Việt Nam: Trung tâm công nghiệp xe máy châu Á?

Chủ nhật, 04/03/2012, 10:06
Việt Nam là nước sử dụng xe máy nhiều hàng đầu thế giới. Điều đó không phải bàn cãi. Tuy nhiên, để trở thành một trung tâm công nghiệp xe máy của châu Á thì liệu có phải là hoang tưởng?


Các chuyên gia Nhật Bản thuộc JICA (Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản ) cho rằng, với tỷ lệ nội địa hoá trên 90% và quy mô về thị trường lớn thứ 5 thế giới, ngành công nghiệp xe máy Việt Nam có thể tận dụng lợi thế này để trở thành trung tâm công nghiệp xe máy hàng đầu châu Á, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà xuất khẩu với sản lượng lớn.

Tập đoàn Piaggio ( Italia) ngày 1/3/2012 đã khánh thành nhà máy chế tạo động cơ nhằm phục vụ cho sản xuất xe  máy Piaggio tại Việt Nam với công suất 300.000 xe/năm. Nhà máy động cơ mới bao gồm dây chuyền lắp ráp động cơ xe máy tay ga, máy gia công chi tiết nhôm và băng chuyền kiểm định sẽ chính thức đi hoạt động từ tháng 4/2012.

Cũng tại buổi lễ, ông Roberto Colaninno, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn đã chính thức công bố chương trình hoạt động kinh doanh của Piaggio tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong những năm tới.

Theo đó, Piaggio sẽ biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất xe máy (của Piaggio) tại châu Á với việc tiếp tục đầu tư hàng chục triệu USD cho khu vực sản xuất, đồng thời thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển để thiết kế sản phẩm mới.
 

Dây chuyền mới của nhà máy Piagio ở Việt Nam. (Ảnh Trần Thủy)


Khi dây chuyền động cơ đi vào hoạt động và các đầu tư mới hoàn tất; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hình thành, công suất  sản xuất xe máy của Piaggio Việt Nam sẽ được nâng lên 300.000 xe/ năm và tỷ lệ nội địa hoá đạt trên 90%.

Lúc đó, Việt Nam vừa là trung tâm nghiên cứu phát triển các dòng xe, vừa là nơi sản xuất, xuất khẩu xe máy lớn của Piaggio tại châu Á, ông Roberto Colaninno nói.

Đầu tư vào Việt Nam từ năm 2009, đến nay sản lượng xe máy của Piaggio đạt 100.000 xe/năm với tỷ lệ nội đạt 70%. Mặc dù thị trường xe máy tại Việt Nam đang trong tình trạng cung vượt xa cầu, nhưng ông Costantino Sambuy, Tổng giám đốc Piaggio Việt Nam vẫn lạc quan về tình hình kinh doanh tại đây. Thị trường xe máy Việt Nam chưa tới điểm bão hoà, đặc biệt là thị phần xe tay ga nhu cầu vẫn tăng cao, đang có sự dịch chuyển trong việc mua xe từ phía người tiêu dùng khi nâng cấp lên những dòng xe tay ga, đắt tiền. Bên cạnh đó Piaggio không chỉ tiêu thụ tại Việt Nam, mà còn xuất khẩu ra các nước châu Á.

Hiện nay trong số 100.000 xe sản xuất mỗi năm, có 30% xe đã được Piaggio Việt Nam xuất khẩu sang các nước trong khu vực Asean. Thời gian tới, Piaggio Việt Nam sẽ còn mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước khác như Ấn Độ, Đài Loan... để tăng kim ngạch, ông Costantino Sambuy cho biết.

Theo nhận định của các chuyên gia Nhật Bản thuộc Jica, với tỷ lệ nội địa hoá trên 90% và quy mô về thị trường lớn thứ 5 thế giới, ngành công nghiệp xe máy Việt Nam có thể tận dụng lợi thế này để trở thành trung tâm công nghiệp xe máy hàng đầu châu Á, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà xuất khẩu với sản lượng lớn.

Thực tế, sau một thời gian đầu tư khai thác thị trường trong nước, công suất đã dư thừa, các DN xe máy Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu xe máy ra thị trường châu Á.

Dẫn đầu về xuất khẩu xe máy hiện nay là Honda Việt Nam. Năm 2011 nhà sản xuất này tiêu thụ 2,1 triệu xe máy các loại, trong đó số xe xuất khẩu khoảng 300.000 chiếc, sang các nước  như Philippine, Lào, Campuchia, Apganitstan...

Năm 2012 Honda Việt Nam cũng dự kiến sẽ xuất khẩu trên 300.000 xe máy ra thị trường này. Tới cuối năm 2012, Honda Việt Nam sẽ đưa thêm nhà máy đặt tại tỉnh Hà Nam vào hoạt động, nâng năng lực sản xuất lên 2,5 triệu xe/năm và có thể mở rộng lên 3 triệu xe/năm. Khi  công suất nâng lên thì ngoài việc đáp ứng nhu cầu trong nước, kế hoạch xuất khẩu xe cũng sẽ được đẩy mạnh.

Không chỉ Honda Việt Nam, mà Yamaha Việt Nam cũng đang hướng đến việc xuất khẩu xe máy khi quá trình đầu tư nâng công suất lên 1,5 triệu xe/ năm hoàn tất.

Theo các chuyên gia, nếu tính tổng công suất sản xuất xe máy của Việt Nam thì đến 2013 sẽ đạt cỡ 5 triệu xe/ năm, trong khi thị trường trong nước chỉ tiêu thụ khoảng 3 triệu xe/ năm.

Nếu chỉ nhìn vào thị trường trong nước, chắc chắn các DN FDI xe máy như Honda, Yamaha, Piaggio Việt Nam sẽ không đầu tư mạnh bạo đến thế, mà đó còn có cả kế hoạch lâu dài hướng tới xuất khẩu.

Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng, công nghiệp xe máy Việt Nam đã phát triển rất mạnh trong thời gian qua với tỷ lệ nội địa hoá cao, chất lượng tốt, bên cạnh đó chi phí sản xuất tại Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực vì vậy sẽ có lợi thế lớn trong xuất khẩu xe máy.

Với lợi thế này thời gian tới năng lực xuất khẩu xe máy của Việt Nam có thể đạt mức 500.000 xe/ năm, nếu mở rộng thị trường sang khu vực Mỹ la tinh và châu Phi là nơi có nhu cầu về xe máy cao thì con số xuất khẩu sẽ còn lớn hơn nữa.

Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Công nghiệp ( Bộ Công thương), sản lượng xe máy thế giới đạt 43 triệu xe/năm, trong đó Trung Quốc chiếm 42%, Ấn Độ 15%, khu vực Đông Nam Á 22%.

Châu Á là thị trường tiêu thụ xe máy lớn nhất chiếm hơn 80% toàn thế giới, trong đó Trung Quốc khoảng 10 triệu xe/năm, Ấn Độ 5 triệu xe/năm, Indonexia 5 triệu xe/năm, Thái Lan 2 triệu xe/năm, Việt Nam 3 triệu xe/năm, Nhật Bản và Đài Loan khoảng 10 triệu xe/năm.

Hơn thế nữa, thị trường xe máy thế giới vẫn đang tăng trưởng với mức từ 5-6%/năm, các nước đang phát triển là khu vực sản xuất và tiêu thụ xe máy lớn nhất. Nếu tận dụng được cơ hội này, Việt Nam có thể trở thành trung tâm công nghiệp xe máy hàng đầu châu Á.
 

Theo VEF

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn