Ông lão tuổi thất thập: "Kiếm chục triệu/tháng ăn thua gì!"

Thứ hai, 18/06/2012, 13:55
“Nó là thú vui tuổi già mà. Đi làm thế này người khỏe ra, đầu óc tinh tấn, gặp nhiều người nói chuyện thú lắm. Làm cái nghề này, mỗi tháng kiếm chục triệu ăn thua gì”...
Qua bao thăng trầm và biến cố của lịch sử, cái tên người "Kẻ Chợ" để chỉ về Hà Nội hoặc người Hà Nội đã không còn được nhắc đến nhiều nữa. Nhưng đâu đó trong tiềm thức người Hà thành luôn hoài niệm về một Hà Nội xa xưa, nơi có những gánh hàng rong vốn được coi là hồn vía Kẻ Chợ trên phố.

Một chiều mùa hè thả bộ trên đường Chùa Láng (Hà Nội), tôi bắt gặp một ông cụ khoảng ngoài 70 tuổi ngồi bệt trên vỉa hè, mắt đeo kính lão, miệng móm mém cười duyên, đôi tay lúc nào cũng bận rộn bó hoa. Ông lần giở từng bó, tháo ra rồi lại bó vào và tỉa tót từng nhánh lá...

Lựa nhanh một bó hoa, tôi mở lời: "Mấy lần thấy ông bán loanh quanh đây, nhưng hôm nay cháu mới có dịp mua ủng hộ ông". Ông cụ xua tay: "Ôi giời, tưởng gì. Bao người mua chứ mình chị đâu. Nãy giờ tôi bán mỏi tay. Chốc nữa sinh viên tan học, chúng mua về chơi, rồi tặng bạn bè sinh nhật đông lắm"...

Nghe ông nói vậy, tôi không còn thấy áy náy nữa. Ngược lại, lòng tôi thấy vui, nghĩ bụng: "Ông già này chắc thú vị đây". Tôi dừng lại một lúc ngắm nghía ông bó hoa và trò chuyện cùng ông.

Tự nhận mình là "Kẻ Chợ trên phố", ông lão tên thật là Nguyễn Ngọc Quý, 75 tuổi, quê ở huyện Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: "Ông bán hoa mấy chục năm rồi, cứ dong ruổi trên xe đạp thế này thôi. Cũng vì tình yêu với hoa. Yêu hoa lắm. Hoa làm đẹp cho đời mà".
 
 
Ông Nguyễn Ngọc Quý: "Yêu hoa lắm. Hoa làm đẹp cho đời mà”

Cả đời lam lũ

Ông Quý sinh ra trong một gia đình ở huyện Từ Liêm, Hà Nội. Năm lên 2 tuổi, mẹ ông qua đời. Năm 14 tuổi, bố ông cũng bỏ hai anh em ông mà đi. Cuộc đời ông lam lũ từ đó.

"Sống trong cảnh mồ côi không cha không mẹ, không nhà cửa cực thân lắm. Lớn lên ông đi bộ đội suốt trong Nam ngoài Bắc. Năm 1970, khi đóng quân bảo vệ bến Bình Hàn ở Nam Sách, Hải Dương, gặp ý trung nhân, ở rể luôn đó 10 năm. Vừa lấy vợ được 1 năm, năm 1972 ông anh trai duy nhất chết. Chiến tranh tàn phá, gia đình làm nông, lại đông con nên cuộc sống chật vật lắm", ông nhớ lại.

Năm 1980, ông Quý đưa vợ con lên Hà Nội lập nghiệp. Ông đi bán hoa từ ngày đó đến giờ, còn vợ bán hàng nước ở trường học. "Mấy đứa con trai phá lắm. Còn con gái duyên phận lận đận. Nó bỏ chồng, để lại đứa con cho ông bà ngoại nuôi để đi bước nữa".

Là lao động chính trong nhà ở tuổi thất thập, nhưng ông hài lòng với cuộc sống hiện tại. Thấy người vợ (69 tuổi) đa sầu đa cảm, ông thường động viên: "Bà sướng nhớ. Từ ngày lấy bà tôi chưa hề nói nặng lời. Cháu nội, cháu ngoại đều ngoan. Tư tưởng thoải mái, nhất bà đấy".

Sau bao sóng gió cuộc đời, đến lúc tuổi già, đáng ra phải được nghỉ ngơi, con cháu chăm sóc, nhưng ông Quý vẫn lao động miệt mài. Ông kể, hàng ngày, cứ 6h sáng có mặt ngoài đường, sâm sẩm tối mới về. Có hôm bán hàng ham quá, 10 giờ, thậm chí 12 giờ đêm mới đạp xe về nhà. Ấy vậy mà ông luôn lạc quan và biết ơn cuộc sống.


Thu nhập ngót nghét 1.000.000 đồng/ngày?

"Soi" vào chiếc giỏ nhựa được chằng cẩn thận sau chiếc xe đạp cũ mèm, tôi thấy có hoa đồng tiền, salem trắng, salem tím, còn lại là hoa bi. Thiết nghĩ, toàn bộ số hoa này thường chỉ làm hoa phụ kiện (dùng để cắm điểm xuyết với hoa chính như hoa hồng, cẩm chướng, cúc, hoa ly,...), làm sao ông bán được hàng?

Tôi thắc mắc: "Sao ông không chọn những loại hoa phổ biến như hoa hướng dương, loa kèn, hoa hồng, màu sắc tươi tắn chắc bán chạy hơn?" Ông bảo: "Hoa đấy người ta bán đầy cổng chợ kìa". Tôi sực nhớ ra cổng chợ Chùa Láng đầy rẫy hàng hoa với đủ sắc màu, chủng loại. Có lẽ, ông cụ phải chọn hoa gì "độc" một chút, để cạnh tranh với hàng khác.

 


Hay thật, thoạt nhìn ông già tưởng lẩm cẩm mà buôn bán "chiến lược" quá. "Tuổi học trò chúng thích màu hoa tinh khôi này. Bán mấy chục năm rồi ông biết chứ", ông Quý nói thêm. Nâng niu từng cành salem tím, ông nhìn xa xăm:

"Ta còn em cô hàng hoa
Gánh mùa thu qua cổng chợ.
Những chùm hoa tím
Ngát mùa thu"...


Ồ, đó là mấy câu thơ trong bài "Hà Nội phố" của Phan Vũ. Lúc này, tôi mới hiểu tình yêu với hoa của ông già đất Kinh Kỳ này sâu sắc nhường nào. Ông bảo: "Bán hoa cũng là thú vui ăn quà không mất tiền".

"Ông ham làm thế, chắc kiếm cũng được?", tôi đoán già đoán non. "Nó là thú vui tuổi già mà. Đi làm thế này người khỏe ra, đầu óc tinh tấn, gặp nhiều người nói chuyện thú lắm. Làm cái nghề này, mỗi tháng kiếm chục triệu ăn thua gì", ông tươi cười.

Đang nói chuyện, một đôi nam nữ cắt ngang: "Ông ơi, cháu mua một bó hoa bi". - "Đây này cháu. Bó này 30 nghìn là xứng đáng rồi". Bạn trai tự động lấy tiền ra trả, không mặc cả thêm. Ông lão dặn khách: "Bó này có thể để được hai lọ nhỏ, về san đều ra cháu nhớ".

Quả đúng như lời ông nói, giờ này sinh viên từ các trường đại học đổ ra đường, táp xe vào lề đường mua của ông khá đông. Chỗ ông đứng bán cũng thuận tiện, các "thượng đế" chỉ cần chống chân xuống đường là mua được hoa.

Mỗi bó hoa bi (ông tự đặt cho nó cái tên khá mỹ miều là hoa sao hoặc hoa đuôi công) cầm vừa lòng bàn tay được bán với giá 30.000 đồng. Ngồi một lúc ông bán được 5-6 bó. Ông cho biết đã bán được 2/3 số hoa trong giỏ, trong khi số còn lại cũng còn đến 15 bó. Tôi đồ rằng, nếu mỗi ngày ông bán được 45 bó với giá 30.000, số tiền thu được phải lên đến 1.350.000 đồng. Tất nhiên, trừ những hôm ế khách, hoặc giá hoa rẻ hơn, tôi tin ông cũng thu ngót nghét 1 triệu đồng.

Trong khi đó, số vốn ông bỏ ra để mua hàng chỉ 100.000 đồng. Ông cho biết, con gái ông cũng buôn hoa ở chợ Kim Liên nên lấy luôn cho cả ông. Hoa được mua ở chợ đầu mối Quảng Bá nên giá rất rẻ. Tuy nhiên, ông cho biết: "Đời sống còn đang khó khăn, suy thoái kinh tế toàn cầu nên ông bán hàng yếu hơn".

Chia tay ông khi trời đã nhá nhem tối, tôi ra về, lòng bình yên lạ. Ông lão thật xứng đáng với cái tên gọi "Kẻ Chợ trên phố".

Theo TTVN

Các tin cũ hơn