Thương chiến Mỹ – Trung Quốc sẽ thay đổi vĩnh viễn luật chơi của thế giới

Thứ sáu, 13/12/2019, 16:13
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh chia sẻ những nhìn nhận của ông về diễn biến mới nhất trong thương chiến Mỹ – Trung Quốc cũng như cách mà nó sẽ làm thay đổi thương mại, tài chính thế giới.

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh.

Trong động thái mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký chấp thuận tạm ngưng kế hoạch tăng thuế với 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 15/12/2019, đây có thể nói là một diễn biến rất được thị trường chờ đợi sau nhiều tháng căng thẳng.

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc đã kéo dài 20 tháng, mỗi quốc gia đã có nhiều phản ứng chính sách khác nhau. Trong lúc chờ đợi phán quyết cuối cùng của thỏa thuận thương mại giai đoạn một, đã đến lúc nhìn lại cách ứng phó của thế giới với cuộc chiến thương mại này cũng như chỉ ra những yếu tố mang tính định hình với thương mại và kinh tế thế giới.

PV mới đây đã có cuộc phỏng vấn với nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh, về nhận xét của ông với cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, quan điểm của ông về cách ứng phó của thế giới cũng như những dự báo về tương lai thương mại tài chính thế giới.

Ông nói gì trước ý kiến cho rằng thế giới thụ động trước diễn tiến, ảnh hưởng của cuộc xung đột này, khi mà điển hình như chính sách lãi suất nhanh chóng đảo chiều tại hàng loạt quốc gia, cũng như chính sách nới lỏng tiền tệ thể hiện rõ?

Nên để dịp khác bàn đến câu chuyện thế giới, vì chắc gì họ đã thụ động, chắc chắn họ phải theo sát lắm. Có lẽ cần nói nhiều hơn về câu chuyện Việt Nam. Chúng ta bị ảnh hưởng của cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung, nhưng chúng ta cũng vẫn đang có những điều kiện thuận, cả từ bên ngoài và bên trong, để quản trị các rủi ro. Ví dụ, chúng ta vẫn đang giữ được kinh tế vĩ mô ổn định, trong khi vẫn có điều kiện để tiếp tục hội nhập và phát triển quan hệ với cả hai nền kinh tế lớn nhất này.

Quay trở lại câu chuyện đồng tiền và lãi suất. Các nhà chuyên môn sẽ nói được kỹ hơn. Nhưng có thể thấy thế này. Trước tiên chúng ta luôn muốn có một đồng tiền ổn định, thêm nữa, chúng ta lại muốn có một đồng tiền hoạt động theo quy luật của kinh tế thị trường, vừa rồi chúng ta đã làm như vậy và làm tốt chuyện đó.

Thứ hai, xét đến câu chuyện kinh tế vĩ mô, một đồng tiền trong bối cảnh kinh tế thương mại, muốn gì thì gì, nó phải tạo được niềm tin và phản ánh được giá trị của nền kinh tế của anh, chứ không phải theo một quyết định về hành chính, không phải cứ muốn tăng thì tăng, lúc thích giảm thì giảm.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta có trao đổi với rất nhiều nước trên thế giới. Người Mỹ họ cũng quan tâm việc các nước xử lý điều này lắm. Chúng ta đã và sẽ tiếp tục làm rõ câu chuyện của chúng ta trong quản lý chính sách tiền tệ như vậy. Mỹ cũng đã phải công nhận VN cơ bản vận hành theo thị trường.

Đúng là nước Mỹ có chính sách theo dõi và kiểm tra xem nước nào có thao túng tiền tệ hay không, ví dụ như việc vào đầu tháng 8 vừa rồi, Trung Quốc làm yếu đồng nhân dân tệ xuống dưới mốc 7 nhân dân tệ/USD. Đây có cả câu chuyện kinh tế và chính trị. Vì vậy, nước nào cũng phải để ý.

Trong bối cảnh hiện nay chúng ta cũng đang cải cách kinh tế, phấn đấu theo kinh tế thị trường, quản lý nền kinh tế của đất nước theo kinh tế thị trường, vì vậy cần phải song hành ổn định kinh tế vĩ mô và hướng tới hoàn thiện theo kinh tế thị trường.

Tóm gọn lại tôi thấy rằng chúng ta đã quản lý nền kinh tế theo đúng định hướng của chúng ta, chúng ta đã vận hành quản lý chính sách tiền tệ theo kinh tế thị trường và quan trọng phải đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô. Khi trao đổi với các nước chúng ta cũng đã nói rất rõ định hướng chính sách này chứ không phải sự thay đổi cơ học hay thuần túy về hành chính.

