Theo chỉ đạo của Chính phủ, chậm nhất đến cuối quý 1/2012, tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải hoàn tất đề án tái cấu trúc doanh nghiệp và gửi cho Chính phủ. Tuy nhiên, cho đến nay số lượng thực tế thì không như mong đợi.
Đến cuối quý 2/2012, mới chỉ có 7/42 tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm xong đề án tái cấu trúc doanh nghiệp, đạt gần 20% số lượng tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đã quá thời hạn quy định nhưng đề án tái cấu trúc doanh nghiệp của hơn 80% tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn là… con số không.
Ảnh minh họa
Hệ thống tập đoàn, tổng công ty nhà nước trở thành "đứa con cưng” với những hưởng lợi mang tính xin – cho từ nguồn vốn, đất đai, cơ chế chính sách… Được ưu đãi đặc biệt nhưng hiệu quả thấp, thậm chí thua lỗ, gây thất thoát lớn. Đã đến lúc không thể không tái cấu trúc tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Tái cơ cấu nền kinh tế cũng như tái cấu trúc doanh nghiệp đang là nhiệm vụ nóng bỏng cần làm ngay của các cấp, các ngành cũng như của từng doanh nghiệp. Tại nhiều diễn đàn (kể cả hội nghị BCH Trung ương Đảng, kỳ họp của Quốc hội, hội thảo khoa học…) đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ cực kỳ quan trọng này.
Phải "thay máu và lột xác” cho cả hệ thống tập đoàn và tổng công ty nhà nước. Nhiệm vụ cực kì quan trọng, phải thực hiện khẩn trương, thế nhưng số đông tập đoàn và tổng công ty nhà nước vẫn cứ "đủng đỉnh” mặc dù đã có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.
Không tỏ thái độ chống đối nhưng số đông tập đoàn, tổng công ty nhà nước tìm cách "hoãn binh” theo kiểu "dây dưa, câu giờ”. Việc làm này là có dụng ý, cố tình níu giữ cung cách làm ăn như hiện thời nhằm mục đích khai thác "bầu sữa” độc quyền và bao cấp từ phía Nhà nước.
Thực hiện đề án tái cấu trúc doanh nghiệp buộc phải "đưa lên bàn cân” mọi vấn đề. Trong khi đó, suốt thời gian dài vừa qua, nhiều tập đoàn và tổng công ty nhà nước tìm cách bưng bít sự thật về nợ nần và thua lỗ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cố tình dây dưa thực hiện tái cấu trúc các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước.
Quá trình thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp gặp không ít khó khăn có nguyên nhân từ khách quan và chủ quan. Dây dưa xây dựng đề án tái cấu trúc doanh nghiệp tại phần lớn các tập đoàn và tổng công ty nhà nước (sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ) hoàn toàn do chủ quan gây ra.
Đó là sự trì hoãn mang tính cố ý, vì toan tính cực bộ và lợi ích nhóm. Kỉ cương phép nước không thể chấp nhận việc làm tùy tiện như vậy. Nếu cho qua việc đó thì khác nào Chính phủ tiếp tục cưng chiều hành vi "trên bảo dưới không nghe” của một số tập đoàn và tổng công ty nhà nước đã từng gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong thời gian vừa qua.