Vụ "quên" nộp ngân sách nhà nước: PVN và Bộ Tài chính nói gì?

Thứ bảy, 16/06/2012, 16:20
Ngày 15.6, một đại diện của PVN đã xác nhận "không có sự khác biệt trong nhận thức giữa Bộ Tài chính và PVN trong việc xác định số tiền hơn 19.000 tỉ đồng bị cho là PVN đã “quên” không nộp vào ngân sách nhà nước". Tuy nhiên, đến sáng hôm nay (16.6), báo chí lại đưa tin Bộ Tài chính vừa có văn bản lần 2 gửi PVN, trong đó xác định số tiền mà PVN phải nộp ngân sách nhà nước đã tăng lên tới 21.678 tỉ đồng.
Chiều 15.6, trả lời báo chí, một nguồn tin của Bộ Tài chính cũng cho biết, không có việc PVN chậm nộp ngân sách đối với khoản tiền trên. 
 
Theo lý giải của PVN thì Nghị định 142/NĐ-CP hiện hành, Điều 18 quy định: Cho phép để lại cho PVN tiền lãi dầu khí là 50% thực tế phát sinh, nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN) 50%.

 
 
PVN đang mắc nợ một khoản tiền thuế khá lớn
 
Thực tế, khi thực hiện kế hoạch NSNN hằng năm, dự toán NSNN về lãi dầu khí được xây dựng theo kế hoạch sản lượng khai thác, giá dầu kế hoạch và tỉ giá dự kiến. Căn cứ trên kế hoạch này, cơ quan nhà nước phê duyệt cho PVN dự toán chi NSNN từ lãi dầu để lại là một số cụ thể. 
 
Chẳng hạn, năm 2010, Quốc hội ra nghị quyết đồng ý đầu tư trở lại cho PVN số tiền là 3.500 tỉ đồng; trong 3 năm 2009-2011, tổng số tiền mà nghị quyết Quốc hội cho phép đầu tư trở lại PVN là 10.500 tỉ đồng.

Tuy nhiên, do thực tế những năm qua, giá dầu thế giới và tỉ giá giữa đồng VN và USD luôn biến động mạnh, khiến phát sinh khoản chênh lệch giữa tiền lãi thực thu được để lại cho PVN sử dụng và dự toán NSNN giao cho PVN.

Lấy ví dụ, năm 2008, giá dầu kế hoạch là 64USD/thùng, nhưng thực tế giá dầu ở thời điểm cao nhất lên đến trên 140USD/thùng và giá trung bình đạt 102USD/thùng).

Chính vì vậy, nếu tính tổng số tiền lãi PVN nhận được (theo giá dầu thực tế) trừ đi số tiền Quốc hội cho phép để lại PVN thì sẽ phát sinh ra một khoản chênh lệch lên tới 19.400 tỉ đồng đang được để lại PVN. 
 
Đại diện tập đoàn này cũng cho biết, đối với khoản chênh lệch này, PVN đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, đồng thời các bộ, ngành đang nghiên cứu để đưa vào quy định sửa đổi Nghị định 142 hiện hành. Còn trong khi NĐ 142 chưa sửa đổi thì việc chấp hành các quy định hiện nay về tỉ lệ nộp NSNN và giữ lại 50/50 của PVN là đúng quy định. 

Số tiền Petro VN phải nộp tăng lên 21.678 tỉ đồng

Bộ Tài chính vừa có văn bản lần hai gửi Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) về việc yêu cầu nộp tiền lãi từ hoạt động dầu khí từ liên doanh dầu khí Vietsovpetro.
 
Với lần thứ hai gửi công văn (ký ngày 14-6) tới PVN, tổng số tiền đến nay mà Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp này phải nộp lên đến 21.678 tỉ đồng.
 
Bộ Tài chính yêu cầu PVN phải nộp vào ngân sách nhà nước trước ngày 24-6. Một quan chức Bộ Tài chính cho biết nếu không nộp khoản tiền nói trên đúng thời hạn yêu cầu thì PVN có thể sẽ bị niêm phong tài khoản.
 
Theo ông Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, theo nghị quyết Quốc hội và Luật ngân sách, PVN phải nộp số tiền nói trên vào ngân sách. Đặc biệt đây là tiền lãi thu được từ hoạt động dầu khí, tức là từ bán tài nguyên của quốc gia nên không thể có cơ chế đặc thù cho PVN.
 
Bộ Tài chính cần kiên quyết yêu cầu PVN thực hiện nghĩa vụ với ngân sách, nếu không sẽ thiếu công bằng đối với các doanh nghiệp khác, hơn nữa tạo tiền lệ xấu cho các tập đoàn khác.
 
Ông Doanh cũng băn khoăn vì đây là số tiền không nhỏ, hiện được sử dụng vào mục đích gì, ai sẽ giám sát? Hiện PVN chưa nộp, cho thấy doanh nghiệp này đang cố ý làm sai quy định nghị quyết Quốc hội và Luật ngân sách dù đã nhận được văn bản yêu cầu của Bộ Tài chính.

Theo Tuổi Trẻ


Theo Lao Động

Các tin cũ hơn