Petro VN quên nộp ngân sách: Quá ưu ái cho “ông lớn”

Chủ nhật, 17/06/2012, 10:05
Trao đổi với PV về việc Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) quên nộp ngân sách 21.678 tỉ đồng, các chuyên gia cho rằng PVN cần phải thực hiện theo đúng Luật ngân sách nhà nước và nghị quyết Quốc hội.
PVN có đội ngũ cán bộ kế toán hùng hậu nhưng lại để “quên” một số tiền lớn là điều khó chấp nhận

Ông Nguyễn Minh Tân, phó vụ trưởng Vụ Tài chính - ngân sách (Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội), hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Bộ Tài chính về việc đề nghị PVN phải nộp 21.678 tỉ đồng vào ngân sách. Có như vậy mới đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước và nghị quyết của Quốc hội về phân bổ dự toán ngân sách hằng năm. Đây là khoản tiền không nhỏ, song dù chỉ là một đồng ngân sách nhà nước thì cũng phải thực hiện theo đúng quy định. Luật ngân sách nhà nước quy định mọi hoạt động chi tiêu từ ngân sách phải công khai minh bạch và phải được Quốc hội giám sát chặt chẽ.
 
“Tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay, cần phải xem xét lại các nghị định dành cho các tập đoàn này. Riêng trường hợp của PVN, dầu khí không phải của PVN mà tài sản này là của Nhà nước, của người dân nên cần phải được kiểm tra giám sát một cách chặt chẽ. Quan điểm nhìn nhận phải dựa vào hiệu quả kinh tế - xã hội khi sử dụng nguồn lực của dân tộc, của mọi người dân để làm sao cho nó hiệu quả hơn” - ông Nguyễn Mại, nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư.
Ông Tân nhấn mạnh theo quy định hiện hành, ngoài 50% được giữ lại thì số tiền còn lại PVN phải nộp vào ngân sách. Nếu có nhu cầu sử dụng vốn để đầu tư cho PVN thì Chính phủ trình và được Quốc hội chấp thuận bằng nghị quyết.
 
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Mại, nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư, cho rằng cơ chế cho phép PVN được sử dụng 50% tiền lãi thu được từ hoạt động dầu khí là Chính phủ đang quá ưu ái cho PVN. Nhưng qua đây để thấy rõ việc ba năm liền từ 2009-2011, 21.678 tỉ đồng mà PVN chưa nộp vào ngân sách là không thể chấp nhận được. Bộ Tài chính cần kiên quyết yêu cầu ông lớn này phải nộp theo đúng quy định.
 
Ông Nguyễn Mại cũng cho rằng cần thay đổi quan niệm về doanh nghiệp nhà nước nói chung và tổng công ty, tập đoàn nói riêng khi các đơn vị này hoạt động dưới vai là một doanh nghiệp vì lợi nhuận. Đơn giản là các thành phần kinh tế phải bình đẳng với nhau theo đúng nghĩa của nó. Thực tế, điều đáng suy nghĩ là cơ chế cho các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, không rõ ràng.
 
Cụ thể, theo ông Nguyễn Mại, các nghị định của Chính phủ ban hành cho mỗi tập đoàn thấy rõ việc quá ưu ái cho tập đoàn. Bởi lẽ từ hàng chục năm trước đây, câu chuyện về lãi của PVN, trong đó chủ yếu là lãi từ liên doanh dầu khí của Việt Nam và Liên bang Nga (Vietsovpetro) là rất lớn. Không những được giữ lại phần lãi từ liên doanh dầu khí Vietsovpetro mà ban đầu PVN còn được Nhà nước cho giữ lại cả khấu hao cơ bản mà thông thường các doanh nghiệp khác phải sử dụng để tái đầu tư. Ưu ái này ban đầu có vẻ hợp lý vì nếu một tập đoàn muốn mạnh thì phải được hỗ trợ triệt để, nhất là vốn.

Để xây dựng một tập đoàn dầu khí đủ sức khai thác không chỉ liên kết với các nhà thầu nước ngoài, mà thậm chí tự mình có thể khai thác được, rõ ràng chủ trương này ban đầu là hoàn toàn hợp lý. Nhưng đến nay tập đoàn này mạnh rồi thì cần được điều chỉnh phần lãi hằng năm một cách hợp lý, chứ không thể cho giữ 50% tiền lãi nước chủ nhà được hưởng từ liên doanh dầu khí Vietsovpetro như hiện nay.

Theo Tuổi Trẻ

Các tin cũ hơn