Vụ Vinalines: World Bank thêm lo ngại về các “Vinashin khác”

Thứ năm, 24/05/2012, 09:22
“Chúng ta ngày càng có thêm bằng chứng để nói rằng, vẫn còn những Vinashin khác, cần có phương thức đáng tin cậy để xem xét các vấn đề của các doanh nghiệp Nhà nước”, bà Victoria Kwakwa, giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhấn mạnh tại buổi công bố báo cáo Cập nhật kinh tế Đông Á – Thái Bình Dương sáng 23.5 tại Hà Nội.
Khi được hỏi về việc mới đây cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án “cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng” và đã bắt giam một số bị can tại tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), bà Kwakwa nói, tôi không có thông tin chi tiết về vụ việc mà chủ yếu biết qua báo chí. Khi vụ việc Vinashin xảy ra, dư luận nói rằng vẫn còn nhiều Vinashin khác đang chờ đợi, và giờ chúng ta có thêm bằng chứng.

Đây là một vấn đề nổi cộm trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Vấn đề thực sự ở đây là cần có thêm hành động tái cơ cấu DNNN để giải quyết các rủi ro đối với khu vực tài chính và toàn bộ nền kinh tế. Đồng thời đảm bảo là Chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ hơn tăng trưởng ở khu vực tư nhân.

 
Đáng chú ý, báo cáo của WB dịp này còn nhấn mạnh, tuy Việt Nam vẫn thuộc nhóm nguy cơ thấp trước tình hình nợ nước ngoài, nhưng sự không chắc chắn lớn nhất đối với bền vững nợ xuất phát từ các doanh nghiệp nhà nước. Các khoản nợ của các doanh nghiệp này không được liệt kê trong các con số thống kê của nợ Chính phủ hay nợ được Chính phủ bảo lãnh.

Không có một ước tính đáng tin cậy nào về những khoản nợ này. Chính điều đó làm hạn chế khả năng của Chính phủ trong quản lý các rủi ro liên quan. Theo các chuyên gia của WB, tính minh bạch và trách nhiệm công bố thông tin là rất quan trọng để xây dựng lòng tin giữa các thành viên tham gia thị trường.

 
Ông Deepak Mishra, kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam nhận định, tăng trưởng tổng thể phụ thuộc nhiều vào nửa sau của năm, Việt Nam cần có thêm nguồn lực cho nền kinh tế để đạt mức tăng trưởng 5,7% cho 2012. Về cải cách cẩu trúc dài hạn, thay đổi về mặt cơ cấu về ngân hàng, DNNN, đầu tư công sẽ là nguồn lực tốt để kích thích tăng trưởng.
 
Nhìn về trung hạn, WB đánh giá, những vấn đề chưa được giải quyết trong lĩnh vực ngân hàng có khả năng vẫn là mối quan tâm cho Việt Nam trong những năm tới. Việc thực hiện kế hoạch, các lựa chọn tái cơ cấu và những tác động có liên quan vẫn còn đang được thảo luận. Công tác chuẩn bị cho một chương trình Đánh giá khu vực tài chính vẫn đang được tiến hành.
 


Theo SGTT

Các tin cũ hơn