TP.HCM tụt điểm Năng lực cạnh tranh

Thứ ba, 20/04/2021, 11:50
Chi phí gia nhập thị trường, Tính minh bạch, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp có điểm thấp khiến TP.HCM tụt từ "tốt" xuống "khá" trong phân hạng.

Làm việc nhiều năm trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tham gia trực tiếp một số hoạt động xúc tiến đầu tư và là một công dân TP.HCM, tôi quan tâm đến thang điểm mà thành phố đạt được trong báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố hôm 15/4.

Tuy chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động tính đến cuối năm 2020, nhưng các doanh nghiệp tham gia được chọn ngẫu nhiên rải đều trong tất cả các ngành nghề. 70% người trả lời là cấp quản lý doanh nghiệp. Bảng câu hỏi rất chi tiết trên 10 tiêu chí đánh giá. So với năm 2019, báo cáo PCI 2020 có thêm chương đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam.

TP.HCM tuy vẫn giữ được thứ hạng 14/63 như năm 2019, nhưng điểm tổng hợp giảm từ 67.10 xuống còn 65.70 năm 2020, tụt từ "tốt" xuống "khá" trong phân hạng điều hành. Đây là năm thứ hai liên tiếp TP HCM rơi khỏi top 10 tỉnh, thành phố có chỉ số năng lực cạnh tranh dẫn đầu. Và đường trở lại có vẻ còn xa, nếu không có những cải cách cải thiện môi trường kinh doanh đáng kể.

Về nguyên nhân tụt điểm và phân nhóm của TP.HCM, tôi quan tâm ba tiêu chí thành phần có điểm số thấp và tụt lùi không những so với năm 2019 mà cả trong giai đoạn 2016 – 2020, đó là Chi phí gia nhập thị trường, Tính minh bạch và Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Kết quả chi tiết 10 chỉ số thành phần PCI của TP.HCM năm 2016 - 2020.

Kết quả chi tiết 10 chỉ số thành phần PCI của TP.HCM năm 2016 - 2020.

Điều ngạc nhiên và đáng suy ngẫm nhất với tôi là Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, chỉ số mà TP.HCM luôn thuộc nhóm dẫn đầu trong nhiều năm và đạt điểm cao nhất năm 2019 (7.39). Nhưng năm 2020, TP.HCM tụt khá xa so với nhiều tỉnh thành khác, chỉ đạt 6.55 so với Quảng Ninh (7.58), Bình Phước (7.57) và Bình Dương (7.48). Không lẽ TP.HCM - đầu tàu kinh tế của cả nước - không đủ nhân lực và điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp?

Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, trước đây được nhóm nghiên cứu gọi tên là "chính sách phát triển kinh tế tư nhân", gồm cung cấp thông tin, tư vấn pháp luật, hỗ trợ tìm kiếm đối tác, cung cấp các dịch vụ công nghệ... cho doanh nghiệp. Chỉ số này dựa trên kết quả trả lời (%) của doanh nghiệp đã từng sử dụng các dịch vụ được liệt kê và ý định sử dụng lại dịch vụ đó. Nói cách khác đó là thước đo sự hài lòng của doanh nghiệp như là một khách hàng đối với dịch vụ được hỗ trợ.

Tôi thấy đáng lo khi TP.HCM có nhiều dịch vụ đạt tỷ lệ hài lòng thấp - dưới 50%. Chẳng hạn, chỉ 45% doanh nghiệp "có ý định sử dụng lại dịch vụ xúc tiến thương mại", trong khi ở các tỉnh dẫn đầu là trên 80%; hay chỉ 42% "có ý định sử dụng lại dịch vụ đào tạo tài chính kế toán" trong khi tỷ lệ này của tỉnh Quảng Ninh là 93%.

Ai đó có thể lý giải là do sự ngẫu nhiên lựa chọn doanh nghiệp ở từng địa phương khác nhau nên sự so sánh này chỉ mang tính tương đối. Điều này không loại trừ. Nhưng phần lớn các chỉ tiêu đánh giá với ý định "quay lại sử dụng không?" với kết quả dưới trung bình thì rõ ràng TP.HCM cần nghiêm túc xem lại công tác tổ chức giới thiệu và cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Chỉ số đáng lo thứ hai là Tính minh bạch.

TP.HCM trong năm 2020 bị tụt mất 1.11 điểm – thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Chỉ số này đo lường khả năng tiếp cận các kế hoạch của tỉnh, thành phố liên quan đến các văn bản pháp lý, tài liệu quy hoạch, tài liệu về ngân sách, thông tin mời thầu, tỷ lệ doanh nghiệp nhận được văn bản sau khi đề nghị địa phương cung cấp, và yếu tố "mối quan hệ" để có được tài liệu. TP.HCM chỉ đạt 5.68 điểm, thấp hơn điểm bình quân 5.85 của cả nước, và xa lắc điểm cao nhất 6.77 của Đồng Tháp.

Đi sâu vào chi tiết, "độ mở và chất lượng website của TP.HCM" có điểm số khá cao so với hầu hết các địa phương khác. Nhưng tỷ lệ "doanh nghiệp truy cập vào website của TP.HCM" chỉ 47%, thấp hơn bình quân 53% của cả nước. Có thể lý giải là do các doanh nghiệp chưa đủ quan tâm hay chưa tìm thấy thông tin họ cần trên các website chất lượng của TP.HCM không?

Thứ ba là Chi phí gia nhập thị trường. Chỉ số này của TP.HCM (6.81 năm 2020) được ghi nhận ngày càng thấp dần trong 5 năm qua. Điều này cho thấy chi phí đối với doanh nghiệp mới gia nhập thị trường TP.HCM ngày càng cao và nguy cơ Thành phố sẽ mất dần tính cạnh tranh về môi trường kinh doanh so với các tỉnh, thành khác. Chi phí này không liên quan đến mức sống cao của Thành phố, mà được đo bằng các tiêu chí như thời gian chờ hoàn thành thủ tục, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh qua phương thức mới, tỷ lệ cán bộ am hiểu chuyên môn, rõ ràng, nhiệt tình, thân thiện...

Trừ Hà Nội cũng có điểm chỉ số này không cao (6.74), còn lại các địa bàn mạnh về công nghiệp khác như Bình Dương (8.05), Đà Nẵng (8.75), Hưng Yên (7.81), và một số tỉnh ĐBSCL đều trên 8.

Chưa hết, chỉ 32% doanh nghiệp ở TP.HCM cho rằng "cán bộ ở khâu đăng ký kinh doanh là am hiểu chuyên môn và thân thiện", thấp nhất cả nước, trong khi tỷ lệ trung bình toàn quốc là 73% về chuyên môn và 79% về sự thân thiện. Tỷ lệ rất thấp này thật sự đáng để cấp chính quyền TP.HCM suy ngẫm trong nỗ lực cải thiện môi trường phục vụ doanh nghiệp.

Báo cáo PCI không chỉ là bảng xếp hạng về chất lượng điều hành của các địa phương, mà còn là "tiếng lòng" của doanh nghiệp, là tín hiệu để các địa phương đẩy nhanh quá trình cải cách môi trường kinh doanh.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động tiêu cực trên diện rộng, các chỉ số đặc biệt thấp ở những tiêu chí mà việc cải cách không phụ thuộc nhiều vào kinh tế hay điều kiện môi trường cho thấy doanh nghiệp ở TP.HCM gặp khó khăn chồng chất.

Thành phố nên tiếp tục duy trì những buổi gặp gỡ đối thoại với doanh nghiệp trong và ngoài nước hằng quý hoặc định kỳ nửa năm để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, như hội nghị sơ kết của Tổ công tác đầu tư hồi tháng 3 vừa qua.

Ngoài ra, đối với những mảng dịch vụ chưa làm hài lòng "khách hàng" doanh nghiệp, việc bổ sung tính năng phản hồi và góp ý trên nền tảng ứng dụng hoặc trên website cũng là một cách chủ động thu thập kết quả. Từ đó sẽ đánh giá được bộ phận nào tốt hoặc chưa tốt. Thường xuyên nắm bắt các xu hướng mới và nhu cầu thay đổi đòi hỏi môi trường kinh doanh cần cải thiện phù hợp xu hướng phát triển chung.

Việc doanh nghiệp "chấm điểm" môi trường kinh doanh, thông qua các chỉ số PCI 2020, rất đáng được chính quyền TP.HCM chú ý và sớm có biện pháp cải thiện.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích