Chiều 23-5, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa đã ký Văn bản số 216 yêu cầu doanh nghiệp giảm giá bán xăng dầu từ 300 đồng đến 600 đồng/lít. Tuy nhiên, có doanh nghiệp cho rằng mức giảm này khá thấp và họ có thể giảm giá nhiều hơn.
“Có thể giảm đến 1.000 đồng/lít”
Theo tính toán của Cục Quản lý giá, với giá bán chưa điều chỉnh thì tính đến ngày 23-5, doanh nghiệp đầu mối đang có lãi 904 đồng/lít xăng, lãi 567 đồng/lít dầu diesel và các mặt hàng dầu hỏa, ma-dút đều có lãi 624 đồng/lít và 620 đồng/kg. Vì vậy, Cục Quản lý giá quyết định giảm giá như đã nói ở trên, đồng thời khôi phục lại thuế nhập khẩu thêm từ 1% - 2%.
Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại TPHCM cho biết: Mười ngày gần đây, giá xăng dầu thành phẩm thế giới đã giảm khá sâu, giá bán lẻ trong nước có thể giảm mạnh hơn hoặc nếu chọn phương án giảm giá nhẹ thì có thể khôi phục lại thuế nhập khẩu ở mức cao hơn.
Vị này cho biết có thể giảm giá đến 1.000 đồng/lít xăng, còn theo phương án giảm 600 đồng/lít thì có thể tăng thuế nhập khẩu lên 5%-6% thay vì mức 4% như quy định của Bộ Tài chính.
Giá xăng đã giảm 600 đồng/lít từ chiều 23-5.
Đối với các doanh nghiệp ít hàng tồn kho, chỉ nhập khẩu tại thời điểm giá thế giới đã giảm trong những ngày gần đây thì mức lãi càng lớn, đồng nghĩa với việc họ có khả năng giảm giá thêm nữa.
Tăng nhiều hơn giảm
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - Giá cả, Bộ Tài chính, cho rằng trong những đợt điều chỉnh giá xăng dầu gần đây, Bộ Tài chính đã cùng lúc áp dụng cả hai giải pháp: Giảm giá và tăng thuế để đi gần hơn đến mục tiêu bảo đảm hài hòa lợi ích cả 3 bên là người tiêu dùng, Nhà nước và doanh nghiệp.
Bộ Tài chính giảm giá xăng là phù hợp vì đời sống người dân còn khó khăn, doanh nghiệp khó khăn vì chi phí đầu vào quá lớn. Với diễn biến giá xăng dầu thế giới hiện nay thì việc điều chỉnh giá xăng dầu từ đầu năm đến nay của chúng ta vẫn là tăng nhiều giảm ít.
Chỉ tính riêng trong tháng 5, giá xăng dầu đã 2 lần giảm, lần lượt 500 đồng và 600 đồng/lít xăng, giảm 300 đồng và 400 đồng/lít dầu diesel trong các ngày 9 và 23-5. Nhưng giá xăng cũng có 2 lần tăng giá mạnh, cụ thể tăng 2.100 đồng và 900 đồng/lít xăng trong các ngày 7-3 và 20-4, tổng cộng 3.000 đồng/lít. Trong đó, đợt tăng giá ngày 20-4 diễn ra trong bối cảnh giá xăng dầu thành phẩm thế giới giảm khá mạnh, nhiều nước trong khu vực đều đồng loạt giảm giá.
Vừa giảm giá vừa tăng thuế
Trả lời báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết: Theo quy định hiện hành, việc điều chỉnh giá xăng thì phải xét chu trình 30 ngày nhưng thực chất so với lần điều chỉnh gần đây mới có 10 ngày. Điều hành giá xăng hiện theo Nghị định 84, quy trình tăng hoặc giảm ít nhất 10 ngày.
Tăng giá thì phải tính giá cơ sở so với giá bán phải 30 ngày chứ không phải 30 ngày mới được điều chỉnh. Từ lần giảm giá trước là ngày 9-5 thì đến nay đã 15 ngày, quá hạn 10 ngày theo quy định. Doanh nghiệp xăng dầu một mặt cung cấp hàng cho người tiêu dùng, mặt khác phải bảo đảm dự trữ lưu thông cho quốc gia, theo quy định là 30 ngày. Vì vậy, những ngày tới, giá xăng có khả năng giảm tiếp.
Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, Bộ Tài chính tính toán kỹ ngày 23-5 và 23 ngày trở về trước trong chu kỳ 30 ngày, chênh lệch giá tổng số hơn 900 đồng/lít. Liên bộ đã bàn và báo cáo Thủ tướng là với mặt hàng xăng A92 tăng 2% giá nhập khẩu (tức là hơn 300 đồng), 600 đồng còn lại dành để giảm giá, chia làm 3 phần, 2/3 giảm cho sản xuất tiêu dùng, còn 1/3 để tăng thuế.
Chênh lệch diesel thấp hơn, chỉ hơn 600 đồng/lít nên quyết định chỉ tăng thuế 1% vì mặt hàng này còn liên liên quan đến sản xuất vì nhiều doanh nghiệp sản xuất, nhất là bà con ngư dân và Nhà nước chia sẻ nhiều hơn (nâng thuế từ 2% - 3%) và giảm 400 đồng/lít. Dầu hỏa và dầu ma-dút điều chỉnh lên 2% thuế và giảm giá 200 đồng/lít.