Ông đánh giá như thế nào về tình hình sức khỏe của các DN thời gian qua?
Thực ra, những số liệu công bố đã thấy rõ khó khăn của DN kể từ năm 2011 đến nay. Và hiện tại, số DN phá sản, đóng cửa đã và đang bắt đầu gia tăng. Dấu hiệu nhìn thấy đầu tiên là các DN nằm trong lĩnh vực xây dựng, khi hàng loạt dự án bị đắp chiếu, cắt giảm. Nó kéo theo các DN sản xuất vật liệu xây dựng (sắt, thép, xi măng...) cũng bị đình trệ, rồi lan tỏa sang các lĩnh vực và mặt hàng khác. Tổng cung của nền kinh tế có dấu hiệu ngưng đọng, giảm sút, cùng với tổng cầu tiêu dùng cũng giảm thì làm sao DN phát triển được.
|
Vấn đề này đã được nhìn thấy và dự báo từ trước, nhưng vì sao số DN rơi vào vòng xoáy của đình đốn, khó khăn và phá sản, giải thể hàng loạt cứ tăng lên?
Ngay từ đầu tháng 10.2011, chúng tôi đã nhìn thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của DN khó khăn. Cụ thể, tháng 11 và 12.2011, tín dụng không tăng được là bao. Năm nay cũng vẫn trên xu hướng này, hiện sau 2 tháng cũng chỉ tăng được khoảng 2%, trong khi đó chỉ tiêu cả năm từ 15 - 17%, điều đó chứng tỏ sức khỏe của DN vô cùng yếu, không hấp thụ nổi vốn. Vì vậy, một điều cũng đáng phải lưu tâm, tăng trưởng tín dụng 15 - 17% trong năm nay không phải dễ khi xuất khẩu bắt đầu có dấu hiệu chững lại, DN không dám mở rộng sản xuất vì lãi cao, còn NH sợ cho vay vì lo ngại rủi ro.
Thực tế, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo NH Nhà nước phải nhanh chóng giảm lãi suất cho vay, khi lạm phát liên tiếp đi xuống. Vì sao, tới giờ lãi vay vẫn không thể hạ?
Đúng là lạm phát thời gian qua đã giảm mạnh, kể từ tháng 7.2011, và là điều kiện rất tốt để giảm lãi suất. Tuy nhiên, vấn đề căng thẳng và rất đáng quan tâm hiện nay lại nằm ở thanh khoản của các NH. Nhìn vào toàn hệ thống, hiện thanh khoản chưa ổn định, và còn khó khăn ở một số nơi, và vẫn gây áp lực chung cho cả hệ thống.
Nhiều DN không đáng phải bị khai tử
Thưa ông, có ý kiến cho rằng trong điều kiện hiện nay nên khai tử những DN quá yếu kém, để sản sinh ra cá thể mới khỏe mạnh hơn?
Quan điểm này là hoàn toàn phi kinh tế, bởi nếu ở trong một môi trường kinh tế ổn định, DN nào yếu kém phải tự bị đào thải, còn DN tốt sẽ phát triển - điều đó phù hợp với quy luật tự nhiên. Hiện tại, rõ ràng kinh tế vĩ mô của chúng ta đã được kiểm soát, nhưng chưa thực sự ổn định, lãi suất còn cao thì làm sao để DN rơi rụng hàng loạt được, điều đó chưa thực sự công bằng. Giả định, có khoảng 2 - 3% bị phá sản trong một môi trường tốt thì đó là bình thường, nhưng trong một môi trường còn khó khăn, bất ổn, số DN phá sản có thể lên tới 30% - 40% thì không thể nói để DN rơi rụng được.
Nhưng, nếu cứ bơm tiền và hỗ trợ các cá thể ốm yếu cũng chỉ kéo dài cuộc sống lay lắt, sẽ không có lợi cho quá trình phát triển, tái cơ cấu nền kinh tế?
Tôi vẫn giữ quan điểm rằng, trước hết nhà nước phải tạo một môi trường chính sách ổn định, chứ chưa nói tốt hay xấu, phải ổn định vĩ mô để các DN cạnh tranh bình thường, kể cả trong nước và với nước ngoài. Hiện tại, DN yếu kém bị phá sản là đương nhiên, nhưng có thể rất nhiều DN tốt gặp khó khăn nhất thời, họ không đáng phải rơi rụng. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, chúng ta cũng phải nên có một sự linh hoạt nhất định trong điều hành vĩ mô.
Ý ông là, chúng ta vẫn phải kiểm soát chặt chẽ chính sách tiền tệ, nhưng cần có sự linh hoạt để hỗ trợ DN?
Năm nay, lạm phát nhiều khả năng giữ được dưới 1 con số, tất nhiên còn nhiều yếu tố khó lường và chúng ta không được chủ quan. Tuy nhiên, phải xác định được tinh thần trước rằng, chính sách cần được linh hoạt hơn để hỗ trợ cho tăng trưởng và DN. Điều đó không đồng nghĩa với việc nới lỏng quá tay, mà cần phải mở rộng hơn từng lĩnh vực có trọng tâm, trọng điểm. Mấu chốt trong đó là hỗ trợ cho DN bằng việc giảm lãi vay, hỗ trợ thuế... Cần khai thông thị trường liên NH để dòng tiền lưu thông tốt hơn, tránh tình trạng chỗ thừa, chỗ thiếu. Dòng tiền trong nền kinh tế phải được đưa vào lưu thông, vào sản xuất kinh doanh, nếu không DN khó có thể trụ được.
Theo Thanhnien