Với Việt Nam, trong bối cảnh xung đột và ảnh hưởng đó, kinh tế vẫn tăng trưởng khả quan, vĩ mô ổn định... Điều này theo ông đến từ cấu trúc nền kinh tế Việt Nam, các yếu tố nội tại và đặc biệt ở điều hành chính sách vĩ mô tại Việt Nam đã khẳng định giá trị, hiệu quả và tính hợp lý?

Phát triển của Việt Nam cần được xem xét heo chiều dài thời gian. Đó là quá trình 30 năm đổi mới, cùng với những cải cách về cơ chế và chính sách để vận hành theo nền kinh tế thị trường, điều đã giúp Việt Nam không ngừng phát triển vươn lên và hội nhập với nền kinh tế thế giới và khu vực. Rồi cải cách của chúng ta còn vượt qua cả lĩnh vực kinh tế mà còn cả chính trị và xã hội, từ đó tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển.

Như vậy, một mặt, chúng ta có sức mạnh nội tại, để có thể quản trị rủi ro tốt hơn trước, nhưng mặt khác, trước các diễn biến khó lường của tình hình trong khi độ mở của nền kinh tế khá lớn, chúng ta cần phải theo sát tình hình, để có đối sách phù hợp.

Cạnh tranh thương mại Mỹ–Trung Quốc, hai nền kinh tế hàng đầu, chắc chắn đã và sẽ ảnh hưởng tới kinh tế, thương mại toàn cầu và kinh tế của nhiều nước khác. Việt Nam có quan hệ có quan hệ với cả hai nên cũng sẽ đứng trước nhiều rủi ro thách thức.

Phải nói bước đầu chúng ta đã có những giải pháp và chính sách phù hợp để ứng phó ngay với những thay đổi của tình hình. Chính phủ cũng đưa ra những quyết sách lâu dài về nâng cao chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế, dựa trên năng suất lao động, khoa học công nghệ và sáng tạo, đồng thời tiếp tục ủng hộ và đẩy mạnh việc mở cửa và hội nhập, hội nhập ở mức cao hơn và sâu rộng. Điều đó tạo cho chúng ta gắn kết và có thể vươn lên ở vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như đa dạng hoá quan hệ với bên ngoài, với các trung tâm kinh tế lớn của thế giới.

Chính bản thân doanh nghiệp Việt Nam bước đầu cũng đã khá nhanh nhạy trong nắm bắt và ứng phó với thay đổi của tình hình. Nhưng đó là với những tập đoàn lớn, còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Trải qua cuộc xung đột này, ông nói gì về yếu tố kinh nghiệm và từng trải của nhà quản lý lẫn các chủ thể trong nền kinh tế, trên thị trường đã vững vàng hơn sau những gì đã trải qua cuộc những cuộc khủng hoảng trước đó, dù so sánh có thể khập khiễng?

Trước những thay đổi mới này, chúng ta thấy có cả cái mới, khó lường, có cả cái đã xuất hiện từ nhiều năm. Cái kinh nghiệm lớn nhất, có lẽ sẽ ở chỗ: Có một nền kinh tế nội lực mạnh, song hành với kinh nghiệm làm tốt để ứng phó với rủi ro. Xin đơn cử: Chủ nghĩa bảo hộ và toàn cầu hoá vốn luôn song hành, rồi phản ứng đối với toàn cầu hóa có lẽ nó đã tồn tại cả hàng chục năm nay rồi chứ không phải bây giờ. Nhưng đến khi nước Mỹ có Tổng thống Trump và rồi có Brexit, nó đã tạo ra những cái mà đột biến về chính sách, bất ổn và khó lường hơn, nhất là lại của các nền kinh tế lớn, thì nó tác động nhiều lắm.

Trong bối cảnh như vậy, lại phù hợp với nền kinh tế của mình. Thứ nhất là đổi mới và hội nhập. Đây là cái mà chúng ta rất kiên định và quyết liệt. Và chúng ta lại có cái thuận lợi, đó là chúng ta có cái đà của hơn 30 năm cải cách vừa qua, hiện đang có nhiều thỏa thuận FTA quan trọng và lại có môi trường hội nhập của khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. Câu chuyện thứ hai quyết tâm và nỗ lực  ngày càng hoàn thiện thể chế và sự vận hành của nền kinh tế thị trường. Cái thứ ba là quản trị rủi ro. Với nhà quản lý, đó là câu chuyện thường xuyên phải xử lý và thích ứng.

Cái cần nêu thêm ở đây là không chỉ đề phòng, ứng phó với rủi ro, mà quan trọng hơn, đó là câu chuyện cơ hội, phải tranh thủ và chớp lấy cơ hội như thế nào khi thế giới đang có nhiều biến đổi, chắc chắn đây sẽ là bài toán lớn hơn. Trong cái vận động phức tạp hiện nay, cá nhân tôi cho rằng, chúng ta đang có những cơ hội lớn lắm, để chúng ta đa dạng hoá quan hệ, đa dạng hoá chuỗi cung ứng và thị trường, và nhất là vươn lên hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực. Điều này đòi hỏi cả ở tầm quyết sách vĩ mô, cũng như ở cấp các doanh nghiệp.

