Dutch Bank không thoái vốn khỏi SHB

Thứ năm, 09/08/2012, 13:50
Sáng 9/8, Ngân hàng TMCP Sài gòn – Hà Nội (SHB) họp báo công bố về việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank - HBB) vào SHB. Trả lời báo chí, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Sài gòn – Hà Nội (SHB) cho biết, cổ đông chiến lược nước ngoài Dutch Bank không có ý định thoái vốn khỏi SHB.
Thưa ông, việc sáp nhập Habubank- một ngân hàng thua lỗ- sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kết quả kinh doanh của SHB?

Dĩ nhiên, việc ảnh hưởng là không tránh khỏi. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, với năng lực tài chính và năng lực quản trị điều hành chuyên nghiệp, các khoản lỗ của Habuank sẽ được khắc phục. Hiện dư nợ cho vay của Habubank tập trung vào 50 DN lớn, chúng tôi đã làm việc với từng DN cụ thể lên phương án khắc phục.

Tôi tin tưởng chắc chắn, đến 31/12/2012 sẽ xử lý được cơ bản nợ xấu của Habubank. Hiện tỷ lệ nợ xấu của SHB sau sáp nhập 8,69%, hệ số an toàn vốn CAR là 11,39%, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi tin rằng, trong năm 2013, ngân hàng SHB sẽ hoạt động ổn định và tăng trưởng bình thường.

 

SHB được lợi gì từ việc sáp nhập này?

Việc SHB sáp nhập HBB nằm trong chiến lược phát triển của SHB, rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí trong lộ trình phát triển của SHB. Để đạt được quy mô sau sáp nhập như ngày hôm nay, SHB chỉ mất 7 tháng tìm hiểu.

Trong khi đó, nếu SHB tự thân phát triển thì nếu nhanh, SHB cũng phải mất 5 năm với chi phí đầu tư không nhỏ. Vì vậy, SHB đánh giá thương vụ sáp nhập Habubank là thành công và cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ và NHNN nhằm tái cấu trúc hệ thống ngân hàng TMCP.


Sau sáp nhập, bộ máy Ban điều hành, bộ máy tổ chức và đội ngũ nhân lực của SHB sẽ thay đổi ra sao, thưa ông?

Căn cứ vào năng lực của Ban điều hành Habubank, căn cứ vào điều kiện thực tiễn của ngân hàng sáp nhập (quy mô, tổng tài sản, mạng lưới…), HĐQT ngân hàng SHB sẽ quyết định Ban điều hành của SHB sau sáp nhập có bao nhiêu người.

Về bộ máy tổ chức, các chi nhánh của ngân hàng Habubank sẽ vận hành theo bộ máy tổ chức của SHB. Chúng tôi tiếp nhận toàn bộ nhân viên của Habubank nhưng sẽ sắp xếp lại công việc phù hợp với năng lực của từng cán bộ và phù hợp với hoạt động của SHB, đảm bảo SHB sau sáp nhập hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả.


Hiện SHB và Habubank đều có công ty chứng khoán. Sau sáp nhập, hai công ty này sẽ vận hành như thế nào?

SHB có góp vốn vào Công ty chứng khoán SHS nhưng đây không phải là công ty con của SHB, chúng tôi chỉ góp vốn 10% trong công ty này. Còn ngân hàng Habubank có công ty con là Công ty chứng khoán Habubank (HBBS). Tỷ lệ sở hữu của Habubank tại HBBS là 98%.

Sau sáp nhập, HBBS sẽ tiếp tục là công ty con của SHB và sẽ được đổi tên thành Công ty chứng khoán SHB (SHBS). Tuy nhiên, chúng tôi là sẽ tiếp tục cổ phần hóa công ty này, bán bớt cổ phần của SHB và chỉ giữ lại tỷ lệ cổ phần hợp lý ở công ty này. 


SHB có dự định giữ lại tất cả điểm giao dịch của Habubank hiện nay không, thưa ông?

Hiện nay có nhiều điểm giao dịch của Habubank gần với điểm giao dịch của SHB. Hiện tại, chúng tôi sẽ giữ nguyên các điểm giao dịch này, chỉ thay đổi toàn bộ tên Habubank bằng SHB.

Sau đó, trên cơ sở tính toán hiệu quả kinh doanh của từng đơn vị, chi nhánh, chúng tôi sẽ quyết định giữ lại chi nhánh nào, điều chuyển chi nhánh nào. Đến 28/8, toàn bộ thương hiệu Habubank trên thị trường sẽ không còn nữa mà sẽ mang thương hiệu của SHB.  

Chi phí cho việc thay đổi hình ảnh, ở giai đoạn 1 (đổi tên) này là 2,1 tỷ đồng. Ở giai đoạn 2, chúng tôi sẽ tiếp tục thay đổi hình ảnh của SHB, với nhiều nội dung khác.


Hiện Dutch Bank là cổ đông nước ngoài của Habubank. Sau khi Habubank sáp nhập vào SHB, cổ đông này có ý định thoái vốn khỏi SHB không?

Sau khi nghe thông tin về việc sáp nhập Habubank vào SHB, Dutch Bank đã làm việc với chúng tôi. Sau khi nghe về lộ trình sáp nhập và chiến lược kinh doanh của SHB, Dutch Bank rất vui vẻ và yên tâm, mong muốn được làm cổ đông của SHB, không có ý định thoái vốn tại SHB. 
 
Tính đến hết tháng 7/2012, tăng trưởng tín dụng của SHB là trên 6%. Dự kiến, trong năm 2012, sau sáp nhập, tăng trưởng tín dụng của SHB đạt 13-15%.

Thương vụ sáp nhập Habubank vào SHB đã biến SHB trở thành một ngân hàng có quy mô lớn trên thị trường với số vốn điều lệ gần 9.000 tỷ đồng, tổng tài sản trên 120.000 tỷ đồng, mạng lưới kinh doanh rộng lớn với trên 240 chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước và 2 chi nhánh SHB tại Campuchia, Lào, Gần 5.000 cán bộ công nhân viên.


Theo Đầu Tư

Các tin cũ hơn