Được cho hoặc đồ cũ không dùng đến, nhiều người mang đi bán cũng kiếm được khá tiền. Cách mót nhặt không chỉ đem lại nguồn thu mà còn giúp nhiều người trở nên giàu có.
Chiếc tủ bày la liệt giày dép cũ, bộ đánh giầy nát tươm, cuộn chỉ khâu giày đen, trắng và vài mũi kim dắt trong tấm bìa các tông nhỏ... là toàn bộ đồ nghề và món hàng kinh doanh của ông Nguyễn Văn Thọ (Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội) ngay trước ngõ nhà mình.
Hơn 70 tuổi, ông cặm cụi với những đôi giày dép cũ, sửa chữa kiêm luôn cả mua bán hàng. Nhiều bà buôn đồng nát, giúp việc gia đình hay tìm đến chỗ ông để bán lại đồ cũ nhờ mua rẻ hoặc được cho. Thường thì một đôi xăng đan ông trả giá 2.000 đến 5.000 đồng; một đôi giày không quá 10.000 đồng.
Vừa làm vừa chơi, mỗi tháng ông Thọ cũng kiếm chừng 3-4 triệu.
Một bác giúp việc trong khu chia sẻ: "Những gia đình thuê chúng tôi dọn nhà thường là có điều kiện. Ngoài trả tiền công lau dọn nhà cửa, họ cho chúng tôi những đôi giày, dép cũ không còn sử dụng. Chỉ trừ những đôi còn đẹp, ưng và vừa, chúng tôi mới dám giữ lại 1-2 đôi, còn đa phần chúng tôi thường bán lại cho các cửa hàng đồ cũ".
Đến cửa hàng quần áo cũ, bà Trần Thị Liễu gỡ bọc quần áo ra khỏi yên xe. Chủ "cửa hàng thùng" trên phố Thợ Nhuộm nhanh tay nhặt từng chiếc lên xem, phân ra thành nhiều loại. Chỗ để quần, chỗ bày áo. 5 chiếc gồm 3 áo, 2 quần nhanh chóng được trả 30.000 đồng. Lắc đầu vì đó toàn là hàng hiệu của con nhà giàu, bà mới được trả thêm 7.000 nữa.
Bà Liễu kể, bà làm thuê cho một gia đình trẻ trên phố Bà Triệu. Thi thoảng tổng vệ sinh nhà cửa, cô chủ nhà lại cho một ít quần áo cũ để tôi mang về quê cho con cái mặc. Nhưng do còn nhỏ, không mặc được nên bà thường mang ra đây bán. Mặc dù đều là quần áo đẹp, lúc mua vài trăm nghìn nhưng khi bán, giá chỉ vài nghìn đến 20.000 đồng.
"Tuy quá rẻ, nhưng mỗi lần dọn nhà được cho dăm ba cái là chúng tôi cũng có thêm vài chục nghìn. Trong lúc khó khăn, góp nhặt được một đồng cũng quý", bà Liễu nói.
Một vốn mười lời
Ngồi ngay trước cổng trường Cao đẳng y tế Hà Nội (Đoàn Thị Điểm, Đống Đa, Hà Nội), mùa nào thức ấy, chị Nguyễn Thị Thuân có đầy đủ các mặt hàng. Mùa hè thì quần đùi, áo phông, váy ngắn; mùa đông thì áo dạ, quần len... thậm chí là găng tay, đôi tất cũng đủ cả. Tuy nhiên, tất cả đều là đồ cũ. Khách hàng của chị chủ yếu là sinh viên và người dân trong khu.
"Bây giờ khác xưa, quần áo người ta thay model liên tục nên quần áo cũ được bán hoặc cho rất nhiều. Những người ít tiền thường mua quần áo cũ để giảm chi tiêu, hoặc may ra vớ được cái áo đẹp giá rẻ. Tôi thường mua từ 2.000-3.000 đến 20.000 đồng/áo hoặc quần; sau khi giặt sạch, là phẳng thì bán được 20.000-70.000 đồng một sản phẩm tùy chất lượng. Xáo qua xáo lại cũng được chừng dăm triệu/tháng", chị Thuân cho hay.
Vừa mua đôi dép quai hậu giá 3.000 đồng từ một người giúp việc gia đình, ông Nguyễn Văn Thọ gọi ngay cháu gái ra thử. Thấy cháu đi vừa, ông đem kim ra khâu lại toàn bộ quai dép, lau sạch sẽ rồi cất gọn vào một ngăn tủ.
Ông Thọ tâm sự, cô giúp việc đó nói là ông bà Phú cho, ông biết ngay đây là dép xịn vì đó là một trong những gia đình giàu có trong phố. Kiểm tra thấy dép vẫn còn đẹp nên ông để lại cho cháu gái đi. Những đôi khác, mua xong ông thường sửa chữa ngay, bán cho những gia đình khó khăn, giá cũng chỉ khoảng 10.000 đến 30.000 đồng/đôi.
Có những đôi thật đẹp, chất lượng tốt thì cũng có thể bán trên 100.000 đồng. Tuy nhiên, trường hợp này thường ít. Vừa làm vừa chơi, mỗi tháng ông cũng kiếm chừng 3-4 triệu.
Nếu ông Thọ, chị Thuân chỉ buôn bán nhỏ dép cũ, quần áo "hàng thùng" thì cửa hàng của chị Trần Thị Trang lại là một trong những cửa hàng lớn, doanh thu mỗi tháng có thể lên tới gần 20 triệu đồng. Chị Trang cho biết, thường mùa hè chị bán quần áo bầu, mùa đông chuyên bán quần áo dạ cũ. Trung bình, mỗi tháng chị đều thu về trên chục triệu đồng, có tháng vớ bẫm được 20-30 triệu đồng nhờ vớ được lô hàng cũ nhưng chất lượng, mẫu đẹp và qua ít lần sử dụng.
"Buôn hàng cũ cũng phải có mánh, phải biết giặt là, trau chuốt, nhuộm màu lại thì giá mới cao. Có thể tăng giá lên gấp 10 lần. Hàng cũ không biết làm mới, để nguyên thường khó có người mua. Tuy nhiên, giá gốc vào bao giờ cũng rất rẻ do bị ép là hàng đã sử dụng, bỏ đi hoặc đồ ăn cắp".