|
Ảnh: Reuters |
Động thái áp thuế cao hơn với hàng hóa của một số nước đối tác thương mại mà Tổng thống Trump đưa ra trong ngày thứ Hai khiến nhiều nhà đầu tư nhớ ra rằng một thời hạn cực kỳ quan trọng đang đến gần với Trung Quốc.
Trong tháng trước, thị trường chứng khoán toàn cầu đã gần leo lên mức cao kỷ lục, một phần bởi những lạc quan xung quanh thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc. Cùng lúc đó, thời hạn chót 15/12/2019 mà Tổng thống Trump tuyên bố tăng thuế với Trung Quốc cũng gần đến.
Đến thời hạn này, nếu hai bên vẫn không thể có một thỏa thuận thương mại, Tổng thống Trump dọa sẽ áp thuế 15% với khoảng 160 tỷ USD hàng Trung Quốc.
Giám đốc điều hành bộ phận chính sách vĩ mô tại Manulife Investment Management, bà Sue Trinh, nhận xét: “Nếu các biện pháp thuế quan dự kiến được lên lịch vào ngày 15/12/2019 được áp dụng, chắc chắn người ta sẽ rất sốc. Nhà đầu tư chứng khoán sẽ không còn tâm trạng nào mà vui Giáng sinh”.
Khi mà chỉ còn 2 tuần nữa đến thời hạn tăng thuế với Trung Quốc, vào ngày thứ Hai, chính quyền Trump đã áp thuế cao hơn với thép nhập khẩu từ Argentina và áp thuế trừng phạt với Pháp, biện pháp thuế tác động đến nhiều công ty công nghệ Mỹ.
Khi người ta chợt nhớ lại rằng Tổng thống Trump có thể sớm áp các biện pháp thuế quan với hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc, nhà đầu tư chứng khoán Mỹ vào thứ Hai đã lập tức bán tháo cổ phiếu mạnh nhất trong 8 tuần.
Dưới đây là một số nhận định về các kịch bản xảy ra nếu các biện pháp thuế không được điều chỉnh tăng:
Trưởng bộ phận đầu tư toàn cầu tại Deepblue Global Investment, ông Tongli Han, nhận định chắc chắn tâm lý chuộng rủi ro sẽ giảm đi nhiều. Ông cho rằng những gì xảy ra gần đây thực sự khiến thỏa thuận thương mại trở thành thứ “đắt đỏ” với lãnh đạo Trung Quốc, chính vì vậy ông dự báo về tương lai bi quan trong khoảng thời gian ngắn hạn, từ 1 đến 2 tháng.
Khi mà những ngày cuối cùng của năm 2019 đang đến, triển vọng của thỏa thuận thương mại đang dần xa, đã đến lúc nhà đầu tư cần bớt quan tâm đến rủi ro, theo nhận định của ông Steve Brice – trưởng bộ phận đầu tư tại ngân hàng Standard Chartered.
Ông Brice nói: “Dường như mọi chuyện đang bị đẩy lùi lại sang đầu năm sau”. Nhà đầu tư có thể bán bớt cổ phiếu hoặc có thể sẽ không tiếp tục tham gia thị trường nữa. Trong khoảng thời gian vài tuần tới, chúng ta sẽ có thể thấy tỷ lệ tham gia giảm 5 đến 7%”.
Trong dài hạn, ông Brice vẫn tin rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ có thể có được thỏa thuận, điều đó sẽ giúp giảm bất ổn và giúp kinh tế toàn cầu tăng trưởng tốt.
Còn đối với trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại JPMorgan Asset Management, ông Kerry Craig, mối lo quan trọng nhất chính là việc thị trường đã tính đến triển vọng của một thỏa thuận thương mại thậm chí còn chưa được ký kết.
Ông Craig nói: “Hiện tại đang có quá nhiều sự lạc quan xung quanh một thỏa thuận thương mại và nó vẫn là yếu tố gây tác động đến tâm lý thị trường trong những tháng tới. Trong lúc này, chúng ta cần đón nhận thêm nhiều thông tin về triển vọng tích cực của kinh tế toàn cầu nhằm bù lại những bất ổn nói trên”.
Theo BizLive