Khi chủ sạp khoác áo doanh nhân

Thứ năm, 24/05/2012, 09:24
Trong tình hình kinh tế hiện nay, khi nhiều doanh nghiệp, doanh nhân có nguy cơ ngưng sản xuất hoặc phá sản do khủng hoảng thì vẫn có nhiều bà bán cá, thịt, rau… ở chợ muốn vươn lên làm giám đốc, rốt ráo thành lập doanh nghiệp.


Nhiều doanh nghiệp trên đường Tô Ký đứng trước nguy cơ đóng cửa
 

Tuy nhiên, một thực tế xảy ra, ý nguyện tuy thành nhưng những vị giám đốc này vẫn không thể đưa doanh nghiệp vươn lên làm ăn hiệu quả vì vị trí kinh doanh của họ đang bị cấm kinh doanh các mặt hàng “nhạy cảm” như: cá, thịt, rau và các mặt hàng nông sản nói chung.

Nhân viên có thể là “sếp”

Hiện nay trên địa bàn thuộc quận 12, TP.HCM mọc lên hàng chục doanh nghiệp tư nhân kinh doanh các mặt hàng nông sản và thực phẩm tươi sống. Trụ sở của những doanh nghiệp là những ngôi nhà phố vốn sử dụng để ở, nay cửa luôn rộng mở đón khách đến “giao dịch” từ sáng sớm cho đến chiều tối. Các vị giám đốc ở đây ngày ngày đầu tắt mặt tối với công việc vừa làm giám đốc, đồng thời kiêm nhiệm luôn vụ nhặt rau, xẻ thịt, cân cá, thối tiền cho khách.

Bà Trịnh Thị Đức có thêm tiên chức giám đốc – chủ DN tư nhân thực phẩm Trịnh Thị Đức cho biết, do có nhu cầu mở rộng buôn bán, khoảng đầu năm 2012, bà đã làm thủ tục gửi đến Sở KH&ĐT TP xin thành lập DN.

Khoảng hai tháng sau, bà được Sở KH&ĐT TP cấp giấy chứng nhận đăng ký DN tư nhân với vốn điều lệ 50 triệu đồng, ngành nghề kinh doanh nông sản thực phẩm. Mặt hàng chính của doanh nghiệp bà Đức ngoài cung cấp cho người tiêu dùng 70kg thịt heo/ngày còn bán lẻ hàng trăm kilogam cá, tôm và rau xanh.

Tương tự, từ chủ một sạp hàng bán lẻ nông sản và thực phẩm tươi sống, chị Huỳnh Thị Nga đã “nâng cấp” mình trở thành giám đốc của DNTN thực phẩm mang tên mình.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ các tiểu thương tại đây quyết định nâng cấp mình thành giám đốc là do quận 12 có chủ trương chấn chỉnh tình trạng buôn bán tự phát, lấn chiếm lòng lề đường. Chính vì vậy, các tiểu thương đã dọn sạp vào nhà bán và đồng loạt lên Sở KH&ĐT xin cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp.

Ông nói gà, bà nói vịt

Điều lạ lùng là các doanh nghiệp này đang phải kinh doanh lén lút, làm ăn đi xuống sau khi khuếch trương sạp hàng lên thành quy mô của một doanh nghiệp. Bà Trịnh Thị Đức cho biết, có được giấy chứng nhận đăng ký DN tư nhân, bà bắt đầu làm thủ tục đưa các nhân viên đi khám sức khỏe và tập huấn kiến thức ATVSTP.

Các thủ tục cần thiết đã làm đầy đủ, tuy nhiên, đến nay Chi cục ATVSTP vẫn không cấp giấy chứng nhận để DN hoạt động. Lý do là khu vực này đã bị quận cấm buôn bán nông sản thực phẩm nên không thể cấp được.

Đồng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thanh Thủy giám đốc – chủ DN tư nhân thực phẩm Nguyễn Thanh Thủy cùng nhiều doanh nghiệp tư nhân khác cũng đang rơi vào tình cảnh đóng cửa ngồi đợi giấy phép, không dám mở cửa kinh doanh vì nỗi ám ảnh 15 triệu đồng tiền phạt vì không có giấy chứng nhận ATVSTP của bà Thủy vẫn còn đó.

Được biết, quận 12 đang yêu cầu các DN tự giải thể bằng cách ký vào mẫu cam kết không buôn bán nông sản thực phẩm tại địa chỉ như trong giấy phép đăng ký thành lập doanh nghiệp được cấp. Đồng thời yêu cầu các DN muốn buôn bán thì chuyển đến khu vực đường ĐHT 17.

Trước yêu cầu của chính quyền, các doanh nghiệp này đứng trước việc phải lựa chọn hoặc là kinh doanh tại chỗ với mặt hàng áo quần, dày dép, mỹ phẩm hoặc chuyển sang đường ĐHT 17 thuê mặt bằng tiếp tục kinh doanh nông sản, thực phẩm. 

Một giám đốc doanh nghiệp tại đây bày tỏ, các tiểu thương tại đây đã có 20 năm kinh doanh nông sản, thực phẩm nên không thể đùng một cái chuyển sang bán áo quần. Hơn nữa, không ai muốn chuyển đi vì phải tốn thêm tiền thuê mặt bằng trong khi “trụ sở” của mình lại ép đóng cửa.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hữu Hòa – phó giám đốc Sở KH&ĐT TP cho rằng những doanh nghiệp này đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp thì sở cấp phép, còn việc có giấy phép mà vẫn bị quận cấm hoạt động thì giữa các cơ quan chức năng sẽ ngồi lại để tìm hướng tháo gỡ nhằm đảm bảo quyền lợi cho họ. 

Còn bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – phó chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP giải thích nguyên nhân không cấp giấy chứng nhận ATVSTP cho các DN là do giữa tháng 3/2012, UBND quận 12 có công văn đề nghị chi cục không cấp giấy chứng nhận ATVSTP  cho các DN vì khu vực này quận đã ban hành quy hoạch cấm kinh doanh nông sản thực phẩm.

Qua giải thích của đại diện Sở KH&ĐT và Chi cục ATVSTP thì có vẻ giữa hai cơ quan này đã không có sự phối hợp với quận 12 trong việc cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động. Việc mạnh ai nấy làm giữa cơ quan quản lý rõ ràng đã gây ra thiệt hại đáng kể cho hàng chục doanh nghiệp trên đường Tô Ký. Thiết nghĩ, quận 12 cần nhanh chóng có biện pháp tháo gỡ để các doanh nghiệp này sớm ổn định hoạt động kinh doanh.


Theo Nguoiduatin

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích