Lãng phí do độc quyền vàng miếng

Thứ ba, 19/06/2012, 07:57
Việc chọn SJC làm thương hiệu độc quyền sản xuất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khiến người dân lo lắng, dẫn đến một làn sóng chuyển đổi vàng miếng phi SJC sang vàng miếng SJC gây lãng phí rất lớn.
Long đong vàng phi SJC
 
Hiện nay, trên thị trường, ngoài vàng miếng SJC, còn khá nhiều các thương hiệu vàng miếng khác như Phượng Hoàng PNJ - DongABank (CTCP vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ và Ngân hàng TMCP Đông Á), Thần Tài Sacombank (Ngân hàng Sacombank), Rồng vàng Thăng Long (Bảo Tín Minh Châu)...

Số phận vàng thương hiệu khác SJC không biết về đâu - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Kể từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP có hiệu lực cho phép NHNN được độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, những người nắm giữ vàng miếng phi SJC không khỏi lo lắng khi một số tiệm vàng từ chối mua hoặc mua với giá thấp hơn giá vàng miếng SJC khoảng 1 triệu đồng/lượng. Một số người tiêu dùng chấp nhận lỗ, mang các loại vàng miếng phi SJC bán ra và bù lỗ từ 200.000 - 300.000 đồng/lượng để mua lại vàng miếng SJC.

Độc quyền sản xuất vàng miếng SJC
 
Cuối tuần NHNN đã chính thức ký văn bản xin ý kiến từ phía UBND TP.HCM về việc ban hành một quy trình sản xuất vàng miếng, kể cả việc chuyển đổi vàng phi SJC, vàng SJC móp méo, cong vênh.

Cụ thể, nhà nước sẽ độc quyền sản xuất vàng miếng SJC nhưng sẽ có nhiều đơn vị tham gia vào quá trình giám sát trước, trong và sau khi sản xuất. Đặc biệt niêm phong khuôn đúc tránh vàng SJC bị làm giả.
 
Trong khi đó, từ nhiều tháng nay, các máy móc sản xuất vàng miếng của các đơn vị có thương hiệu vàng hầu như phủ mền. Các đơn vị đang tìm kiếm các đối tác, đặc biệt đối tác nước ngoài mua lại và chấp nhận lỗ.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho biết cơ quan này đang xem xét việc chuyển đổi vàng miếng phi SJC sang vàng miếng SJC nhằm quản lý tốt hơn thị trường vàng miếng.

Trước thông tin này, bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc PNJ, cho rằng nhà nước không nên chuyển đổi bởi các công ty kinh doanh vàng hiện nay không đủ lượng vàng SJC để chuyển đổi cho người dân.

Bà Cúc lo ngại vì không biết quá trình này sẽ phải thực hiện như thế nào và chi phí chuyển đổi này do ai chịu, công ty, người tiêu dùng hay nhà nước chịu. “Nên cho các thương hiệu vàng khác tồn tại song song với vàng SJC”, bà Cúc kiến nghị.
 
Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Sacombank (SBJ), cho biết: “Hiện nay phía NH vẫn còn nắm giữ một số vàng phi SJC trong kho. Vừa qua, NH huy động vàng trong dân thông qua chứng chỉ vàng và tâm lý người gửi khi nhận vàng lại muốn nhận SJC thay vì thương hiệu khác.

Chính vì vậy mà NH cũng đang chờ xem quy định của nhà nước cho chuyển đổi sang vàng thương hiệu quốc gia như thế nào. Vấn đề hiện nay đó là việc chuyển đổi này có chịu phí hay không và mức phí bao nhiêu nếu có”.
 
Gây lo lắng cho người tiêu dùng
 
Những thông tin "quy về một mối" thương hiệu SJC khiến nhiều người chấp nhận thiệt để chuyển vàng. Một cuộc chuyển đổi lớn, gây tốn kém đã được khởi động và dự báo sẽ diễn ra rầm rộ khi thông tin "độc quyền" vàng miếng SJC chính thức được ban hành.

Bởi ước tính, khối lượng vàng phi SJC trên thị trường chiếm khoảng hơn chục tấn, tương đương vài trăm nghìn lượng vàng. Với mức phí gia công vàng miếng SJC thời gian qua khoảng 50.000 đồng/lượng, chi phí bỏ ra để gia công lại toàn bộ số vàng thương hiệu khác SJC là rất lớn, lên đến hàng chục tỉ đồng.
 
TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, nhận xét: “Việc chuyển đổi các thương hiệu vàng sẽ gây tốn kém chi phí, công sức cho xã hội. Nếu nhà nước muốn quản lý thị trường vàng thì nhà nước phải chịu tốn kém chi phí chứ không nên để cho người dân, doanh nghiệp chịu thiệt thòi”.

Việc chuyển đổi các thương hiệu vàng sẽ gây tốn kém chi phí, công sức cho xã hội. Nếu nhà nước muốn quản lý thị trường vàng thì nhà nước phải chịu tốn kém chi phí chứ không nên để cho người dân, doanh nghiệp chịu thiệt thòi.

TS Lê Thẩm Dương, 
Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp
Trường đại học Ngân hàng TP.HCM
Đứng ở một góc độ khác, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), đặt vấn đề sau khi chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC, ai sẽ quản lý được các máy móc sản xuất vàng miếng của các thương hiệu này. Nếu không quản lý được, rất có khả năng xảy ra hiện tượng sử dụng vàng lậu dập các thương hiệu vàng phi SJC, sau đó mang sang SJC dập lại vàng SJC.

Việc tốn phí 50.000 đồng cho mỗi lượng không là gì so với khoản lời mỗi lượng lên hơn 1 triệu đồng.Theo TS Lê Thẩm Dương, dù quan điểm của NHNN trong chuyện này là người nào muốn chuyển đổi thì phải bỏ phí, còn nếu không vàng phi SJC vẫn mua bán bình thường, nhưng do bản năng an toàn, người tiêu dùng lo lắng nếu tiếp tục nắm giữ vàng miếng khác thương hiệu SJC thì có bị ép giá sau này hay không, ai sẽ mua lại miếng vàng đó...

Trên thực tế, việc độc quyền vàng miếng SJC hay vàng miếng SBV (như NHNN dự định trước đây) đã tạo tâm lý không tin tưởng cho người tiêu dùng, cho thị trường vào các thương hiệu khác SJC, nên nếu có phương án chuyển đổi tất nhiên những cá nhân, tổ chức sẽ thực hiện chuyển đổi.
 

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn