Sau 2 năm đầu tư, chuỗi thuốc của Thế Giới Di Động và FPT Retail kinh doanh ra sao?

Thứ sáu, 29/11/2019, 11:25
Sau 2 năm kinh doanh, cả Thế Giới Di Động và FPT Retail đều đạt được những kết quả bước đầu song chưa thực sự được như kỳ vọng.

Chuỗi thuốc An Khang do TGDĐ nắm 49% cổ phần và chuỗi thuốc Long Châu của FPT Retail

Cùng kinh doanh bán lẻ thiết bị di động và mở rộng sang chuỗi thuốc vào năm 2017 khi Thế Giới Di Động (mã MWG) mua lại 49% cổ phần của Phúc An Khang và đổi tên thành An Khang còn FPT Retail (công ty sở hữu thương hiệu FPT Shop, mã FRT) đầu tư vào chuỗi nhà thuốc Long Châu.

Đến nay, sau 2 năm kinh doanh, cả Thế Giới Di Động và FPT Retail đều đạt được những kết quả bước đầu song chưa thực sự được như kỳ vọng.

Ghi nhận tại thời điểm kết thúc quý III/2019, doanh thu của chuỗi nhà thuốc Long Châu trong 9 tháng đầu năm 2019 đạt 496 tỷ đồng, tăng trưởng 90,4% so với cùng kỳ năm 2018. Kết thúc quý III, công ty cũng đã mở được 50 nhà thuốc Long Châu. Cho đến nay, nhà thuốc Long Châu đã có mặt tại 10 tỉnh, thành phía Nam và phục vụ khoảng 25.000 lượt khách mỗi ngày.

Cũng theo thông tin từ FPT Retail, Long Châu hiện đang có lượng thuốc kê toa của nhà thuốc này cao hơn gấp 6 - 7 lần các nhà thuốc bình thường và giá của Long Châu rẻ hơn thị trường khoảng 20%. Trong đó, 60% doanh thu của Long Châu đến từ tân dược, còn lại từ mỹ phẩm, trang thiết bị y tế hoặc đến từ thực phẩm chức năng. Các nhóm hàng này mang lại lợi nhuận cao hơn thuốc.

So với mức doanh thu 12.427 tỷ đồng đạt được từ đầu năm đến hết tháng 9, doanh thu của chuỗi thuốc Long Châu hiện mới chiếm 3,9% tổng doanh thu của FPT Retail. Trong khi, mục tiêu của công ty này là đến năm 2022, chuỗi thuốc Long Châu sẽ chiếm 30-40% doanh thu của FPT Retail và ở mức ước đạt 6.000 tỷ cùng kỳ vọng sẽ kiểm soát được 30% thị phần thị trường dược phẩm tại Việt Nam.

Báo cáo tài chính quý III/2019 của FPT Retail

Trong báo cáo tài chính quý III/2019 của FPT Retail có khoản cho vay 80 tỷ dành cho chuỗi thuốc Long Châu nhưng chưa công bố lợi nhuận từ chuỗi kinh doanh mới này.

Dù vậy, có vẻ như FPT Retail vẫn đang đi đúng lộ trình khi vừa hoàn tất việc ký thêm hợp đồng nhà với 20 địa điểm để mở nhà thuốc Long Châu đảm bảo mục tiêu mở 70 nhà thuốc Long Châu trong năm 2019. Sang năm 2020, FPT Retail dự định sẽ mở thêm 200 nhà thuốc Long Châu và đạt doanh thu khoảng 1.900 tỷ đồng.

Một hệ thống bán lẻ thiết bị điện tử khác cũng lấn sân sang mảng kinh doanh bán thuốc là Thế Giới Di Động với việc hoàn tất thương vụ mua 49% cổ phần của chuỗi thuốc Phúc An Khang và đổi tên thành An Khang.

Tuy nhiên, sau 2 năm đầu tư từ khoản vốn ban đầu là 62 tỷ đồng, đến ngày 31/12/2018, Thế Giới Di Động đã lỗ 2,1 tỷ đồng và tiếp tục ghi nhận khoản lỗ 1,56 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay.

Hiện tại, tổng số vốn còn lại của Thế Giới Di Động tại chuỗi thuốc An Khang là 58,3 tỷ đồng, hụt 3,6 tỷ đồng so với phần vốn ban đầu. Điều này cho thấy, tình hình kinh doanh của chuỗi thuốc An Khang cũng không quá lạc quan khi đã lỗ 7,24 tỷ đồng từ sau thương vụ bán cổ phần cho Thế Giới Di Động.

Có thể thấy, khoản đầu tư của Thế Giới Di Động vào chuỗi thuốc chỉ mang tính thăm dò chứ chưa thực sự mở rộng. Bởi cuối năm 2017, Thế Giới Di Động từng chia sẻ sẽ dành khoảng 500 tỷ đồng để mua 20-40% cổ phần của các chuỗi bán lẻ dược phẩm sẵn có, sau đó sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 60%. Đến thời điểm chín muồi sẽ biến chuỗi 10-15 cửa hàng lên 500 cửa hàng.
Song đến nay, ngoài việc tập trung vào các mảng kinh doanh cốt lõi như thiết bị di động hay laptop, Thế Giới Di Động đang đầu tư rất mạnh vào Bách Hoá Xanh, BigPhone và cả mảng kinh doanh đồng hồ, trong khi không có thông tin về việc sẽ đẩy mạnh mảng kinh doanh thuốc mà chỉ góp vốn với tư cách là cổ đông.
Có thể thấy, cả hai khoản đầu tư của các "ông lớn" bán lẻ thiết bị di động và ngành phân phối thuốc đều chưa mang lại kết quả đáng mong đợi.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Business Monitor International, thị trường dược phẩm Việt Nam năm 2019 ước đạt quy mô 6,5 tỷUSD. Trong đó, thị trường thuốc không kê toa (OTC) ước 1,6 tỷ USD, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2022 là 9,5%/năm.
Dù vậy, thị trường dược phẩm vẫn còn rất phân mảnh, trong đó nổi lên là một số chuỗi nhà thuốc như Long Châu của FPT Retail, An Khang của Thế Giới Di Động, VinFa của VinGroup hay Phano Pharmacy, Mỹ Châu Pharmacy,... đều chưa thực sự đạt được kết quả như kỳ vọng.
Theo BizLive

Các tin cũ hơn