Cả nước có hơn 6.000 cửa hàng bán lẻ với hơn 80 công ty kinh doanh gas. Và số lượng các cửa hàng, công ty đang tỷ lệ thuận với mức độ phong phú của giá bán mặt hàng này trên thị trường.
Theo khảo sát, một bình gas 12kg nhãn hiệu Petrolimex tại cửa hàng gas Trung Anh (phố Hoàng Ngân, Hà Nội) bán với giá 360.000 đồng, trong khi cũng sản phẩm đó bán tại cửa hàng gas 126 (Mỹ Đình, Hà Nội ) chỉ 350.000 đồng.
Giá gas bán lẻ hiện nay được đánh giá là “loạn”.
Đó là cùng một thương hiệu, còn nếu khác thương hiệu thì mức chênh lệch lại càng lớn. Chẳng hạn với bình 12kg của Saigon Petro có mức giá 360.000 đồng/bình, của Saigon gas lại chỉ 340.000 đồng/bình, của Total gas 360.000 đồng/bình nhưng Elf gas chỉ 355.000 đồng/bình, trong khi đó Shell gas lại tới 370.000 đồng/bình… Mức chênh lệch giữa giá gas bán lẻ của các hãng dao động từ 5.000 - 30.000 đồng/bình.
Lý giải câu chuyện giá gas chênh lệch giữa các hãng, giữa các đại lý, chị Như Mai - chủ đại lý kinh doanh gas Mỹ Đình cho biết: Do cửa hàng phải trả các chi phí khác như thuê cửa hàng, nhân viên, điện nước, chi phí vận chuyển… Song đó chưa phải là câu trả lời hợp lý. Thực tế, giá bán gas tới tay người tiêu dùng hầu như chưa được quản lý là nguyên nhân của việc giá gas mỗi nơi mỗi giá.
Đại diện Hiệp hội Gas phía Bắc thừa nhận: Hiện nay, sở tài chính chỉ quản lý được giá do các công ty công bố. Còn việc quản lý giá bán lẻ có đúng với giá niêm yết hay không tại các hệ thống đại lý dường như rất khó. Ví dụ hãng gas Petrolimex ở thị trường miền Bắc có hàng trăm đại lý, nên rất khó để kiểm tra hết.
Thêm nữa, phần lớn chính các công ty kinh doanh gas đều không có điểm bán lẻ hàng phân phối trực tiếp mà thông qua tổng đại lý rồi đại lý. Quá trình mua đứt bán đoán đẩy cho giá gas tăng cao và loạn. Mức chiết khấu cho đại lý bán lẻ quá cao là một trong các yếu tố đẩy giá gas lên cao. Được biết, hiện mức chiết khấu hoa hồng cho các đại lý gas từ 50.000 - 55.000đ/bình 12kg.