Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cần Thơ, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp nêu phản ánh của cử tri về tình trạng thời hạn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 20 năm đã gần hết hạn khiến người dân không thể vay được vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất. Bộ trưởng đã chỉ đạo giải quyết thế nào?
Chất vấn tiếp theo là việc giao đất, thu hồi đất, chuyển đổi mục đích gây ra sự lãng phí đất đai (nhiều dự án dân cư đô thị, khu công nghiệp đang bỏ hoang), tham nhũng cũng xảy ra nhiều từ quyết định giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Bộ trưởng đã có tham mưu gì với Chính phủ và Chính phủ đã giải quyết thế nào để khắc phục tồn tại trên?
Phản ánh của đại biểu về tình trạng khó khăn của người dân trong đầu tư sản xuất do sắp hết thời hạn sử dụng đất nông nghiệp là “đúng thực tế”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thừa nhận.
Bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường - Nguyễn Minh Quang
Theo ông, thời gian qua do thời hạn sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân (20 năm) phần lớn là trường hợp gần hết, nên có tình trạng người sử dụng đất có tâm lý không yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, một số nơi do hiểu chưa đúng nên có hiện tượng “bán chạy” đất nông nghiệp. Có nhiều trường hợp ngân hàng không thể nhận thế chấp quyền sử dụng đất nông nghiệp cho nên việc thực hiện quyền của người sử dụng đất bị hạn chế,
Để tháo gỡ khó khăn nói trên, đầu năm 2012, Bộ đã có văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về luật đất đai theo đúng chủ trương nhất quán của Luật Đất đai qua các thời kỳ về tiếp tục giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân khi hết thời hạn và không chia lại nếu sử dụng đúng mục đích, hợp pháp, phù hợp với quy hoạch.
Đồng thời, cho phép điều chỉnh thời hạn sử dụng đất thêm 20 năm nữa trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với mục đích sử dụng nói trên.
Chính phủ cũng đã thống nhất trình Quốc hội ban hành nghị quyết về việc kéo dài thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, khi hết thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, Nhà nước không điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật Đất đai 2003. Các hộ gia đình tiếp tục có nhu cầu sử dụng không phải làm bất cứ thủ tục gì cho đến khi sửa đổi luật Đất đai 2003 và thực hiện theo luật mới.
Ở nội dung chất vấn tiếp theo, Bộ trưởng đã đưa ra rất nhiều số liệu đáng chú ý. Như các tổ chức trong nước sử dụng 9.735 nghìn ha đất, chiếm 38,95% tổng diện tích đã giao, cho thuê, trong đó diện tích đất phi nông nghiệp 1021 nghìn ha, chiếm 59,50% diện tích đất phi nông nghiệp Nhà nước đã giao cho các đối tượng sử dụng; các tổ chức, cá nhân nước ngoài được thuê sử dụng 56 nghìn ha (chỉ chiếm 0,22%), trong đó đất nông nghiệp 30 nghìn ha (53,57%), đất phi nông nghiệp 26 nghìn ha (46,43%).
Số liệu tập hợp từ 41 tỉnh, thành phố cho thấy đã thu hồi hơn 32 nghìn ha đất của các dự án đầu, trong đó 31.553ha của 1.006 tổ chức vi phạm pháp luật về đất đai (khoảng 0,3% so với diện tích đất đã giao, thuê). Một số tỉnh thu hồi nhiều đất do vi phạm pháp luật về đất đai là Bình Phước với 6.070 ha, Phú Yên 5.813ha, Đắk Nông 5791 ha, Quảng Nam 5217ha, Gia Lai 2719ha, Quảng Ninh 2245ha, Khánh Hòa 604ha, Hà Nội 594ha).
Đến tháng 12/2011, cả nước có 283 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 76 nghìn ha, phân bổ trên địa bàn 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó diện tích đất công nghiệp cho thuê là 46 nghìn ha (khoảng 61%); diện tích đất đã cho thuê có người sử dụng là 21 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 76% (43 khu đạt tỷ lệ lấp đầy 100%, 32 khu đạt tỷ lệ lấp đầy từ 90 đến dưới 100%, 15 khu đạt tỷ lệ lấp đầy trên 80 đến dưới 90%, còn lại là dưới 80%) và 90 khu công nghiệp với diện tích 24.795ha đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản.
Ngoài ra, cả nước còn có khoảng 650 cụm, điểm công nghiệp do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập với tổng diện tích gần 28 nghìn ha, chiếm 27,78% tổng diện tích đất khu công nghiệp của cả nước. Trong đó 636 cụm, điểm đang xây dựng hạ tầng và đã đi vào hoạt động, diện tích đã cho thuê trên 10 nghìn ha (chiếm 44,25% diện tích có thể cho thuê).
Qua kiểm tra, thanh tra cho thấy bất cập lớn nhất hiện nay là tình trạng chậm triển khai các dự án đầu tư, tình trạng đất đã giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng, đặc biệt là các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, Bộ trưởng trả lời.
Nhiều giải pháp đã được Bộ tiến hành để khắc phục bất cập, hạn chế được nêu tại chất vấn của đại biểu, trong đó đã thanh tra tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ đạo tỉnh khác kiểm tra, xử lý.
Kết quả kiểm tra có 5828 tổ chức vi phạm với diện tích 73.992,96ha, trong đó, có 1945 tổ chức vi phạm với tổng diện tích vi phạm là 18.048,37ha; 21 tổ chức chính trị vi phạm với diện tích 308,24ha; 521 cơ quan Nhà nước vi phạm về đất với diện tích 2.480,47ha; 10 tổ chức vi phạm về đất với diện tích vi phạm 42,63ha.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xử lý đối với 3.670 tổ chức (đạt 61,84%) với diện tích đất 14.323,20ha, trong đó đã thu hồi 12.550, 40ha, xử lý về quy hoạch, nghĩa vụ tài chính để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 1.353,99ha, thu nộp ngân sách Nhà nước 98 tỷ đồng...
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng cho biết sẽ triển khai các giải pháp như rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất tại các dự án trên phạm vi cả nước để làm rõ tình trạng dự án chậm triển khai thực hiện, để đất hoang gây bất bình trong dư luận, đặc biệt là các dự án có sử dụng đất tại 5 tỉnh, thành phố trực thuộc thuộc Trung ương Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPpHCM và Cần Thơ, (đã triển khai từ đầu năm 2012). Hiện nay Bộ đang tổng hợp báo cáo của các địa phương để báo cáo, đề xuất các giải pháp.