KFC hiện diện ở Trung Quốc từ năm 1987 và đến nay, chuỗi đồ ăn nhanh này vẫn chưa cho thấy dấu hiệu giảm tốc. Năm 2017, thị trường Trung Quốc mang về 5 tỷ USD cho KFC. Năm 2018, thị trường này tăng trưởng 13% và đóng góp 27% doanh số toàn cầu cho thương hiệu đồ ăn nhanh này. Không còn nghi ngờ gì nữa, KFC là thương hiệu đồ ăn nhanh phổ biến nhất ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, Popeyes cho rằng điều này sẽ thay đổi. Jose Cil, Giám đốc điều hành của Công ty mẹ Restaurant Brand International, nói rằng Popeyes có thể là thương hiệu gà hàng đầu ở Trung Quốc và xa hơn nữa là cả châu Á. Công ty này vừa ký hợp đồng với TFI Tab Food Investments để phát triển và mở hơn 1.500 nhà hàng Popeyes tại Trung Quốc trong mười năm tới.
Bên ngoài một cửa hàng Popeyes tại Washington. (Ảnh: AFP) |
Một yếu tố quyết định sự thành công của các thương hiệu còn là sự linh hoạt trong việc thay đổi thực đơn theo nhu cầu của người Trung Quốc. Một lý do để KFC có được một lượng lớn người hâm mộ ở quốc gia tỷ dân là khả năng thay đổi thực đơn theo nhu cầu thị trường. Thương hiệu này cung cấp các món ăn như sườn lợn, bánh trứng và cháo - những món ăn kiểu Á Đông và không xuất hiện trong thực đơn phương Tây.
Ngoài ra, ở Trung Quốc, công nghệ cũng là một yếu tố quyết định sự thành công. Người tiêu dùng Trung Quốc là một trong những người am hiểu công nghệ nhất trên thế giới và họ có xu hướng thích sử dụng những dịch vụ mang tính công nghệ. Ví dụ KFC đã áp dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt tại các cửa hàng, vừa đẩy nhanh tốc độ xử lý, vừa thúc đẩy tính tò mò của khách hàng.
Muốn đánh bại KFC, Popeyes cần phải tìm ra sự sáng tạo về thực đơn và sức mạnh tổng hợp của công nghệ. Tuy nhiên đây không phải điều dễ dàng. Bánh sandwich gà rán đã mang về thành công vang dội cho Popeyes ở các thị trường khác có thể thành công ở Trung Quốc hay không là vấn đề cần kiểm chứng. Chưa kể, thương hiệu này liệu có quyết định bán bánh sandwich hay sẽ phải đổi sang một thực đơn mang tính địa phương.
Dù vậy, Popeyes cũng có những lợi thế riêng. Thỏa thuận hợp tác với TFI sẽ là điểm tựa ban đầu giải quyết bài toán về quy mô. Công ty này đã vận hành chuỗi Burger King tại Trung Quốc kể từ năm 2012 và đến nay đã có hơn 1.000 cửa hàng. Ngoài ra, ban lãnh đạo Popeyes cũng tin tưởng rằng họ sẽ mang đến một thực đơn, vừa giữ được "chất riêng" vừa phù hợp với người Trung Quốc.
Tham vọng của Popeyes, một lần nữa, đã chứng minh sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc, cũng là niềm mơ ước của các thương hiệu Mỹ trong hơn 30 năm qua.
Chỉ riêng trong năm 2018, Starbucks công bố kế hoạch mở mỗi cửa hàng mới sau 15 giờ, trong khi McDonald cho biết ý định tăng thêm 2.000 cửa hàng. Ngay cả các thương hiệu nhỏ hơn, như Shake Shack, cũng rục rịch tấn công thị trường tỷ dân. Trước Popeyes, Burger King - một thường hiệu khác thuộc quản lý của Restaurant Brand International cũng ráo riết tìm cách mở rộng tại thị trường này.
Sức hấp dẫn của Trung Quốc đến từ quy mô hơn 1,4 tỷ dân, nhiều người trong số họ đã hướng về các thương hiệu đồ ăn nhanh vì công việc bận rộn hơn. Ngành công nghiệp này tại Trung Quốc đã tăng trưởng gần 9% mỗi năm kể từ năm 2014, so với khoảng 4% tại Mỹ. Tốc độ này được dự báo sẽ còn tăng cao hơn khi quá trình đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh.
Nói một cách đơn giản, Trung Quốc là miếng bánh hấp dẫn nhất hiện nay với các thương hiệu đồ ăn nhanh. Tuy nhiên, không dễ để dẫn dắt cuộc chơi tại quốc gia này, đặc biệt là với các thương hiệu nước ngoài.
Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 30 năm qua. Trong khi đó, cuộc chiến thuế quan kéo dài đang thúc đẩy xu hướng tẩy chay các công ty Mỹ, bao gồm cả những thương hiệu đồ ăn nhanh, như KFC và McDonald.
Theo VNE