Ông Phạm Quang Vinh.

Cạnh tranh nước lớn hiện nay cũng đặt ra nhiều thứ cần lưu tâm. Luật chơi của thế giới sẽ thay đổi. Không chỉ dùng công cụ thuế quan, Mỹ-Trung còn cạnh tranh nhau về mô hình phát triển. Mỹ cũng sẽ không chấp nhận Trung Quốc cứ mãi là nước được hưởng qui chế đang phát triển’, mà theo quy chế một nền kinh tế phát triển, vậy thì các ưu đãi mà trước đây Trung Quốc được hưởng với tư cách một nước đang phát triển để thâm nhập vào thị trường Mỹ và các nước khác sẽ không còn như cũ.

Mặt khác, trở lại câu chuyện trả đũa thuế quan Mỹ-Trung, chúng ta đã và sẽ phải tiếp tục đề phòng việc gian lận thương mại, đội lốt nhãn mác hàng hoá VN.

Cả cái ngắn và dài hạn này liên quan đến hàm lượng Trung Quốc trong hàng hóa của nước khác, trong hàng hoá của VN, là cái cần phải cân nhắc, sẵn sàng các phương án cho những điều  thay đổi có thể xảy ra đó.

Cái câu chuyện cạnh tranh về mô hình phát triển cũng vậy, nó có cả chuyện kinh tế và chính trị, nhưng có một cái là hướng tới kinh tế thị trường, các qui định của WTO ra sao, rồi câu chuyện minh bạch, bền vững, bảo vệ môi trường như thế nào, vẫn là cái chủ đạo sắp tới, dù đó là mô hình phát triển nào, của Âu, Mỹ hay của Trung Quốc, thì rồi cũng sẽ phải như vậy.

Cuộc cạnh tranh và những vận động hiện nay có thể dẫn đến những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu và phân công lao động mới, thậm chí có thể lúc này lúc khác làm gián đoạn thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu. Như vậy, nó có cái rủi ro, nhưng cũng xuất hiện những cơ hội lớn, để vươn lên và tham gia tốt hơn vào nền kinh tế toàn cầu.

Chúng ta đã và đang có những quyết sách lớn và rất quan trọng, đó là đẩy mạnh hơn nữa đổi mới, hội nhập và nâng cao về chất năng lực của nền kinh tế, dựa trên năng suất lao động, khoa học công nghệ và sáng tạo, tạo ra sức bền vững và sức cạnh tranh lớn hơn, để đa dạng hoá và ranh thủ tốt hơn môi trường kinh tế mới, để tiếp tục hội nhập nhưng lựa chọn hệ giá trị, chuỗi giá trị cao hơn, bền vững hơn.

Ông có thể chia sẻ dự tính của mình về khả năng những điểm đến, mốc thời gian cũng như những khả năng tác động tiếp theo của xung đột Mỹ – Trung Quốc?

Trước hết về cạnh tranh thương mại, hai bên Mỹ-Trung, nhất là Mỹ, đánh thuế nhau không phải để triệt tiêu nhau mà để giành cái có lợi hơn cho mình. Cuộc cạnh tranh thương mại đã gia tăng suốt từ tháng 3 năm ngoái đến nay, nó không thể gia tăng mãi được.

Thuế quan cũng không thể tăng liên tục, không gian để đánh nhau về thuế quan vẫn còn nhưng không nhiều, mục tiêu của Trung Quốc và Mỹ không phải để triệt tiêu nhau mà để ai cũng có phần hơn trong cuộc chiến này.

Những động thái vừa qua cho thấy hai bên đang muốn hướng tới có một thỏa thuận, dù đó mới chỉ là phần đầu dễ hơn trong cuộc cạnh tranh này. Thuế đã trả đũa qua lại khá cao rồi, nên cũng phải tính đến đạt được cái gì.

Nhưng, kể cả kinh tế thương mại này, thì cuộc đấu này còn lâu dài, nó vừa có lúc căng vừa có lúc giảm, cho đến khi cài đặt lại được quan hệ phù hợp hơn với tương quan giữa hai nước.

Cái lâu dài hơn là cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, người ta gọi đó là cuộc chiến ngôi vị giữa cường quốc thứ nhất và cường quốc thứ hai. Đó là một cuộc cạnh tranh tổng thể, về các mặt, không chỉ kinh tế-thương mại. Có người cảnh báo về một cuộc chiến tranh lạnh mới - nhưng chắc sẽ không phải một cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Xô trước đây, hai bên phân chia thành hai hệ thống đối lập và quyết tâm triệt tiêu nhau. Nhưng TQ giờ cũng đã khác, mặc dù trước mắt TQ sẽ phải nhẫn nhịn nhiều hơn, để giữ được môi trường cho vươn lên về lâu dài.

