Vì sao giá vàng trong nước biến động mạnh 2 ngày qua?

Thứ bảy, 08/09/2012, 07:02
Giá vàng trong nước biến động với biên độ cực mạnh trong hai ngày qua và duy trì khoảng cách tới 3 triệu đồng/lượng so với thế giới.
Ngày 6/9, giá tăng tổng cộng 900 nghìn đồng/lượng và chạm mức cao nhất kể từ giữa tháng 11 năm ngoái tại 46,17 triệu đồng/lượng. Sang ngày 7/9, giá giảm 600 nghìn đồng xuống dưới 45,6 triệu đồng/lượng. Dù giảm mạnh song mức của ngày hôm  7/9 vẫn là một trong các mốc cao nhất kể từ ngày 20/11/2011.
 
Khoảng cách chênh lệch với giá vàng thế giới được neo ở mức 3 triệu đồng/lượng, tức hơn 100 USD/ounce (1 ounce = 0,83 lượng).
 
Có nhiều nguyên nhân được đưa ra giải thích cho hiện tượng giá vàng biến động mạnh, đặc biệt là tăng một cách thẳng đứng trong ngày 6/9.
 
Thị trường vàng liên tục biến động trong 2 ngày 6 & 7/9 vừa qua.

Đầu tiên là theo biến động của thế giới. Ngày 6/9, giá vàng trên thị trường châu Á và châu Âu tăng đến 20 USD và vượt 1.700 USD/ounce lần đầu tiên trong 5 tháng bởi kỳ vọng vào việc NHTW châu Âu (ECB) sẽ công bố chương trình mua trái phiếu trong phiên họp diễn ra vào buổi tối theo giờ Việt Nam.
 
Theo ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc CTCP Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt Nam (VGB), việc giá vàng thế giới tăng vượt qua mốc 1.700 USD/ounce đã khiến cho nhiều người, không chỉ ở Việt Nam, có tâm lý mua vào đón đầu xu hướng.
 
Nguyên nhân này cũng được các nhà phân tích của công ty VBĐQ Sacombank SBJ đưa ra khi cho rằng vàng thế giới tăng đã tác động lên tâm lý của người dân và nhà đầu tư trong nước.
 
Yếu tố thứ hai được cho là góp phần quan trọng khiến cho giá vàng tăng là do vấn đề liên thông cung cầu bị cắt khúc. Theo ông Hải, dù sau ngày 23/8, NHNN đã cho công ty SJC gia công một lượng lớn vàng miếng, tới 1.723 kg, tương đương xấp xỉ 50.000 lượng, nhưng lượng vàng này có thực sự được cung ứng ra thị trường hay không thì không ai kiểm soát được.
 
Đại diện của Sacombank SBJ cũng có hoài nghi tương tự khi cho rằng gần 50.000 lượng vàng đó không biết có "thấm thoát" đi đâu hay không, bởi thị trường thực sự có hiện tượng khan hiếm.
 
Nguyên nhân thứ ba khiến cho giá vàng tăng còn bởi vấn đề thanh khoản của ngân hàng. Ông Hải đặt câu hỏi, có chăng lượng vàng này được đưa vào các ngân hàng để đảm bảo vấn đề thanh khoản cho các nhà băng.
 
“Khi giá vàng chỉ dao động nhẹ quanh vùng 41 – 42 triệu đồng/lượng, nhiều ngân hàng giữ vàng khách gửi có thể đã chuyển sang tiền đồng để gửi lấy lãi cao hơn. Giờ đây khi giá tăng vọt, họ buộc phải mua trở lại để bù đắp và cắt lỗ trước dự báo giá còn tăng nữa”, ông nói.
 
Cũng theo ông Hải, do nhu cầu mạnh của các ngân hàng, trong khi nguồn cung thực tế không cao nên đã tạo ra một cơn sóng cung giả tạo và cầu ảo, đẩy giá lên cao một cách bất thường và bỏ xa vàng thế giới.
 
Có một sự việc khá trùng hợp có thể giải thích cho vấn đề thanh khoản vàng của các ngân hàng gặp khó khăn đó là trong hai ngày qua, các ngân hàng đồng loạt tăng mạnh lãi suất huy động vàng.
 
Ngày 6/9, Ngân hàng Á Châu (ACB) đã nâng lãi suất huy động vàng từ 0,8 % lên mức 1,4%/năm. Sang hôm nay 7/9, ngân hàng XNK Việt Nam (Eximbank) cũng nâng lãi suất từ mức 0,5% lên tới 1,4 – 1,6%/năm và Ngân hàng Sài gòn Thương Tín (Sacombank) tăng từ 0,5% lên 1,6%/năm.
 
Ở ngân hàng ACB, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc cho biết, việc ACB nâng lãi suất huy động vàng thực chất không phải do thanh khoản khó khăn, bởi lẽ quyết định của ACB còn đến trước cả cơn “sóng” lần này. “Chủ trương của ngân hàng là tăng lãi suất huy động vàng nhằm thu hút khách hàng trở lại sau cơn khủng hoảng vừa qua, cũng giống như chương trình ưu đãi tiết kiệm VNĐ”, ông nói.
 
Ông Toại cho biết thêm, trong đợt “khủng hoảng” kéo dài từ ngày 21 – 23/8, thì không chỉ có tiền đồng bị rút ra khỏi ngân hàng này mà còn có cả USD và vàng.
 
Giải thích của đại diện ACB xem ra có vẻ hợp lý, song động thái của các nhà băng khác trong việc nâng lãi suất huy động vàng thì cũng không loại trừ khả năng thanh khoản gặp khó.
 
Trong một diễn biến khác có liên quan, sau hơn một tuần hút ròng trên thị trường mở (OMO), Ngân hàng Nhà nước trong ngày hôm 6 - 7/9 đã bơm ròng tổng cộng 2.635 tỷ đồng. Lãi suất qua đêm liên ngân hàng vẫn neo ở mức trên 4%/năm.

Theo TTVN

Các tin cũ hơn