Nhóm quyền lực
Hiện tượng ngân hàng sở hữu chéo lẫn nhau và các đại gia sở hữu cùng một lúc nhiều ngân hàng đã được truyền tai trong giới đầu tư khá nhiều và từ lâu. Tuy nhiên, để có được những thông tin cụ thể về vấn đề này là một điều hết sức khó khăn.
Vụ việc Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) xử phạt vi phạm hành chính 3 tổ chức cá nhân gom mua cổ phiếu Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã STB) trong tuần đầu tháng 6 vừa qua lần đầu tiên chính thức làm lộ diện một người sở hữu nhiều ngân hàng quy mô lớn.
Nó khiến nhiều người đặt ra câu hỏi như: Hiện tại có bao nhiêu ông trùm đang nắm giữ trong tay nhiều ngân hàng? Mối quan hệ chằng chịt giữa các ngân hàng cụ thể là như nào? Quyền lực thuộc về ai?
Ngày 7/6, UBCK đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 tổ chức, cá nhân vi phạm chế độ báo cáo và công bố thông tin liên quan đến việc giao dịch cổ phiếu STB.
Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Sài Gòn Á Châu (tổ chức có liên quan đến ông Phạm Hữu Phú - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Eximbank, vừa được bầu vào HĐQT Sacombank tại đại hội đồng cổ đông Sacombank ngày 26/5, hiện là Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank) ngày 1/3 đã mua vào hơn 21,9 triệu cổ phiếu STB, nâng tỷ lệ nắm giữ lên gần 48,8 triệu đơn vị (chiếm tỷ lệ 5,01% tổng số lượng cổ phiếu STB đang lưu hành) và trở thành cổ đông lớn của Sacombank.
Trước đó, Công ty CP Đầu tư Sài Gòn Exim (1 thành viên của Eximbank) ngày 9/1 cũng đã mua vào trên 42,1 triệu cổ phiếu STB làm tăng số lượng sở hữu cổ phiếu STB lên gần 50,4 triệu đơn vị - chiếm tỷ lệ 5,17% số lượng cổ phiếu STB đang lưu hành và trở thành cổ đông lớn của Sacombank.
Hiện tượng sở hữu chồng chéo cổ phần đang được cho là một vấn đề lớn gây ra những trục trặc trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. |