Cái cách mà Tổng thống Trump đang làm cũng có cái đặc thù riêng, cả về cái ngắn hạn và cái dài hạn. Trong khi đưa TQ trở thành đối thủ chiến lược và quan hệ hai nước là cạnh tranh chiến lược, thì TTh Trump lại sử dụng trước hết các đòn về kinh tế, bao gồm cả kinh tế, thương mại và công nghệ. Có thể thấy, ngay chỉ qua đòn thuế quan thôi, Mỹ muốn đánh trước hết vào cái đầu ra, chỗ dựa của nền kinh tế TQ và Mỹ tự tin rằng mình có khả năng chịu đựng tốt hơn.

Cái đích lớn hơn của việc này là đánh vào cơ sở của sự phân công lao động và chuỗi cung ứng toàn cầu mà hiện TQ trong nhiều năm qua đang được hưởng lợi, qua đó điều chỉnh cái trật tự hiện nay sao cho Mỹ có lợi hơn. Câu chuyện đấu nhau về công nghệ, về 5G, về mô hình phát triển hay sáng kiến vành đai con đường (BRI) của TQ cũng đặt trong các tính toán này.

Như vậy, thế giới sẽ có nhiều thay đổi sâu sắc, song về cơ bản các chuẩn mực và trật tự thế giới, cả về chiến lược lẫn về kinh tế, chắc sẽ chưa bị phá vỡ. Nói là chưa bị phá vỡ nhưng nó sẽ bị và cần phải được cải cách và trong quá trình cải cách này chắc chắn sẽ có nhiều xáo trộn.

Mặt khác, cuộc cạnh tranh này còn chịu tác động của chính trị nội bộ hai nước. Ví dụ, đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn một vừa rồi đã bị phức tạp hơn bởi câu chuyện bầu cử nước Mỹ, rồi chuyện Hồng Kông, chuyện Tân Cương khiến mọi chuyện có phần chững lại. Nhưng xem cách phản ứng của TQ, thì cũng có thể thấy, trong khi đánh vào việc không cho tàu hải quân Mỹ cập cảng Hồng Công hay trừng phạt các tổ chức nhân quyền của Mỹ, thì lại vẫn để ngỏ cửa cho một thỏa thuận thương mại.

Tóm lại, cạnh tranh Mỹ-Trung tiếp tục là câu chuyện làm sao cho cấu trúc kinh tế thế giới, chuỗi cung ứng toàn cầu có lợi hơn theo cách tính toán của mỗi bên. Vì vậy Mỹ không chỉ muốn giải quyết vấn đề thương mại, mà còn muốn các cải cách bên trong nền kinh tế của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa, cải cách, vươn ra bên ngoài, nhưng Trung Quốc sẽ không chấp nhận và không thể nhả hết như Mỹ đòi hỏi, ví dụ như với Kế hoạch sản xuất tại TQ 2025  (Made in China 2025).

Do vậy, cuộc đấu còn có những cái phức tạp hơn nhiều, mà hai bên đang để cho giai đoạn sau và nó còn sẽ kéo dài. Sang năm 2020, cuộc cạnh tranh thương mại sẽ tiếp tục diễn ra, đan xen với những nhân nhượng từng phần, trong khi quan hệ chung Mỹ-Trung khó có thể trở lại như trước và cạnh tranh chiến lược hai nước là vấn đề lâu dài.

Ông có thể đưa ra những khuyến nghị ứng xử trong chính sách, quản lý điều hành kinh tế vĩ mô, hay với doanh nghiệp và nhà đầu tư... Việt Nam trước những tác động dự kiến đó?

Như trên đã nêu, cái căn bản vẫn là tập trung nâng cao năng lực của nền kinh tế, chất lượng hội nhập, bao gồm cả nâng cao năng lực của doanh nghiệp. Vừa qua, chúng ta đã làm tốt về việc quản trị rủi ro. Nhưng cái lớn hơn là tranh thủ thời cơ.

Chính trong sự vận động và rủi ro của cạnh tranh giữa các nước lớn, thì lại càng cần đẩy mạnh việc kết hợp giữa phát triển năng lực nội tại với đa dạng hóa quan hệ,  đa dạng hóa nguồn cung và đa dạng hoá thị trường. Bài toán đặt ra trong bối cảnh mới hiện nay là làm sao, trong cái khó, vẫn tranh thủ được cơ hội để vừa phát triển, vừa tham gia hội nhập tốt hơn, ở hệ giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu cao hơn.

Xin cám ơn ông!

Theo BizLive

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích