Khó phát hiện thất nghiệp ảo

Thứ năm, 24/05/2012, 10:19
Theo số liệu tổng kết của BHXH Việt Nam, sau 3 năm thực hiện, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) liên tục tăng nhanh qua các năm. Năm 2009 chỉ có 5,993 triệu người thì đến năm 2010 đã có 7,206 triệu người, năm 2011 là 7,931 triệu người. Đáng nói, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2012, số người tham gia BHTN đã gần bằng tổng số tham gia đóng BHTN trong cả năm 2011 (đạt 7,9 triệu người).
 

 
Tỷ lệ thụ hưởng Bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian vừa qua tăng đột biến


Tuy nhiên, bên cạnh những con số khởi sắc này, dư luận xã hội và các chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm cũng không khỏi lo lắng vì tỷ lệ thụ hưởng BHTN trong thời gian vừa qua tăng nhanh, đột biến. Nếu năm 2011 chỉ có 295.416 nộp hồ sơ BHTN thì chỉ trong 4 tháng đầu năm 2012, con số này đã là 135.407 người.

Quỹ BHTN vẫn an toàn

Tại hội nghị Tổng kết 3 năm thực hiện BHTN tổ chức tại Hà Nội ngày 23-5, Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Trưởng phòng BHTN Hà Nội cho biết: Tính từ đầu năm 2012 đến hết tháng 4-2012 đã có 7.324 người lao động đến đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp và 6.894 người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2011 (cả năm 2011 có trên 16.000 người).

Tình hình tương tự cũng diễn ra tại TP Hồ Chí Minh với trên 36.000 người đăng ký thất nghiệp trong quý I-2012. Đáng lo ngại chỉ mới nửa đầu tháng 4, số người đăng ký thất nghiệp đã bằng số đăng ký cả tháng 3-2012. Khoảng 90% số đó là lao động có mức lương thấp làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp nhỏ lẻ.

Tại Thanh Hoá, nơi có gần 2 triệu người trong độ tuổi lao động, tình hình lao động thất nghiệp, đăng ký hưởng trợ cấp BHTN cũng diễn biến phức tạp. Chỉ trong 4 tháng đầu năm tỉnh đã giải quyết thủ tục trợ cấp BHTN cho 424 lao động (tăng 80% so với cùng kỳ năm trước).

Mặc dù số người đến đăng ký và được hưởng trợ cấp thất nghiệp có xu hướng tăng mạnh nhưng ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTB & XH) khẳng định, hiện nay số dư của quỹ BHTN là 14.638 ngàn tỷ đồng. Với số dư này không có chuyện quỹ BHTN đứng trước nguy cơ vỡ như một số báo đã nêu.

"Năm 2010 số người tham gia BHTN tăng 17% so với năm 2009, năm 2011 số người đóng BHTN tăng 7,8%. Mặc dù thời gian gần đây số người hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng nhưng so với số người tham gia tỷ lệ rất thấp, năm 2010 tỷ lệ là 2,17%, năm 2011 tỷ lệ là 3,67%. Bên cạnh đó, chi phí quản lý BHTN cũng thấp. Như vậy, không thể có chuyện vỡ quỹ BHTN”.

Liên quan tới vấn đề "Đại gia” ùn ùn đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp và được hưởng mức trợ cấp BHTN lên tới 16 triệu/1 tháng, ông Nguyễn Đại Đồng Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) khẳng định, không có chuyện doanh nghiệp bắt tay cùng người lao động chuộc lợi từ quỹ BHTN.

Theo ông Đồng, số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp ở mức tối đa không cao. Điển hình như Bình Dương số người hưởng mức trợ cấp tối đa chỉ chiếm 1,01%; Bà Rịa – Vũng Tàu 1,1155%.

Tại Hà Nội theo thống kê của phòng BHTN – Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cho thấy, trong tháng 4, có khoảng 2% số người lao động mất việc làm được hưởng trợ cấp ở mức trên 9 triệu đồng/tháng. Nếu tính mức trợ cấp từ 5 triệu đến 9 triệu đồng/tháng thì có tới 6% người lao động mất việc đang được hưởng mức trợ cấp này!
 

 
Người lao động chỉ quan tâm đến tiền trợ cấp thất nghiệp mà ít chú ý đến
chế độ tư vấn học nghề


Sửa Luật cho phù hợp thực tiễn

Đại diện Sở LĐTB & XH TP. Hồ Chí Minh bức xúc: Việc xác định người lao động chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 81 của Luật BHXH về BHTN là một khó khăn rất lớn đối với Trung tâm giới thiệu việc làm.

Việc xác định này hiện nay chủ yếu dựa vào sự trung thực của người lao động, vì vậy tính đến thời điểm hiện nay TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện hơn 200 trường hợp có việc làm nhưng vẫn hưởng BHTN.

Ngoài ra, đại diện Sở LĐTB &XH TP Hồ Chí Minh cũng chỉ ra thực trạng, người lao động chỉ quan tâm đến tiền trợ cấp thất nghiệp còn chế độ tư vấn học nghề không mấy mặn mà. Điển hình như trong năm 2011 có tới 89.950 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng chỉ có 32 người đề nghị học nghề.

Ông Vũ Trung Chính, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cho rằng, quy định của Luật BHXH, cũng như Nghị định về BHTN còn thiếu chặt chẽ tao điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động thông đồng lách luật để trục lợi BHTN.

Điển hình tại Nghị định 127/2008/NĐ – CP không có điều nào quy định: "người lao động sau khi thôi việc, mất việc nếu được doanh nghiệp đã sử dụng lao động trước đó tái tuyển dụng trở lại thì phải hoàn trả lại tiền trợ cấp thất nghiệp đã nhận cho quỹ BHTN”.

Do vậy, đã phát sinh một số trường hợp doanh nghiệp thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ để người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, sau khi được hưởng trợ cấp thất nghiệp 1 hoặc 2 tháng doanh nghiệp lại tái tuyển dụng người lao động trở lại làm việc.

Từ những vướng mắc trên đa số các đại biểu đều kiến nghị cần phải sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật BHXH về BHTN cho phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó cần quy định mức hỗ trợ học nghề cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp với mức cao hơn nhằm khuyến khích người lao động tham gia học nghề.


Theo Daiđoanket

Các tin cũ hơn