|
Ông Hồ Quang Cua rất tự hào về gạo ST25. |
“Điều gì thôi thúc ông tạo ra giống ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới?
Xin lỗi, nếu tôi hỏi chuyện khởi nghiệp mà qua 1/4 thế kỷ mới có kết quả, các bạn có ai dám theo đuổi cuộc hành trình này không”.
Đây là câu trả lời của ông Hồ Quang Cua, cha đẻ giống gạo ST25, vừa được vinh danh "gạo ngon nhất thế giới” tại hội thảo Khởi nghiệp “Đổi mới sáng tạo phát triển tài nguyên bản địa”, do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp vừa tổ chức.
Lần thứ ba mới vượt qua sự thống trị gạo của Thái Lan
Ông Cua kể, để có gạo ngon nhất thế giới ST25 là hành trình dài. Nếu lấy cái mốc ngày lai tạo để chọn ra ST24, ST25 thì cũng gần 12 năm mới có kết quả như ngày hôm nay.
“Nói chung từ ý tưởng đến những hoạt động chuẩn bị, tới khi tiến hành con đường phát triển gạo thơm, chắc cũng khoảng 30 năm. Tuy nhiên, vấn đề lớn tôi cùng các anh em khi khởi nghiệp đặt chỉ tiêu khá cao là gạo ngon phải ngon cho tới, thơm phải thơm cho tới và lấy gạo thơm của Thái Lan làm tiêu chuẩn phấn đấu” - ông Cua chia sẻ.
Vậy gạo ST25 có gì nổi trội? Ông Cua cho hay: Từ năm 1959 gạo Khaodakmali trở thành quốc sách của Thái Lan. Ngành gạo của Thái Lan là nơi cung cấp gạo thơm mùi dứa số một thế giới nên để so kè với gạo Thái Lan, chúng tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Nếu chỉ lai dòng những giống lúa mùi thơm dứa thì đa phần không thể vượt qua đặc tính của Khaodakmali.
May mắn, thay vì lai giữa những giống lúa thơm đơn giản trong nước (mà tất cả từ đó đến giờ phẩm cấp đều thấp hơn gạo Thái Lan), chúng tôi lai với gạo 8 của miền Bắc, tức là lai xa và lai rất nhiều lần để có sản phẩm ngon; có sự khác biệt với Khaodakmali của Thái Lan.
“Nếu không thì những đầu bếp thế giới, Ban giám khảo từ trước đến giờ quen chấm gạo Khaodakmali Thái Lan đạt giải, ST25 không vượt qua gạo Khaodakmali Thái Lan thống trị thế giới 60 năm qua” - tác giả của gạo ngon nhất thế giới chia sẻ.
|
Nổi tiếng xuất khẩu gạo thơm… giá rẻ
Hiện nay ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới, vậy người tiêu dùng muốn mua nhưng nghe nói đến gạo giả, thực hư ra sao?
Trả lời câu hỏi này, ông Cua cho hay: Ở Việt Nam vấn đề làm giấy khai sinh cho một giống lúa rất chặt chẽ, tức quy trình thủ tục rất lâu. Bên cạnh đó, muốn sản xuất giống cho bà con nông dân trồng chính thống phải làm một số thủ tục công bố hợp quy mới được sản xuất.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp muốn có gạo bán nhanh hoặc lời thật nhiều nên họ lấy lúa lương thực làm giống. Một là bán cho nông dân lấy tiền mặt, hai là đầu tư cho nông dân.
Điều này gây thiệt hại lớn, khiến Việt Nam nổi tiếng xuất khẩu gạo thơm giá rẻ. Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam trong chín tháng đầu năm giá bán bình quân 350 USD/tấn, gạo thơm gần 400 USD/tấn, đây là giá gạo thơm thấp cấp.
Trong khi giống ST25 mang đi thi nhưng trên phương diện sản xuất giống, chúng tôi đang lọc dòng kháng bệnh sản xuất thử. “Nói thật, chúng tôi đã thu hoạch chừng 100 tấn nhưng chưa từng bán một hột giống cho ai, chưa từng bán một ký gạo rời cho ai hết. Nhưng không hiểu lý do gì chưa đầy 10 ngày trở lại kể từ chiều 12/11 khi truyền thông loan tin ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới lập tức có hàng trăm nơi làm giả. Việc đầu tiên các doanh nghiệp có bán gạo thơm Sóc Trăng là dán số ST25 chồng lên ST24”, ông Cua nói.
Tuy nhiên, ông Cua cho rằng “đây cũng là lỗi của chúng tôi”. Cụ thể là vừa qua, chúng tôi thỉnh thoảng sản xuất thử ST25 để người tiêu dùng đánh giá và chứa trong bao bì của ST24, dùng số 25 dán chồng lên. Sau khi có thông tin ST25 đạt giải, một số người bán bắt chước dán chồng ST25 lên gạo ST24, gây rối loạn thị trường.
Và một trường hợp hết sức hy hữu là một doanh nghiệp lấy hình ảnh của đoàn đạt giải ở Manila (Philippines), lấy logo thậm chí có hình ảnh của tôi nữa, in luôn bao bì và bán gạo ST25 rất chạy. Chúng tôi thấy rất đau lòng. Tình trạng giống lúa giả, giống lúa bị nhái, vi phạm nhãn hiệu bảo hộ tràn lan đã dìm giá cả và giá trị hạt gạo Việt Nam xuống tầm thấp của thế giới. Việt Nam chỉ có thể xây dựng thương hiệu gạo khi nào kiểm soát được chất lượng hạt giống.
“Do đó năm ngày nay, chúng tôi không xuất hàng nữa. Làm lại bao bì mới theo tiêu chuẩn, chúng tôi lấy logo đạt giải in lên bao bì. Đồng thời thay đổi một số thông tin về việc đạt giải quốc tế, hy vọng giảm tình trạng làm giả” - ông Cua cho hay.
Khi Việt Nam ta vừa mới bước chân vô ngưỡng cửa gạo ngon thế giới đã bị hàng giả thì ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu chung gạo Việt Nam. Đáng lo là hàng giả đã kéo giá cả hạt gạo Việt Nam xuống thấp làm Việt Nam không thể xây dựng thương hiệu gạo được.
Bên cạnh đó, xử lý việc giả giống cũng cực kỳ gian nan. Nói thật là tôi kiệt sức. Cách đây 19 ngày tôi chỉ quản lý thị trường bắt hàng giả, đến ngày thứ 19 do chưa có án lệ nên quản lý thị trường không dám xử, mới xin ý kiến của Cục Trồng trọt trong thời gian này tạm thời trả giống về.
“Sau đó, người bán hàng gửi tin nhắn như sau “19 ngày qua bị cua kẹp quá đau hôm nay bẻ gãy càng cua luôn”. Qua đó, cho thấy đây là hệ quả của việc cơ quan nhà nước xử lý chưa tới nơi tới chốn” - ông Cua bức xúc.
|
Nếu lấy cái mốc ngày lai tạo để chọn ra ST24, ST25 thì cũng gần 12 năm mới có kết quả như ngày hôm nay. |
Đang quá tải đơn hàng Dù tạo ra được giống thương hiệu quốc gia mệt nhưng mà vui. Chúng tôi tự thân vận động bằng cách sản xuất ra sản phẩm bảo đảm chất lượng uy tín, giá cả phù hợp. Theo đó, sử dụng giống đạt chuẩn; chọn vùng đất phù hợp để đầu tư, không tổ chức gieo trồng ở vùng đất phù sa nhiều dọc sông Tiền, sông Hậu; không mua hàng trôi nổi; hướng dẫn người nông dân sản xuất theo hướng an toàn, không để tồn dư hóa chất và những chất cấm khác. Đó là cách xây dựng thương hiệu nội tại của doanh nghiệp. Ở TP.HCM có trên 20 điểm bán, những người thích mua hàng ship tận nhà, mua qua bưu điện gia đình cũng đang bán. Giá bán lẻ ST25 là 27.000 đồng/kg, ST24 là 26.000 đồng/kg. Hiện nay chúng tôi đang quá tải đơn hàng. Việc tăng đột biến sản lượng gạo ST25 do người tiêu dùng tò mò. Nói thật nếu không đạt giải ST25 nó cũng “núp lùm” đó thôi, nay đạt giải tự nhiên bà con ăn thấy ngon. ST25 tốt cho người thích gạo thơm mềm. Tiêu chí ST25 đạt giải nói chung là hạt gạo trắng, trong, dài, thơm, mềm, dẻo, ngon, ngọt. Trong cuộc thi thì phẩm chất này không chênh lệch nhiều lắm… “Khi gạo Việt Nam được vinh danh chúng tôi rất vui mừng vì hai mươi mấy năm rồi mới đạt thành tựu nhưng không nhảy cẩng lên sung sướng” - ông Cua bộc bạch. |
Theo PLO