Gạo Việt Nam đang “chảy máu”

Thứ bảy, 08/09/2012, 07:32
Hàng trăm tấn gạo Việt Nam qua đường tiểu ngạch sang Campuchia, Thái Lan và cả Trung Quốc… tấp nập mỗi ngày.
Đó là vấn đề gây quan ngại rất lớn trong buổi họp giao ban tình hình xuất khẩu gạo tháng 8 và kế hoạch tháng 9 do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức tại TP.HCM ngày 7-9.

Đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) thông tin gạo Việt Nam được vận chuyển bán qua biên giới Campuchia rất nhiều, nhất là từ cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) và Thường Phước (Đồng Tháp).

 
Ào ạt qua biên giới
 
“Đóng quân” ở cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) thường xuyên, ông Nguyễn Văn Tiến, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất Nhập khẩu An Giang, ước chừng lượng gạo bán qua Campuchia ở biên giới Tịnh Biên từ khi có tình trạng thu mua ồ ạt đã vượt quá 400.000 tấn.

Riêng ở cảng Mỹ Thới (Long Xuyên, An Giang), lượng gạo bán qua đường tiểu ngạch sang Campuchia lẫn Trung Quốc là hơn 570.000 tấn.

 
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, xác nhận: “Hiện nay, gạo đang bị hút đi ở cả hai đầu biên giới là phía Tây Nam qua Campuchia và phía Bắc qua Trung Quốc. Hiệp hội vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể vì rất khó quản lý hoạt động buôn bán tiểu ngạch.

Chỉ riêng thông tin từ các DN ở An Giang, số lượng gạo vận chuyển qua cửa khẩu Tịnh Biên từ đầu năm đến nay đã hơn 500.000 tấn, nếu tính cả cửa khẩu ở Đồng Tháp và các cửa khẩu phụ nữa thì số lượng sẽ rất lớn”.

 
Gạo Việt Nam đã bị thương lái Campuchia gom để tuồn qua Thái Lan.
 
Sau chuyến thị sát thực tế tại các cửa khẩu, ông Phong cho biết: “Khi giá gạo bán cho thương lái Campuchia còn thấp, khoảng 8.100-8.200 đồng/kg thì khối lượng gạo qua biên giới rất cao, hơn 5.000 tấn/ngày.

Tình trạng này đang tiếp diễn nhưng giá gạo ngày càng cao nên lượng thu mua giảm bớt, chỉ còn hơn 500 tấn/ngày. Gạo chủ yếu bán qua đường này là 5% tấm với giá 8.950 đồng/kg và tấm với giá 7.350 đồng/kg.

Thương lái, nông dân Việt Nam vận chuyển bằng xe hoặc ghe đến biên giới, ở đó có thương lái Campuchia chực sẵn bốc hàng lên xe chở một mạch sang Thái Lan. Còn ở phía Bắc, thương lái Trung Quốc sau khi bị cơ quan quản lý Việt Nam “đánh tiếng” kiểm tra việc thu mua nông sản của thương nhân nước ngoài, đã dùng chiêu thuê xe, thuê thương lái Việt Nam xuống các thôn, xã thu mua chở gạo qua biên giới”.

 
Gạo Việt Nam đi qua Campuchia chủ yếu bằng đường bộ đi thẳng sang Thái Lan. Ít có khả năng thương lái Campuchia mua gạo về rồi bán ngay trong nước hoặc chế biến xuất khẩu vì giá bán nội địa của họ thấp hơn Việt Nam.

Gạo Việt Nam “chảy” sang Thái Lan là vì chính phủ nước này đang trợ giá cho nông dân nên giá nội địa rất cao, trong khi đó giá gạo Việt Nam lại rẻ hơn nhiều.

Ông Lê Việt Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Mê Kông (Cần Thơ), cho hay: “Đường vận chuyển từ Việt Nam qua Campuchia sang Thái Lan rất xa, chi phí tốn kém. Nếu lấy chính gạo Việt gắn nhãn Thái thì giá bán cũng chỉ nhỉnh hơn giá ở Việt Nam chút ít. Vì vậy, thương lái Thái Lan lấy gạo Việt Nam phối trộn với gạo nước họ để tăng số lượng bán.

Giá bán gạo xuất khẩu của Thái Lan rất cao nên dù có mua gạo Việt Nam với giá cao, bỏ tiền thuê thương lái Campuchia sang thu mua và vận chuyển thì bán vẫn lời hơn so với việc phải mua gạo của nông dân Thái”.

 
Đe dọa nguồn cung xuất khẩu
 
Trước mắt, tình hình trên làm cho nông dân lẫn DN vui mừng vì bán được gạo với giá cao hơn mặt bằng giá nội địa, giải phóng tồn kho, giảm mối lo tắc thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề một cách sâu xa hơn, tình trạng này càng kéo dài mất kiểm soát sẽ dẫn đến “chảy máu” gạo, thiếu nguồn cung cho xuất khẩu, không thể cạnh tranh lại các quốc gia xuất khẩu gạo khác.

Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký VFA, cũng thừa nhận tình trạng này sẽ làm giảm đáng kể nguồn cung gạo xuất khẩu. Dự kiến, gạo Việt Nam vẫn giữ ổn định trong hai tháng tới do hợp đồng còn nhiều nhưng sẽ sụt giảm sau đó do giá cao, thiếu cạnh tranh và nguồn cung bị hạn chế.

 
Bàn thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiến, Công ty Xuất nhập khẩu An Giang, cho biết theo tính toán của VFA, nếu năm 2012 xuất khẩu đạt mức tương đương năm 2011 là 7,2 triệu tấn thì vẫn còn 1,1 triệu tấn tồn kho gối đầu cho năm 2013.

Trong khi đó, số liệu thống kê tồn kho trong DN đến ngày 31-8 còn hơn 1,7 triệu tấn, tổng lượng hàng hóa cân đối còn 6,8 triệu tấn. Những con số này cho thấy lượng tồn kho còn lớn nhưng thực tế thì rất khác.

Dự trữ trong dân hiện rất ít, may ra chỉ ở các nhà máy xay xát, hơn nữa lượng gạo bán qua biên giới quá lớn, vì thế nguồn cung trong nước chắc chắn đã giảm rất nhiều.

 
Đây là mối nguy lớn ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu gạo Việt Nam trong thời gian tới. Bởi theo dự báo từ VFA, thời tiết hạn hán khiến sản lượng nông sản ở Mỹ giảm 60%, Nga và các nước khu vực biển Đen giảm 50%, gây ảnh hưởng lớn đến nguồn cung gạo thế giới.

Trong khi đó, nhu cầu có dấu hiệu tăng trở lại khi Indonesia, Philippines dự kiến tăng nhập khẩu, châu Phi duy trì nhu cầu ổn định và Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu do giá nội địa tăng cao.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, kết luận: “VFA sẽ rà soát lại lượng tồn kho trong DN, nhà máy xay xát và cả nông dân để có hướng chỉ đạo dự trữ và xuất khẩu. Trước mắt, chỉ DN nào đảm bảo đủ 100% hàng mới được ký hợp đồng. Việc gạo đi qua biên giới và kế hoạch tồn kho của Thái Lan, DN tiếp tục theo sát tình hình, báo cáo để VFA có phương án chỉ đạo phù hợp. Nếu có hợp đồng DN cứ tiếp tục bán”.


Dấu hiệu găm gạo đầu cơ

Trước tình trạng Thái Lan, Trung Quốc thu mua gạo Việt Nam với khối lượng lớn và giá cao cộng thêm thông tin nguồn cung xuất khẩu giảm đã tạo cơ hội cho một số DN ngoài hiệp hội đổ xô mua gạo, găm hàng đầu cơ.

Những DN này phần lớn ở các lĩnh vực khác nhảy vô thu mua gạo trong nông dân, thậm chí mua lại từ DN, nhà máy chế biến xuất khẩu gạo đem về trữ lại, chờ giá cao sẽ bán. Vì vậy, hiệp hội khuyến cáo DN đừng vội bán.

 
Ông TRƯƠNG THANH PHONG, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA

Theo Pháp Luật TP

Các tin cũ hơn