 2013 nguy cơ đổ vỡ hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ được loại bỏ. Ảnh minh họa.
Với những trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ đặt vào diện kiểm soát đặc biệt. Đáng chú ý là việc chia cổ tức, lợi nhuận của tổ chức đó cũng sẽ bị hạn chế, kể cả việc chuyển nhượng cổ phần, vốn góp và tài sản. Cùng với đó là giảm dư nợ tín dụng và hạn chế mở rộng quy mô hoạt động; đình chỉ, tạm đình chỉ, miễn nhiệm chức vụ người quản lý, người điều hành…
Sau khi áp dụng các biện pháp đảm bảo khả năng chi trả, tổ chức tín dụng yếu kém được sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên cơ sở tự nguyện. Nếu không thực hiện một cách tự nguyện, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên cơ sở bắt buộc.
Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu các tổ chức tín dụng yếu kém phải chuyển nhượng vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần; cổ đông lớn, cổ đông nắm quyền kiểm soát, chi phối của tổ chức tín dụng yếu kém phải chuyển nhượng cổ phần.
Ngân hàng Nhà nước sẽ trực tiếp mua lại vốn điều lệ hoặc cổ phần của tổ chức tín dụng yếu kém để chấn chỉnh, củng cố, lành mạnh hóa một bước, sau đó sáp nhập, hợp nhất với tổ chức tín dụng khác hoặc bán lại cho các nhà đầu tư có điều kiện. Chính phủ cũng yêu cầu xây dựng văn bản pháp lý quy định cụ thể việc Ngân hàng Nhà nước tham gia mua lại cổ phần, vốn góp phục vụ cho hướng xử lý này.
Đáng chú ý là đề án trên mở ra một cơ chế đặc biệt là: “Xem xét, cho phép tổ chức tín dụng nước ngoài mua lại, sáp nhập tổ chức tín dụng yếu kém của Việt Nam và tăng giới hạn sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng nước ngoài tại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém được cơ cấu lại" (hiện giới hạn tối đa là 30%).
Sắp tới, các TCTD nước ngoài có thể tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần ở các NHTM
của Việt Nam. Hiện tại tối đa là 30%.
Cùng với những nội dung trên, đề án cũng đưa ra những quan điểm về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra thời gian qua, như: thực hiện liên tục và mang tính quá trình; xây dựng các ngân hàng mạnh làm trụ cột đồng thời có những ngân hàng vừa và nhỏ; khuyến khích sáp nhập, hợp nhất, mua bán lại tự nguyện; cơ cấu lại toàn diện về quản trị, tài chính, hoạt động của các tổ chức tín dụng; không để xẩy ra đổ vỡ và mất an toàn hệ thống ngoài tầm kiểm soát.
Định hướng của quá trình cơ cấu lại là nâng cao vai trò của các ngân hàng thương mại nhà nước; tăng nhanh quy mô, năng lực tài chính và nâng cao chất lượng tài sản, xử lý tốt nợ xấu cũng như nâng cao năng lực quản trị, hiện đại hóa… nhóm ngân hàng này để làm nòng cốt cho hệ thống.
Với các tổ chức tín dụng thiếu hụt thanh khoản tạm thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện tái cấp vốn để đảm bảo khả năng chi trả, đi cùng với sự giám sát chặt chẽ…
Về lộ trình, ngay trong năm 2012, kết quả dự kiến của đề án là khả năng chỉ trả của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng về cơ bản được đảm bảo, đồng thời xác định, kiểm soát được tình hình của các tổ chức tín dụng yếu kém để làm cơ sở cho việc áp dụng các biện pháp cơ cấu lại ở giai đoạn sau.
Đến năm 2013, một kế hoạch được đưa ra là hoàn thành sửa đổi, bổ sung các quy định an toàn hoạt động ngân hàng. Đây cũng là năm dự kiến sẽ hoàn thành căn bản cơ cấu lại sở hữu, pháp nhân của các ngân hàng yếu kém. Kết quả dự kiến đến năm 2013 là nguy cơ đổ vỡ hệ thống các tổ chức tín dụng được loại bỏ; các tổ chức tín dụng yếu kém được xử lý cơ bản; kỷ cương, kỷ luật trong lĩnh vực ngân hàng được lập lại và củng cố.
Đến năm 2014, hoàn thành căn bản việc cơ cấu lại tài chính của các tổ chức tín dụng; tiếp tục sáp nhập, hợp nhất, mua lại theo nguyên tắc tự nguyện.
Và đến năm 2015 sẽ hoàn thành cơ cấu lại hoạt động và quản trị. Kết quả dự kiện vào cuối lộ trình này là tài chính và hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng được củng cố, chấn chỉnh và lành mạnh hóa; hệ thống quản trị được cải thiện một bước quan trọng; các tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về vốn và tiêu chuẩn an toàn hoạt động ngân hàng.
“Quá trình củng cố, chấn chỉnh, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng được tiến hành với chi phí thấp nhất, loại trừ nguy cơ đổ vỡ ngân hàng ngoài tầm kiểm soát, bảo đảm giữ vững sự an toàn, ổn định của hệ thống, đồng thời không gây tác động tiêu cực đến sự ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh chính trị và trật tự xã hội”, đề án nêu định hướng.
Theo VnEconomy