Cạnh tranh truyền hình trả tiền: Sóng ngầm âm ỉ

Chủ nhật, 17/06/2012, 07:16
Cả nước hiện có hơn 40 đơn vị truyền hình trả tiền (THTT), nhưng những đơn vị THTT hoạt động thật sự hiệu quả và được biết đến chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế nhưng hiện nay, vẫn có hơn 10 đơn vị khác đang nhăm nhe nhảy vào lĩnh vực kinh doanh THTT.
 
“Miếng bánh” hấp dẫn
 
Hơn 10 năm qua, khán giả màn ảnh nhỏ đã quen với khái niệm THTT và loại hình này cũng bắt đầu được ưa chuộng vì những đặc tính và giá trị tối ưu của nó.

Lắp đặt một mạng THTT trong nhà, khán giả có thể xem được cùng lúc vài chục kênh của hầu hết các đài truyền hình trong nước và nước ngoài; nhiều chương trình bóng đá quốc tế đỉnh cao; nhiều bộ phim cùng những chương trình nghệ thuật nước ngoài đặc sắc và với công nghệ truyền dẫn tiên tiến, hình ảnh, âm thanh trên mạng THTT ngày càng tốt hơn. Chính vì thế, ngay khi ra đời, THTT được xem như làn gió mới làm thay đổi khẩu vị nghèo nàn, khô cứng của truyền hình quảng bá.
 
“Chiếc bánh” THTT còn tiếp tục chia nhỏ trong thời gian tới.


Theo thống kê mới đây của Bộ TT-TT, THTT tại Việt Nam có khoảng 2,5 triệu thuê bao trong số hơn 80 triệu dân trên cả nước. Điều đó cho thấy, thị trường THTT vẫn còn tiềm năng rất lớn và đó chính là lý do để nhiều doanh nghiệp quyết nhảy vào.

Nếu sự xuất hiện của AVG (doanh nghiệp tư nhân kinh doanh truyền hình) vào cuối năm 2011 gây chú ý với số vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng thì việc Viettel tham gia dịch vụ THTT vào giữa năm 2012 mới thật sự là đối thủ đáng gờm. Thế mạnh của một đơn vị viễn thông với hạ tầng cơ sở có sẵn, sóng mạnh, lại phủ sóng hầu hết vùng sâu, vùng xa và luôn có những dịch vụ khuyến mãi hấp dẫn có thể khiến không ít đơn vị THTT phải “hụt hơi” trong thời gian tới. Ngoài ra, vẫn còn hơn 10 doanh nghiệp khác đang làm thủ tục xin phép đầu tư kinh doanh THTT.

Tuy nhiên, “miếng bánh” THTT có hấp dẫn nhưng trụ và tạo được uy tín, thương hiệu không phải chuyện dễ dàng.

 
 
Sóng ngầm
 
Xét về tổng thể, thị trường THTT hiện nay khá phong phú về các phương thức truyền dẫn phát sóng – hệ thống truyền hình cáp có SCTV, VCTV, HTVC; truyền hình kỹ thuật số mặt đất có VTC, AVG; truyền hình internet (IPTV) là VNPT, FPT, Viettel; truyền hình vệ tinh (DTH): VTC, K+, AVG…

Như vậy, có thể thấy, từng ấy phương thức truyền dẫn phát sóng đã có thể đáp ứng được nhu cầu của người xem từ thành thị, đến nông thôn; vùng sâu, vùng xa; thậm chí cả miền núi, biên giới hải đảo và bà con kiều bào ở nước ngoài. Vì thế, việc thêm vài đơn vị THTT nữa ra đời, liệu có hiệu quả và cần thiết hay chỉ càng làm cho lĩnh vực này thêm hỗn loạn?

 
 

Các chương trình trên các mạng THTT hiện nay nhìn chung rất ít bản sắc riêng, các kênh - cả trong nước lẫn nước ngoài - thường trùng lắp. Khán giả lắp đặt mạng truyền hình nào cũng xem được vài chục kênh chủ đạo, trong nước có VTV, HTV, Truyền hình Hà Nội, Vĩnh Long, Đà Nẵng; kênh nước ngoài có HBO, CineMax, Star Movie, Star Sport, Discovery, Disney…

Nhưng để tìm được cá tính cùng sự ưu việt của từng mạng THTT là rất khó khăn. Đội ngũ làm nghề tại Việt Nam hiện không nhiều, nhân lực chủ chốt hiểu và làm được nghề cũng chỉ có từng ấy nên xảy ra tình trạng tranh giành, lôi kéo nguồn nhân lực từ những đài lớn. Không có nhiều người giỏi nghề, đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng các chương trình phát sóng.

 
Bề nổi của THTT hiện nay tưởng đang bão hòa (vì nhiều nhà mạng nhưng hầu hết đều trùng lắp chương trình, nên khách hàng thường sẽ chỉ chọn lắp đặt một mạng THTT), nhưng thực chất sóng ngầm vẫn âm ỉ chỉ chờ dịp bung ra. Số lượng các đơn vị xin kinh doanh THTT ngày càng nhiều là minh chứng cho cơn sóng ngầm ấy.

Chính vì thế, việc quy hoạch mạng lưới THTT và áp dụng quy định về quy chế quản lý hoạt động THTT (số 20/211/QĐ-TTg có hiệu lực từ 15-5-2011) đang được cơ quan quản lý thực hiện triệt để. Việc cạnh tranh không lành mạnh; có quá nhiều kênh truyền hình nước ngoài; tình trạng tranh chấp… đã luôn là những vấn đề nóng bỏng, căng thẳng của THTT hiện nay.

Theo SGGP

Các tin cũ hơn