Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đang phải chật vật với các khoản chi phí trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, thì một thực tế là giá cước và mức phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển container bằng đường biển của các hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam lại đang là "vùng tối," khó kiểm soát dẫn đến hiện tương giá "tăng phi mã" thời gian qua.
Có hay không việc các hãng tàu nước ngoài "thao túng" giá cước vận chuyển cũng như các mức phụ thu đối với hàng hóa xuất nhập khẩu? Đây cũng chính là câu hỏi đang đặt ra cho cơ quan quản lý Nhà nước.
Mập mờ trong khai báo giá cước
Kết quả kiểm tra tại hãng tàu CMA-CGM-một công ty vận tải container đến từ nước Pháp cho thấy việc niêm yết mức giá, các loại phụ thu ngoài giá cước dịch vụ vận tải biển hiện chưa đúng và không phản ánh giá cước thực tế. Chính điều này đã khiến cho giá cước vận tải biển "tăng phi mã" thời gian qua.
Đây cũng là thực trạng chung tại cả 9 hãng tàu nước ngoài gồm MSC (Thụy Sĩ-Italy), OOCL (Hong Kong), CMA-CGM (Pháp), Hapag-Lloyd (Đức), ONE (Nhật Bản), Evergreen (Đài Loan), HMM (Hàn Quốc), Maersk Lines (Đan Mạch) và Yangming (Đài Loan) đang nắm giữ phần lớn thị phần vận chuyển hàng hóa container của Việt Nam đi châu Mỹ, châu Âu vừa được đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện.
Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam - Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành cho biết trong các lần thay đổi giá cước, các hãng đều khai báo có thay đổi niêm yết theo quy định. Tuy nhiên, trên website của hãng tàu lại không hề thể hiện thời gian niêm yết, do vậy không biết chính xác được các hãng tàu có niêm yết trước 15 ngày sau mỗi lần thay đổi giá cước hay không.
Bên cạnh đó, ông Giang cũng nhìn nhận giá cước niêm yết không phản ánh giá cước thực tế, các hãng tàu có chính sách giá cước khác nhau và thường thấp hơn giá niêm yết, giá cước thực tế không được công khai niêm yết.
"Các loại phụ thu được niêm yết chỉ thể hiện mức giá, không ghi chi tiết thời điểm bắt đầu và kết thúc, không nêu rõ lý do thu, không lưu lại thời gian niêm yết và các lần thay đồi niêm yết. Mức giá do hãng tàu tự quyết định và thu của khách hàng mà không phải đăng ký kê khai với cơ quan có thẩm quyền," ông Giang nhấn mạnh.
Kiểm tra thực tế cũng cho thấy trung bình mỗi hãng áp dụng khoảng 3-5 loại phụ thu đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Các loại phụ thu chủ yếu là chứng từ, vệ sinh container (đối với hàng nhập), kẹp chì (đối với hàng xuất).
Đáng chú ý, các loại phụ thu chỉ thể hiện mức giá, không nêu cụ thể lý do thu, thời điểm bắt đầu thu và kết thúc. Mức giá các loại phụ thu do hãng tàu tự đưa ra mà không có sự thỏa thuận với khách hàng. Trong số đó, một số loại phụ thu không căn cứ vào chi phí thực tế của dịch vụ như phụ thu khai báo trọng tải hàng hóa được thu, với mức giá từ 30-50 USD, trong khi hãng tàu gần như không mất chi phí cho dịch vụ này.
“Như vậy, việc quy định niêm yết giá cước và các loại phụ thu không mang lại nhiều ý nghĩa trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát giá. Giá cước niêm yết không phản ánh giá thực tế. Các loại phụ thu của hãng tàu không được đăng ký kê khai với cơ quan có thẩm quyền mà do hãng tàu tự quyết định nên không kiểm soát được mức giá và các loại phụ thu,” ông Giang thừa nhận.
Cách nào để quản giá cước thực
Khẳng định kết quả kiểm tra cho thấy các hãng tàu hoạt động phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam về Luật cạnh tranh, mặc dù các hãng có chính sách giá khác nhau, không chia sẻ giá cước trong cùng liên minh, tuy nhiên, theo ông Giang, trong thời gian vừa qua, các hãng tàu đồng loạt tăng giá trong cùng thời điểm khi thị trường vận tải có biến động tạo ra một mặt bằng giá cước tăng cao trên toàn thế giới.
Trong khi đó, hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm về niêm yết giá tại Nghị định số 142/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng hải, trong đó chế tài xử phạt các doanh nghiệp không niêm yết giá rất thấp, mức phạt từ 1-3 triệu đồng/lần, chưa đủ sức răn đe đối với doanh nghiệp vi phạm về niêm yết giá.
Hiện thị phần vận tải hàng hóa của Việt Nam xuất nhập khẩu đi thị trường châu Mỹ, châu Âu phụ thuộc hoàn toàn vào hãng tàu nước ngoài. Các chính sách giá cước, các loại phụ thu cũng do các hàng tự quyết định, các chủ hàng của Việt Nam quy mô nhỏ, chủ yếu nhu cầu theo thời vụ nên không có kế hoạch ký kết hợp đồng vận tải dài hạn, dẫn đến gặp nhiều rủi ro khi thị trường biến động.
Để nâng cao công tác quản lý Nhà nước về giá và hoạt động của các hãng tàu nước ngoài khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhằm tạo sự công khai minh bạch, bình đẳng, Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ giao bộ rà soát, bổ sung các quy định để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các hãng tàu container nước ngoài hoạt động tại Việt Nam như khi hãng tàu nước ngoài khi vào hoạt động tại Việt Nam phải đăng ký tuyến vận tải, lịch trình, lượng hàng... nhằm tránh tạo ra sự tùy tiện trong việc hãng tàu tự ý bỏ tuyến, chậm chuyến hoặc hủy đặt chỗ gây thiệt hại cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Mặt khác, Bộ Giao thông Vận tải cần sửa đổi Điều 21 Nghị định số 142/2017/NĐ-CP của Chính phủ, theo đó bổ sung chế tài xử phạt đối với trường hợp vi phạm các quy định về kê khai, niêm yết; tăng mức xử phạt đối với trường hợp doanh nghiệp không thực hiện quy định về kê khai, niêm yết giá và rà soát sửa đổi Nghị định số 146/2016/NĐ-CP ngày 2/11/2016 của Chính phủ.
Ngoài ra, Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét sửa đổi, bổ sung quy định về giá cước và các loại phụ thu ngoài giá cước mà hãng tàu thu đối với chủ hàng xuất nhập khẩu tại cảng nước ta cho phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam và tuân thủ tập quán thương mại quốc tế.
Bộ Công thương chủ trì xem xét làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam để nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá thành cung cấp dịch vụ và Hiệp hội chủ hàng Việt Nam để nâng cao vị thế vai trò của chủ hàng đối với các hãng tàu và đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển.
Có như vậy, việc quản lý giá cước vận chuyển cũng như các mức phụ thu đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của các hãng tàu nước ngoài mới thực sự minh bạch, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cũng như thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường thế giới.
Theo TTXVN