Lãi suất giảm không giúp chứng khoán tăng

Thứ hai, 18/06/2012, 17:24
Lãi suất giảm hay các động thái chính sách hỗ trợ DN gần đây của Chính phủ không làm chứng khoán bật lại được nữa. Giới đầu tư đang đợi một chính sách có hiệu quả hơn thế để thực sự vực dậy nền kinh tế.
 

 
Chỉ số VN-Index của sàn HSX đã giảm bốn trên năm phiên trong tuần qua, ngay sau khi Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tuyên bố giảm lãi suất huy động từ 11% xuống 9% hôm 7.6.

Đây không phải lần đầu tiên VN-Index có phản ứng “ngược” với động thái hạ lãi suất của NHNN. Cuối tháng năm sau khi thống đốc thông báo hạ lãi suất xuống 11%, chỉ số cũng đã giảm 4 - 5 phiên trong một tuần sau đó.
 
Lãi suất giảm hay các động thái chính sách hỗ trợ DN gần đây của Chính phủ không làm chứng khoán bật lại được nữa.

Kỳ vọng thị trường bật lại vẫn chỉ chủ yếu dựa vào yếu tố kỹ thuật. Phần lớn các chuyên gia phân tích vẫn khuyến nghị nhà đầu tư giữ tiền mặt trước bối cảnh nền kinh tế chưa mang lại dấu hiệu tích cực.

“Liệu đây có phải là lúc vui mừng và nhà đầu tư có thể nghỉ ngơi, ngồi xuống và đợi cú bật của nền kinh tế Việt Nam? Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm thận trọng bởi chỉ một mình chính sách tiền tệ không bao giờ là đủ” - CTCK Sài Gòn (SSI) viết trong bản báo cáo gửi khách hàng ngay sau động thái hạ lãi suất xuống 9%.

Phiên tăng điểm mạnh hôm thứ sáu - ngày 15.6 vừa qua cũng không được coi là dấu hiệu thị trường đã kết thúc điều chỉnh. CTCK VNDirect trong bản khuyến nghị gửi khách hàng chiều thứ sáu nhận định: “Quan sát thực tế một tháng qua có thể thấy số phiên mua vào có lợi nhuận qua T+4 là rất ít. Với những cửa kiếm lợi nhuận hẹp như vậy, chúng tôi cho rằng việc mua vào chỉ phù hợp với những nhà đầu tư có mức độ chịu rủi ro cao”.

Sự “trơ” của TTCK với động thái hạ lãi suất là minh chứng rõ rệt cho đánh giá của thị trường rằng: Các chính sách hiện tại của Chính phủ là không đủ để vực dậy nền kinh tế. Các đợt hạ lãi suất gần đây bị xem như mệnh lệnh hành chính hơn là phản ánh thực chất cung cầu trên thị trường vốn.

Giới quan sát liên tục nhấn mạnh việc các DN vẫn rất khó tiếp cận nguồn vốn vay. Bản thân các NH cũng phải đang vật lộn để giải quyết nợ xấu, bởi vậy trần lãi suất không có nghĩa là các NH sẽ giảm tiêu chuẩn cho vay và đẩy mạnh cho vay ngay. 
 
Thậm chí các chuyên gia cho rằng, ngay cả khi lãi suất cho vay được đưa về 13%, thì với tình trạng kiệt quệ như hiện tại DN cũng vẫn khó có thể chịu mức lãi suất đó để mở rộng kinh doanh và có lãi.

Trong khi dư địa cho chính sách tiền tệ gần như đã hết bởi lạm phát kỳ vọng năm 2012 đang ở trên 8%, giới quan sát cũng chưa kỳ vọng chính phủ có thể đưa ra chính sách tài khóa gì đủ thuyết phục. Các ý kiến phân tích cho rằng, Chính phủ sẽ rất thận trọng với các chính sách tài khóa bởi nỗi lo thâm hụt ngân sách.

Không kỳ vọng nền kinh tế có thể biến chuyển sớm, dòng tiền vẫn hết sức dè dặt. GĐ quản lý danh mục của một quỹ đầu tư nội lớn cho biết, trong tháng Năm vừa qua có những thời điểm quỹ phải tăng tỉ trọng tiền mặt lên tận 90%. 
 
Vị GĐ này cho biết, trong những tháng tiếp theo quỹ có thể cân nhắc giải ngân nhưng quan điểm chung vẫn là hết sức thận trọng.

Ngay cả mức giá rẻ của thị trường cũng không kích thích được các nhà đầu tư lớn. Theo thống kê của giám đốc quản lý danh mục của một quỹ đầu tư Nhật, P/E của thị trường giờ đã xuống 10,9 tương đương với mức năm 2010 và thấp hơn mức năm 2009. Lợi suất cổ tức trong khi đó đang khá cao ở 4,6%, cao hơn nhiều giai đoạn năm 2008-2010.

“Nhưng điều đó không có nghĩa là bây giờ là cơ hội mua vào” - vị giám đốc này nói. “Hiện tại, tính thời điểm quan trọng hơn là việc giá rẻ hay đắt. Nếu mua vào trong thời điểm này cũng chỉ có thể lãi được 15% nhưng lỗ tiềm năng là rất lớn. Do đó, thời điểm này tiền mặt là vua”.

Thực tế thanh khoản tiếp tục suy giảm trên hai sàn. Giá trị giao dịch đã giảm xuống 600 - 700 tỉ/phiên trên sàn HoSE, thấp hơn cả mức 800 - 900 tỉ đồng/phiên hồi tháng năm.

“Trong giới tài chính, mọi người nói chung đang có cái nhìn khá bi quan về kinh tế từ nay đến cuối năm” - ông Võ Văn Minh, TGĐ Cty quản lý quỹ đầu tư CK Hapaco nói. “Không ai dám chắc điều xấu nhất đã qua khi các chỉ số kinh tế như GDP quý, hàng tồn kho, PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng) có thể tiếp tục đáng thât vọng”.
 
 
Theo Lao Động

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích