Cần giải được 3 “lời nguyền” gây nghẽn cho ngành nông nghiệp

Thứ năm, 20/05/2021, 12:38
Đó là sự manh mún, tự phát, nhỏ lẻ trong sản xuất và “nếu không giải quyết được lời nguyền này thì sự phát triển của nông nghiệp sẽ luôn đụng trần, cả về năng suất, sản lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh,…”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan
Ngày 19/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới và giải quyết các kiến nghị, đề xuất của ngành với vai trò bệ đỡ của nền kinh tế.
Báo cáo Thủ tướng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, trong giai đoạn năm 2016 - 2020, ngành nông nghiệp đã hoàn thành cả 15/15 chỉ tiêu và vượt mục tiêu đề ra, nổi bật như: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 5 năm đạt 2,62%/năm, năm 2020 tăng 2,68%; tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm hơn 190 tỷ USD, năm 2020 đạt 41,53 tỷ USD, tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%, cao hơn so với mức 40,7% của năm 2015.
Tính đến hết năm 2020 có hơn 62% xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt xa mục tiêu (có 50%). Thu nhập cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người, tăng 1,92 lần năm 2015.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, quá trình phát triển vẫn còn nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng thiếu ổn định; những yếu kém nội tại của ngành, mặc dù đã được khắc phục nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo Bộ NN&PTNN. Ảnh VGP
BA LỜI NGUYỀN CẢN TRỞ NGÀNH NÔNG NGHIỆP PHÁT TRIỂN
Đặc biệt, điểm nghẽn lớn nhất của ngành nông nghiệp mà theo Bộ trưởng còn được ví von là 3 “lời nguyền” cần được giải đó là: Sự manh mún, tự phát, nhỏ lẻ trong nền sản xuất nông nghiệp.
“Nếu không giải quyết được lời nguyền này thì sự phát triển của nông nghiệp sẽ luôn đụng trần, cả về năng suất, sản lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh hàng hóa,…”, Bộ trưởng nói.
Với mục tiêu đặt ra đến năm 2025 đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành từ 2,5 đến 3%, kim ngạch xuất khẩu 48 đến 50 tỷ USD, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trong thời gian tới ngành xác định tạo những bước chuyển mạnh mẽ. Đó là chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp trong bối cảnh mới.
Trong đó, 5 bước chuyển quan trọng giúp giải "lời nguyền" của ngành đó là: Chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”; coi nông nghiệp là ngành kinh tế, mục tiêu cốt lõi là hiệu quả.
Chuyển từ “chuỗi liên kết cung ứng nông sản” sang “chuỗi liên kết giá trị ngành hàng”.
Chuyển từ “nền nông nghiệp sản lượng cao” sang “nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững”.
Chuyển từ “phát triển đơn ngành” sang “tích hợp đa ngành”, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị ”.
Chuyển từ “hỗ trợ đầu vào” sang “vừa hỗ trợ đầu vào, vừa chú trọng hỗ trợ, kết nối đầu ra”.
Bên cạnh thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu còn chú trọng phát triển thị trường nội địa với sức tiêu thụ của khoảng 100 triệu dân, Bộ trưởng nhìn nhận.
TRỤ CỘT CHÍNH CỦA NGÀNH LÀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN VÀ NÔNG DÂN
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh, thành tích của ngành NN&PTNT trong nhiệm kỳ qua và những tháng đầu năm 2021 góp phần quan trọng vào ổn định tình hình đất nước, đồng thời thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Với thành quả như vậy, diện mạo, cảnh quan, môi trường sinh thái, không gian sống của nông nghiệp, nông thôn, nông dân được cải thiện đáng kể. Đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân ngày càng nâng cao.
Về các khó khăn, vướng mắc, Thủ tướng tán thành với ý kiến của Bộ NN&PTNT và cho rằng, cần phải chuyển đổi tư duy, phong cách, lề lối làm việc, tổ chức công việc.
Hiện tại, thực trạng của ngành nông nghiệp nguồn là có nhân lực chất lượng cao nhưng chưa tương xứng với tình hình và yêu cầu đề ra. Hạ tầng nông nghiệp còn manh mún, chia cắt, chưa có kết nối tổng thể, đồng bộ, liên thông. Bộ máy còn cồng kềnh, chồng chéo. Thủ tướng cho rằng, số lượng viện nghiên cứu của Bộ (11 viện) là quá nhiều, chia cắt, chưa có mối liên kết, cần nghiên cứu sắp xếp lại, xứng tầm.
“Nghĩ phải thật, nói phải thật, làm phải thật, hiệu quả thật, người nông dân được hưởng thụ thật”, Thủ tướng nói.
Phải xác định trụ cột chính của ngành là nông nghiệp, nông thôn và nông dân, các trụ cột này sẽ góp phần tiếp tục ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Về mối quan hệ giữa các trụ cột, Thủ tướng nói rõ thêm, nông dân phải là trung tâm, nông thôn là nền tảng và nông nghiệp là động lực.
“Người nông dân phải là chủ thể, là trung tâm. Mọi hoạt động của các đồng chí phải xoay quanh người nông dân, phải nâng cao đời sống tinh thần vật chất cho họ. Đây là điều quan trọng nhất", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo BizLive

Các tin cũ hơn