Tăng 8,6%/tháng, nợ xấu ngân hàng khoảng 108,6 nghìn tỷ đồng
Thứ ba, 19/06/2012, 14:48
Tính đến ngày 30/4/2012, nợ xấu của toàn hệ thống tổ chức tín dụng khoảng 108,6 nghìn tỷ đồng, tăng 28,18 nghìn tỷ đồng (35%) với tốc độ tăng trung bình 8,6%/tháng, cao hơn so với mức tăng bình quân cùng kỳ năm trước.
Nguồn tin cho biết, đây là những con số được Thống đốc Nguyễn Văn Bình công bố tại văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về thực trạng nợ xấu và biện pháp khắc phục của ngành ngân hàng.
Thống đốc phân tích, nợ xấu tăng nhanh trong khi tín dụng đối với nền kinh tế giảm sút khiến cho tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ liên tục tăng từ 3,06 ở thời điểm cuối năm 2011 lên 4,14 tại thời điểm cuối tháng 4/2012.
Theo Thống đốc, nguyên nhân nợ xấu gia tăng chủ yếu do: tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong năm 2011 và chưa được cải thiện được trong 4 tháng đầu năm 2012, làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và khả năng trả nợ ngân hàng của khách hàng.
Thị trường bất động sản chậm phục hồi làm cho khả năng trả nợ của các doanh nghiệp cũng như việc xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng thêm khó khăn.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.
Tại văn bản trả lời chất vấn, Thống đốc Bình nhấn mạnh, xử lý nợ xấu là một trong những nội dung quan trọng trong đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước đã và đang thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan và tổ chức tín dụng triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu.
Gồm, bán nợ xấu có tài sản đảm bảo cho công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng doanh nghiệp (DATC) của Bộ Tài chính. Xóa nợ bằng nguồn dự phòng rủi ro và xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ; chuyển nợ thành vốn góp, cổ phần của doanh nghiệp vay; các khoản nợ xấu phát sinh do thực hiện cho vay theo chỉ đạo hoặc chủ trương, chính sách của Chính phủ mà không có tài sản đảm bảo và không có khả năng thu hồi sẽ được Chính phủ xóa nợ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; bán nợ xấu cho các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng, công ty mua bán nợ tư nhân và công ty mua bán nợ của các ngân hàng thương mại.
Đối với một số khoản vay thế chấp bằng bất động sản, công trình hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng chưa bán được, Chính phủ xem xét mua lại các bất động sản đó để phuc vụ cho mục đích an sinh xã hội và hoạt động của cơ quan nhà nước.
Cũng theo Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước đang tập trung nghiên cứu, trình Thủ tướng cho phép thành lập công ty quản lý tài sản quốc gia thuộc Ngân hàng Nhà nước để phối hợp với DATC của Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Tại văn bản trả lời chất vấn, Thống đốc Bình nhấn mạnh, xử lý nợ xấu là một trong những nội dung quan trọng trong đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.
Đồng thời, để kiểm soát, hạn chế nợ xấu gia tăng, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về hoạt động tín dụng và phòng ngừa rủi ro trong hoạt động tín dụng. Sửa đổi, bổ sung các chính sách về quản trị ngân hàngđể quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng nói chung và trong hoạt động tín dụng nói riêng của các tổ chức tín dụng. Yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện tăng vốn điều lệ theo lộ trình phù hợp để đảm bảo có đủ sức mạnh về tài chính, Thống đốc Bình cho biết.
Bên cạnh chất vấn bằng văn bản, nỗi lo về nợ xấu ngân hàng cũng đã làm nóng nghị trường qua nhiều phiên thảo luận, chất vấn khác.
“Dòng vốn của nền kinh tế giống như hệ tuần hoàn mạch máu có cục máu đông nằm trong động mạch, tĩnh mạch. Cục máu đông đó là nợ xấu ngân hàng, nếu không làm xẹp đi cục máu đông này, nền kinh tế không hấp thụ được”, đại biểu Trần Du Lịch phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, sáng 7/6.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 8/6, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nói “vấn đề mấu chốt nhất hiện nay được Chính phủ xác định và gọi là “cục máu đông” chính là nợ, nếu cơ cấu được nợ, thì doanh nghiệp sẽ tiếp cận vốn tốt hơn”.