Thị trường liên ngân hàng bao gồm các hoạt động cho vay, đi vay; mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên thị trường tiền tệ.
Các giao dịch này được phản ảnh trên hai khoản mục: Tiền, vàng gửi tại các TCTD khác và cho vay các TCTD khác trong phần tài sản và Tiền gửi và cho vay các TCTD khác trong phần nguồn vốn của BCTC các ngân hàng.
VCB, ACB là những 'ông vua' trên thị trường liên ngân hàng.
Phần lớn giá trị trên hai khoản mục này được hạch toán dưới dạng tiền gửi thay vì tiền đi vay và cho vay. Tuy nhiên, chênh lệch giữa hai khoản mục này vẫn phản ánh phần nào nhu cầu thừa hay thiếu vốn của các ngân hàng.
Thống kê BCTC của các ngân hàng cho thấy, tại thời điểm cuối năm 2011, Vietcombank (VCB), ACB, BIDV là 3 ngân hàng cung cấp vốn lớn nhất trên thị trường liên ngân hàng. Vietinbank (CTG) và Eximbank (EIB) cũng cung cấp một lượng lớn vốn ra những ngược lại hai ngân hàng này hút vào nhiều hơn.
SCB, trước khi hợp nhất với NH Việt Nam Tín Nghĩa và NH Đệ Nhất, là nhà băng có khoản chênh lệch âm lớn nhất, khoảng 12.500 tỷ (tính đến quý 3/2011).
Đáng chú ý là công ty tài chính Dầu khí (PVFC) cũng hút tiền trên thị trường liên ngân hàng gần 14.500 tỷ vào thời điểm cuối năm 2011.
Habubank, ngân hàng vừa bị sáp nhập vào SHB, đến cuối năm 2011 có mức chênh lệch trên thị trường liên ngân hàng 7.120 tỷ đồng.
Số liệu AGRB và SCB đến hết quý 3/2011.
Số liệu cập nhật đến giữa năm 2012 của các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính cho thấy Vietcombank và ACB tiếp tục bơm ròng vốn mạnh trên thị trường liên ngân hàng. Tuy nhiên con số của ACB đã giảm từ 46.500 tỷ xuống 36.000 tỷ.
Trong khi đó BIDV đã hút về nhiều hơn và chỉ còn giữ mức bơm ròng khoảng 5.200 tỷ so với con số 21.800 tỷ hồi đầu năm.
Con số chênh lệch của Vietinbank tăng mạnh lên 22.800 tỷ từ mức gần 9000 tỷ hồi cuối năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là do Vietinbank rút mạnh các khoản tiền và vàng gửi tại tổ chức tín dụng khác.
Đặc biệt là Sacombank (STB), ngân hàng này đã chuyển từ trạng thái hút ròng vốn (khoảng 3.200 tỷ cuối năm 2011) sang bơm ròng (5.200 tỷ vào tháng 6 năm 2012) trên thị trường liên ngân hàng.
Cụ thể STB đã tăng các khoản tiền cho vay tổ chức tín dụng khác từ gần 1.000 tỷ lên 3.700 tỷ và tăng tiền gửi tại các TCTD khác từ 8.600 tỷ lên 9.800 tỷ. Trong khi đó khoản vay từ TCTD khác của STB đã giảm từ 6.100 xuống còn 5.400 tỷ và các khoản tiền gửi giảm mạnh từ 6.600 tỷ xuống 2.900 tỷ.