Doanh nghiệp Mỹ sợ và ngại đầu tư khi căng thẳng thương mại leo thang

Thứ hai, 25/11/2019, 09:49
Một số công ty đã cảnh báo rằng tình trạng thu hẹp đầu tư này có thể kéo dài sang năm sau khi mà cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ cũng như bầu cử Tổng thống Mỹ tạo ra thêm nhiều bất ổn.

Nhiều công ty lớn nhất Mỹ đang giảm bớt đầu tư vào thiết bị và nhiều hoạt động đầu tư vốn khác, môi trường kinh doanh thiếu chắc chắn khiến cho nhiều doanh nghiệp phải trì hoãn hoạt động đầu tư hoặc bỏ đi một số dự án. Điều này tiềm ẩn khả năng kéo lùi tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Theo Wall Street Journal, hoạt động thu hẹp đầu tư này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại không ngừng leo thang từ tháng trước, điều đó không khỏi khiến cho nhiều công ty trở nên không chắc chắn về chuỗi cung ứng, cách tính giá cả và lợi nhuận.

Hoạt động thu hẹp đầu tư cũng xảy ra khi mà tăng trưởng toàn cầu chững lại và người tiêu dùng ngày một lo lắng về tương lai. Nhiều tên tuổi lớn như Harley Davidson và AT&T cũng như Target và nhiều doanh nghiệp nhỏ khác đang không ngừng giảm đầu tư.

Một số công ty đã cảnh báo rằng tình trạng thu hẹp đầu tư này có thể kéo dài sang năm sau khi mà cuộc bầu cử quốc hội Mỹ cũng như bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ khiến cho quyết định kinh doanh của doanh nghiệp tiềm ẩn thêm nhiều bất ổn.

Các công ty chậm đầu tư vì nhiều nguyên nhân, cho đến nay chủ yếu họ viện dẫn đến lý do nhu cầu chững lại và nhiều dự án bị trì hoãn. Tuy nhiên, giới chuyên gia chỉ ra nguyên nhân chuẩn xác hơn, xu thế đầu tư chững lại bắt đầu từ quý 3/2018 khi mà Mỹ và Trung Quốc bắt đầu đe dọa và sau đó áp các biện pháp thuế quan khắt khe lên hàng hóa của nhau.

Ngoài ra, kết quả các cuộc khảo sát tâm lý doanh nghiệp cho thấy rằng căng thẳng thương mại đã gây ra nhiều áp lực lên kế hoạch chi tiêu của doanh nghiệp. Kết quả khảo sát vào đầu tháng này bởi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại Atlanta cho thấy rằng 12% doanh nghiệp trả lời khảo sát cắt hoặc trì hoãn chi tiêu trong nửa đầu năm 2019 bởi căng thẳng thương mại và nhiều mối lo về thuế quan, tỷ lệ này cao gấp đôi so với nửa đầu năm 2018.

Ước tính, tổng số tiền đầu tư ước khoảng 40 tỷ USD đã hao hụt trong nửa đầu năm 2019 có nguyên nhân do các vấn đề thương mại. Tính tương đương, tổng đầu tư khoảng 1,4 nghìn tỷ USD sụt giảm khoảng 3%. Từ năm 2000, đầu tư kiểu này đã tăng trưởng khoảng 4%/năm.

Chuyên gia khẳng định rằng một số hoạt động đầu tư sẽ quay trở lại, với trường hợp dự án bị trì hoãn, tuy nhiên một phần trong số các đầu tư trên sẽ biến mất vĩnh viễn; nhiều nhà máy sẽ chẳng bao giờ được khai trương, tiền sẽ chẳng được chi tiêu vào thiết bị, tòa nhà hay các hạng mục tương đương nữa. Từ năm 2000, đầu tư kiểu này đã tăng trưởng đều đặn 4%/năm.
Theo BizLive

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích