Tham gia bán lẻ, Masan phải cạnh tranh với những ông lớn nào?

Thứ năm, 05/12/2019, 14:20
VinCommerce hiện chiếm thị phần cao nhất trên thị trường bán lẻ Việt Nam. Khi về tay Masan, đây sẽ là "đế chế" mới trong cuộc cạnh tranh với Co.opmart, BigC và Lotte.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam năm 2013 đạt khoảng 2,6 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý, đến năm 2018, con số này đã tăng tốc 69%, đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng thị trường bán lẻ luôn vượt 10%/năm trong 6 năm qua.

Trong đó, kênh bán lẻ hiện đại gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi và bách hóa được xem là động lực tăng trưởng chính.

Chia sẻ với PV, bà Lê Thị Thùy Trang - Giám đốc tư vấn bán lẻ của Nielsen Việt Nam, cho biết tăng trưởng của kênh bán lẻ hiện đại đang vượt trội so với kênh truyền thống ở tất cả ngành hàng.

Chính bởi vậy mà các thương hiệu liên tục ganh đua gia tăng độ phủ, đồng thời tham gia sôi nổi vào hoạt động M&A nhằm giảm bớt đối thủ và tăng cường tiềm lực.

Như vậy, với việc sáp nhập VinCommerce (chủ sở hữu chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+), Masan sẽ chính thức gia nhập thị trường bán lẻ tuy hấp dẫn nhưng khốc liệt này.

Sở hữu kênh phân phối lớn nhất thị trường

Sau thương vụ, Masan sẽ kiểm soát kênh phân phối cho các sản phẩm tiêu dùng nhanh và thịt mát của công ty, qua đó tối đa hóa lợi nhuận khi tiết giảm loạt chi phí trung gian từ khâu sản xuất đến bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi VinMart và VinMart+ đang là kênh phân phối lớn nhất thị trường.

Theo báo cáo hồi tháng 4 của hãng Q&Me, Vingroup dẫn đầu bán lẻ hiện đại trong nước ở cả 3 mảng siêu thị, cửa hàng tiện lợi và cửa hàng bách hóa với thị phần lần lượt là 33%, 51% và 70%, nhờ hàng loạt thương vụ mua bán.

Từ năm 2014, VinCommerce lần lượt thâu tóm chuỗi siêu thị Ocean Mart, mua lại Công ty CP Đầu tư Nhất Nam và tiếp quản các hệ thống Fivimart. Trong năm nay, đơn vị này cũng mua lại toàn bộ 87 cửa hàng Shop&Go và 8 cửa hàng Queenland Mart.

Tính đến cuối tháng 10, Vingroup quản lý 70 trung tâm thương mại Vincom, 120 siêu thị VinMart, và 2.287 cửa hàng tiện lợi VinMart+.

Doanh nghiệp này trở thành nhà bán lẻ có độ phủ lớn nhất Việt Nam, khi Co.opMart hay Big C hiện diện đã lâu nhưng chỉ sở hữu lần lượt 114 và 60 điểm bán. Còn hệ thống cửa hàng tiện lợi lớn thứ 2, Bách Hóa Xanh, vẫn đang ngấp nghé 900 cửa hàng.

Bán lẻ luôn là mảng kinh doanh lớn thứ 2 của Vingroup, xếp sau bất động sản, từ năm 2015. Đến năm 2018, mảng bán lẻ mang về cho tập đoàn 19.333 tỷ đồng doanh thu, tăng 48% so với trước đó và đóng góp 16% vào tổng doanh thu hợp nhất.

Đối đầu các ông lớn gạo cội

Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2019, mảng bán lẻ mang về khoản lỗ trước thuế lên đến hơn 3.400 tỷ đồng cho Vingroup, xếp sau mảng sản xuất (ôtô, xe điện và điện thoại) vừa triển khai. Trước đó, báo cáo tài chính năm 2018 ghi nhận khoản lỗ lớn nhất là từ bán lẻ, lên đến hơn 5.120 tỷ đồng.

Đây trở thành thách thức mới cho Masan trong cuộc chiến bán lẻ khốc liệt, nơi nhiều doanh nghiệp khác cũng đang vất vả chạy đua.

Theo xếp hạng của hãng nghiên cứu VIRAC, Co.opMart của Saigon Co.op dẫn đầu về doanh thu với 20.000 tỷ đồng năm 2018, xếp sau là VinCommerce, Big C, MM Mega Market và Lotte Mart.

Mặc dù vậy, doanh thu và lợi nhuận các hãng đang có chiều hướng đi xuống. 6 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu bán hàng của Saigon Co.op đạt hơn 58.931 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận theo đó cũng giảm hơn 30%, còn khoảng 33.000 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp chủ chốt trong hệ thống Big C Việt Nam, từ khi về tay người Thái, cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tụt giảm hoặc đi ngang. Theo số liệu công bố gần nhất năm 2017, một số cơ sở như Big C Thăng Long, Big C An Lạc có thu lãi, nhưng số lãi này đã sụt giảm từ 10-50% so với năm 2015.

Trong khi đó, MM Mega Market, với 19 đại siêu thị đang hoạt động, lại ghi nhân lỗ ròng 116 tỷ đồng năm 2016. Lý do được lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra là chi phí đầu tư ban đầu cho các đại siêu thị, lên đến 300-400 tỷ đồng.

Ngược lại, một chuỗi cửa hàng tiện lợi với tốc độ mở mới không thua kém VinMart, VinMart+ là Bách Hóa Xanh, lại cho biết đã đạt điểm hòa vốn cho các cửa hàng. Hệ thống này đạt doanh thu 8.224 tỷ đồng trong 10 tháng đầu năm. Năm 2018, khi số cửa hàng bằng một nửa hiện tại, con số này là 4.325 tỷ đồng.

Rõ ràng, cái bắt tay giữa VinCommerce, VinEco với Masan sẽ làm thay đổi cục diện ngành bán lẻ, ít nhất là trong ngắn hạn và trung hạn. Nói với PV, ông Trần Bằng Việt – Chủ tịch Đông A Solutions nhìn nhận đây sẽ là cơ hội lớn cho 2 tập đoàn này, để tạo nên đế chế mới trong ngành bán lẻ Việt Nam.

Theo dự báo của CBRE, doanh thu bán lẻ Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 11,9% tới năm 2020, cao gần gấp 3 lần so với nước đứng vị trí thứ 2 tại Đông Nam Á.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích