Vua Tôm Việt Nam và ẩn số nợ

Thứ hai, 18/06/2012, 17:25
Mặc dù là doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất nước, nhưng Minh Phú chỉ đạt 46% kế hoạch trong năm 2011. Minh Phú nợ bao nhiêu vẫn là ẩn số.
 
Quý I/2012, lợi nhuận trước thuế của Minh Phú (MPC) đạt 70 tỷ đồng. Cũng dễ hiểu kết quả thụt lùi này, bởi quý I trùng với thời gian nghỉ Tết kéo dài, đồng thời lại ở mùa thấp điểm xuất khẩu trong năm.
 
Tuy nhiên, những khó khăn khách quan và chủ quan khiến cho không ít cổ đông của Minh Phú hoài nghi vào khả năng về đích của doanh nghiệp, trong đó có nỗi lo về ẩn số vay nợ.
 
Ẩn số vay nợ
 
Năm 2011, Minh Phú chỉ đạt 283 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, bằng 46,09% kế hoạch cả năm. Một trong những lý do chính được ban lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra để giải thích cho kết quả này là lãi suất ngân hàng ở mức cao khiến cho chi phí tài chính tăng vọt. Cụ thể, chi phí lãi vay đã ngốn tới gần 10% lợi nhuận của công ty. Lợi nhuận kế toán trước thuế năm 2011 của MPC giảm 35,48 tỷ đồng, tương đương 9,51%.
 
Tính đến cuối quý I/2012, nợ ngắn hạn của Minh Phú là 3.468 tỷ đồng, nợ dài hạn là 1.123 tỷ đồng. Hiện công ty phải gánh chịu lãi vay cho khoản đầu tư vào nhà máy Minh Phú (Hậu Giang), Công ty nuôi trồng thủy sản Lộc An và Công ty nuôi trồng thủy sản Hòa Điền… trong khi những dự án này vẫn chưa tạo ra lợi nhuận do chậm tiến độ đưa vào sản xuất kinh doanh so với kế hoạch đề ra.
 
 
Ảnh minh họa
 
Đáng chú ý, trong năm 2011, Minh Phú đã phát hành khoản trái phiếu ghi sổ kỳ hạn 3 năm với giá trị 500 tỷ đồng với mức lãi suất thả nổi, bằng lãi suất huy động tiết kiệm mức 12 tháng của Ngân hàng Công thương + biên độ 4%). Áp lực về vốn có thể là một lý do để Minh Phú quyết định giữ lại toàn bộ lợi nhuận 206 tỷ đồng của năm 2011 sau khi đã trích lập các quỹ dự phòng tài chính, quỹ đầu tư phát triển, quỹ khen thưởng, phúc lợi).
 
Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Minh Phú, công ty sẽ chuyển sang vay vốn bằng USD nhằm nhập khẩu tôm nguyên liệu cũng như máy móc thiết bị. Mục đích của việc chuyển sang vay vốn bằng ngoại tệ là làm giảm chi phí tài chính của công ty (do lãi suất USD thấp – PV). Bên cạnh đó, Minh Phú sẽ nhanh chóng phát hành 30 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ từ 700 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng trong năm 2012.
 
Giải pháp trên cũng như con dao hai lưỡi, bởi lãi suất USD tuy thấp, nhưng rủi ro biến động tỷ giá vẫn hiện hữu. Bằng chứng là trong những ngày gần đây, giá mua bán USD tại các ngân hàng đang có dấu hiệu tăng kịch trần.
 
Bên cạnh đó, việc phát hành tăng vốn điều lệ không hề đơn giản bởi Minh Phú đặt ra mức giá cổ phiếu tối thiểu ở mức khá cao, 40.000 đồng/cổ phiếu.
 
Trong hồ sơ xin phép Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vào đầu tháng 6/2012, công ty mới chỉ đề nghị được phát hành 3 triệu cổ phần thay vì 30 triệu như nghị quyết Đại hội đồng cổ đông của Minh Phú đã thông qua.
 
Thêm vào đó, do đặc thù của ngành chăn nuôi tôm là có mùa vụ kinh doanh cao điểm vào cuối năm, cho nên kéo theo nhu cầu vốn lưu động của công ty kinh doanh rất lớn. Do vậy, ở thời điểm đó, lãi suất ngân hàng không hạ sẽ tác động rất lớn đến kết quả kinh doanh của Minh Phú và tạo ra gánh nặng chi phí cho công ty.
 
Bài toán nguyên liệu
 
Cùng với bài toán vốn vay, nguồn nguyên liệu cũng là một bài toán không dễ giải đối với Minh Phú. Minh Phú là doanh nghiệp tiêu thụ tôm nguyên liệu lớn nhất cả nước, vì thế giá mua nguyên liệu trong nước sẽ do doanh nghiệp này quyết định. 
 
Tuy nhiên, tình trạng nuôi tôm tự phát, con tôm kém phát triển và doanh nghiệp không kiểm soát được dư lượng chất kháng sinh trong con tôm nguyên liệu đang gây ra nhiều khó khăn cho nhà xuất khẩu tôm số 1 Việt Nam này.
 
Cụ thể, Nhật Bản kiểm soát rất gắt gao dư lượng kháng sinh trong con tôm nhập khẩu và có thể nâng tỷ lệ kiểm soát lên tới 100% trong thời gian tới. Hàn Quốc, EU, Canada cũng đều áp dụng chính sách kiểm soát gắt gao tương tự. Trong khi đó, nhiều công ty thủy sản vẫn mua nguyên liệu từ các hộ nuôi ngoài về chế biến, khiến họ phải đối mặt nguy cơ mất thị phần do mua phải tôm nhiễm kháng sinh.
 
Minh Phú đề ra chủ trương chủ động một phần nguồn nguyên liệu. Do đặt mục tiêu tự chủ về vùng nuôi, nên việc chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu và lợi nhuận của công ty.
 
Đơn cử như tại nhà máy Minh Phú Lộc An (Vũng Tàu), việc làm các thủ tục hành chính để xây dựng, nâng cấp các hệ thống điện bị chậm hơn so với kế hoạch, nên việc thả tôm nuôi trong năm 2011 của Minh Phú bị chậm hơn hai tháng so với kế hoạch.
 
Bên cạnh đó, trong năm 2012, vùng nuôi của Minh Phú cũng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh kéo dài. Để chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho mùa cao điểm, Minh Phú đang phải chạy đua để mở rộng các vùng nuôi tôm mới ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Kiên Giang.
 
Mới đây, ông Lê Văn Quang đã chia sẻ với các cổ đông công ty rằng: "Cho đến tháng 4/2012, các nhà máy ở Cà Mau của Minh Phú đã hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, hiện giờ không phải là thời điểm chính vụ trong nuôi tôm trong nước, nên Minh Phú phải đẩy mạnh nhập khẩu tôm nguyên liệu ở Ấn Độ, ở các nước Asean như Thái Lan, Indonesia".
 
Đặt kế hoạch tăng trưởng tham vọng, đơn hàng không thiếu nhưng những khó khăn khách quan đang khiến Minh Phú phải xoay xở tìm những giải pháp tình thế. Nhà máy Minh Phú (Hậu Giang) có công suất gấp 3 lần Nhà máy Minh Phú Cà Mau, nhưng tiến độ đang bị ảnh hưởng mạnh bởi thiếu công nhân lành nghề.
 
Ông Quang cho biết, Minh Phú đã phải làm việc với tỉnh Hậu Giang nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng khu tái định cư để xây dựng khu nhà ở tập thể cho công nhân.
 
Mặc khác, công ty cũng đã đưa vào hoạt động một phân xưởng sản xuất chế biến thời vụ khoảng 1.000 công nhân để giải quyết chuyện thiếu công nhân chế biến cho Nhà máy Minh Phú Hậu Giang.
 
Mục tiêu cụ thể mà doanh nghiệp này đặt ra là sẽ nâng sản lượng sản xuất của nhà máy Minh Phú Hậu Giang từ 1.000 tấn/tháng lên hơn 2.500 tấn/tháng trong năm 2012. Nếu không thực hiện được bài toán này, khả năng về đích lợi nhuận của Minh Phú năm 2012 là khó khả thi.
 
Cơ cấu lợi nhuận của Minh Phú năm 2012:
 
- Lĩnh vực chế biến xuất khẩu được kỳ vọng đạt lợi nhuận sau thuế 467 tỷ đồng; Lĩnh vực nuôi tôm thương phẩm, lợi nhuận sau thuế 233 tỷ đồng; Lĩnh vực sản xuất tôm giống, lợi nhuận sau thuế 14,40 tỷ đồng; Lĩnh vực sản xuất chế phẩm sinh học lợi nhuận sau thuế 0,5 tỷ đồng.
 
- Kim ngạch xuất khẩu hợp nhất : 500 triệu USD
 
- Sản lượng sản xuất hợp nhất : 53.000 tấn tôm thành phẩm
 
- Tổng doanh thu thuần hợp nhất : 10.478 tỷ đồng
 
- Lợi nhuận trước thuế hợp nhất : 877 tỷ đồng
 
- Lợi nhuận sau thuế hợp nhất : 715 tỷ đồng
 
 
Theo DĐDN

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích