Những thương vụ bán tàu của Vinalines

Thứ hai, 18/06/2012, 07:59
Kết luận của Thanh tra Chính phủ về tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) có đoạn: việc bán ba tàu VNL Saphire, VNL Dynamic và Phú Tân chưa được chuẩn bị kỹ, xử lý tình huống chưa tốt, dẫn đến phát sinh khiếu nại, gây dư luận không tốt.
Thực tế, việc bán ba con tàu này hiện vẫn là một mối ngờ vực lớn, đặc biệt với câu hỏi: Nhà nước có thiệt hại qua việc bán ba con tàu này?
 
 
Nhà nước có thiệt hại qua việc Vinalines bán tàu?


Chênh lệch trả giá 31 tỉ đồng
 
Với lý do người có hồ sơ hợp pháp trả giá cao nhất (112 tỉ đồng so với giá chào bán 108 tỉ đồng), Vinalines đã bán ba con tàu trên cho công ty cổ phần thương mại, đầu tư An Lộc Thành – gọi tắt là công ty An Lộc Thành (Hải Phòng). Tuy nhiên, việc bán này là trái với quy định tại hồ sơ chào giá do chính Vinalines công bố.
 
Cụ thể, theo hồ sơ chào giá ngày 11.10.2010, thì hồ sơ của người dự thầu chỉ được coi là hợp lệ khi có: “Báo cáo năng lực tài chính của đơn vị chào giá trong các năm 2007, 2008 và 2009”. Nhưng đăng ký kinh doanh của công ty An Lộc Thành được cấp lần đầu vào tháng... 11.2007. Điều này có nghĩa công ty này không thể có báo cáo tài chính của năm 2007, và không đủ điều kiện để dự thầu, chứ chưa bàn tới việc xem xét mức giá trả.
 
Mặt khác, công ty An Lộc Thành cũng không phải là nhà thầu có mức giá trả cao nhất để mua ba con tàu. Bởi trả giá cao nhất là công ty cổ phần Duy Linh (Hải Phòng) với mức chào giá mua là 143 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi họp nội bộ với Vinalines, công ty Duy Linh đã đồng ý rút khỏi cuộc trả giá với lý do: hồ sơ dự thầu không đủ điều kiện. Đáng chú ý, giá bán tàu của Vinalines cho công ty An Lộc Thành thấp hơn giá chào của công ty Duy Linh tới... 31 tỉ đồng. Trong khi đó, như trên đã đề cập, công ty An Lộc Thành không đủ điều kiện tham dự thầu.
 
Chưa hết, theo đăng ký kinh doanh, công ty An Lộc Thành có ba cổ đông sáng lập, trong đó có ông Lâm Văn Hoà (địa chỉ tại số 2 đường Hùng Vương, phường Sở Dầu, Hải Phòng). Ông Hoà là ông chủ của công ty Duy Linh, công ty này cũng có trụ sở tại nhà ông Hoà. Do đó, những nhà thầu đã đặt câu hỏi: có hay không việc thông thầu trong bán giải bản ba con tàu của Vinalines?

 
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn 2007 – 2010, Vinalines đã bán 55 tàu biển, và mua vào 73 tàu biển khác; Vinalines đã không hoàn thành nhiệm vụ tăng thị phần vận tải biển của doanh nghiệp Việt Nam, mà chỉ chăm chú vào việc cho thuê tàu, mua và bán tàu.
Thiệt hại là bao nhiêu?
 
Chuyện mua bán ba con tàu giữa Vinalines và công ty An Lộc Thành chưa hết ly kỳ sau khi hợp đồng được ký kết. Việc thực hiện hợp đồng trị giá 112 tỉ đồng cho ba con tàu này đã giảm giá trị, do xảy ra vụ đắm tàu Phú Tân trong chuyến đi biển cuối cùng, trước khi bàn giao để phá làm sắt vụn. Đương nhiên, tổng trị giá hợp đồng mua bán tàu sẽ phải giảm khi tàu Phú Tân không còn.
 
Tới tháng 5.2011, công ty An Lộc Thành nhận tàu đầu tiên trong số hai con tàu còn lại (VNL Saphire, VNL Dynamic). Để mua tàu, công ty này đã vay tiền của VietinBank Lê Chân (Hải Phòng) với tài sản thế chấp chính là hai con tàu trên. Trị giá khoản vay thế chấp bằng tàu của công ty An Lộc Thành từ tháng 5.2011 là 50 tỉ đồng, cho đến tháng 5.2012 vẫn còn dư nợ 15,2 tỉ đồng.
 
Và với sự chấp thuận của VietinBank Lê Chân, công ty An Lộc Thành đã bán một tàu cho công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Việt Hùng (Hải Phòng). Công ty Việt Hùng đã vay thêm gần 20 tỉ đồng từ chính VietinBank Lê Chân để trả tiền mua tàu chênh lệch cho công ty An Lộc Thành. Đến tháng 1.2012, cơ bản công ty Việt Hùng đã trả xong món nợ này.
 
Trong giai đoạn 2010 – 2011 và tại thời điểm tháng 5.2011, giá sắt vụn vào khoảng 9.000 – 9.500 đồng/kg. Theo đăng ký tàu biển, thì tổng trọng lượng rỗng của hai tàu VNL Saphire, VNL Dynamic vào khoảng 16.000 tấn. Như vậy, trị giá sắt vụn chỉ của hai con tàu này đã tương đương 144 – 150 tỉ đồng. Nếu cộng cả trọng lượng của con tàu Phú Tân (đã chìm), thì trị giá sắt vụn của cả ba con tàu phải là trên dưới 200 tỉ đồng.
 
Trong khi đó, cả ba con tàu ấy của Vinalines lại chỉ được bán với tổng giá trị... 112 tỉ đồng, chênh với giá sắt vụn thực tế cùng thời điểm gần 90 tỉ đồng. Điều đó cho thấy, nghi vấn Nhà nước thiệt hại hàng chục tỉ đồng qua thương vụ bán giải bản ba con tàu của Vinalines là có cơ sở. Vậy thì ai là người tại Vinalines được lợi khi bán tàu với giá rẻ thế này?
 
Theo SGTT

Các tin cũ hơn