Rủi ro từ chính sách…
Vàng đã thụt lùi trên bảng xếp hạng các kênh đầu tư năm 2013. |
Không chỉ bị chi phối từ biến động giá vàng thế giới và tỷ giá USD trong nước như những năm trước, năm 2013, thị trường vàng còn chịu sự can thiệp mạnh mẽ bởi các chính sách từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Đó là lý do các ý kiến nhận xét về kênh đầu tư này đều có chung lo ngại về sự rủi ro.
Cẩn trọng với ngoại tệ khác So với đầu năm 2012, giá USD giảm 176 đồng/USD vào cuối năm. Tuy nhiên, các loại ngoại tệ khác lại tăng giá khá mạnh. Chẳng hạn, bảng Anh tăng 940 đồng/bảng, lên khoảng 33.200 đồng/bảng; franc Thụy Sĩ tăng 200 đồng/franc, lên 22.740 đồng/franc; đô la New Zealand tăng 780 đồng/đô la, lên 16.788 đồng/đô la; đô la Singapore tăng 600 đồng/đô la, lên 16.540 đồng/đô la... Vì vậy, xu hướng đầu tư các ngoại tệ khác đã manh nha. Tuy nhiên, theo ông Phan Dũng Khánh, việc đầu tư ngoại tệ khác chỉ phù hợp đối với việc đầu tư ra thị trường thế giới qua kinh doanh tài khoản. Còn đầu tư trong nước là rất khó bởi Fed đã ngưng triển khai các gói nới lỏng tiền tệ nên giá USD (trên thế giới) sẽ tăng, các ngoại tệ khác sẽ giảm giá, trong khi VND ổn định. Điều này có nghĩa, đồng VND sẽ tăng giá so với các ngoại tệ khác nên việc đầu tư mua ngoại tệ khác sẽ lỗ khi quy đổi tỷ giá chéo giữa USD và các ngoại tệ. |
Rủi ro đầu tiên là việc giá vàng trong nước đã thoát ly khỏi giá thế giới, hiện đang cao hơn từ 4 - 5 triệu đồng/lượng. Với khoảng cách này, nếu giá vàng trong nước đột ngột quay đầu để sát giá thế giới thì nhà đầu tư lỗ nặng.
Thứ hai là đầu tư vàng miếng SJC còn chịu tác động từ tuyên bố của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình về việc sẽ ấn định giá vàng.
Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam (VGB), nhận xét: “NHNN ấn định giá vàng có nghĩa là giá vàng sẽ không tăng giảm theo cung cầu của thị trường mà xoay theo ý muốn của NHNN. Vì vậy, sẽ khó dự đoán tăng giảm theo hướng nào nên việc đầu tư là rủi ro”.
Còn ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng Trường đại học Mở TP.HCM, cho rằng: “Thị trường vàng trong nước bị quản lý chặt, lại bị ấn định giá thì sẽ biến động khó dự báo, nên tốt nhất nhà đầu tư, người dân không nên tham gia vào nhằm tránh rủi ro mua đỉnh-bán đáy”.
Trên thực tế, NHNN đã chính thức quản lý thị trường vàng từ nhiều tháng nay, nhưng giá vàng trong nước vẫn luôn duy trì mức cao hơn giá thế giới 4 - 5 triệu đồng/lượng.
Từ cuối năm 2012, NHNN chính thức "buông" giá vàng nên khoảng cách này có thể sẽ chưa dừng lại. Nếu NHNN tiếp tục thực hiện việc ấn định giá, giá vàng sẽ là ẩn số lớn.
Trưởng phòng kinh doanh ngoại hối của một ngân hàng lớn tâm sự: “Thị trường vàng chẳng còn đất để mà kinh doanh khi cơ quan chức năng đưa ra nhiều quy định quản lý gắt gao”.
…đến thị trường
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi), cho rằng: “Năm 2013 là cơ hội cho những người đã có sẵn vàng trong tủ, bởi với mức cao hơn giá thế giới tới 4 - 5 triệu đồng/lượng, bán ra là có lời. Tuy nhiên, đầu tư mới thì lại là chuyện khác”.
Về giá vàng sắp tới, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh phân tích: “Trong năm 2012 dù Mỹ triển khai các gói hỗ trợ kinh tế nhưng giá vàng vẫn không vượt qua mức 1.800 USD/ounce.
Sang đầu năm 2013, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định kết thúc nới lỏng tiền tệ, giá vàng càng khó có cơ hội tăng mạnh như những năm trước đây. Vì vậy, vàng thế giới sẽ có xu hướng đi ngang hoặc giảm giá nên việc đầu tư vàng trong nước cần thận trọng”.
Ngược lại, ông Trần Thanh Hải dự báo về ngắn hạn, giá vàng thế giới có thể giảm nhưng trung hạn thì xu hướng vẫn tăng khi các nước triển khai các gói kích cầu. Tuy nhiên, những biến động khó lường của thị trường thế giới cùng với những rủi ro lớn từ chính sách quản lý trong nước, người dân cần bình tĩnh khi chọn vàng để đầu tư nếu không sẽ dễ rơi vào thua lỗ.
Bị chi phối bởi quá nhiều yếu tố khó dự đoán, vàng vốn dẫn đầu trong những kênh đầu tư hấp dẫn nhất, thanh khoản lớn nhất mấy năm trở về đây đã thụt lùi trên bảng xếp hạng các kênh đầu tư trong năm 2013.
USD vẫn ổn định Hiện có nhiều ý kiến cho rằng tỷ giá năm 2013 sẽ lên tới 23.000 đồng/USD. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thuận cho rằng giá USD kéo dài sự ổn định hơn 1 năm qua nên có thể trong vài tháng tới sẽ tăng để hỗ trợ cho xuất khẩu, nhưng mức tăng sẽ không lớn, khó có thể lớn tới 10% (23.000 đồng/USD) nên việc đầu tư “nhảy” theo “sóng” USD vào năm 2013 là điều khó. Dù vậy, giữ USD trong năm nay sẽ không "thiệt" so với tiền đồng như năm trước bởi lãi suất huy động tiền đồng đang có xu hướng giảm, hiện còn 8%/năm và khả năng còn giảm thêm 1 - 2 điểm phần trăm/năm trong thời gian tới. Trong khi đó, lãi suất gửi tiết kiệm USD đang ở mức 2 - 3%/năm, tỷ giá năm 2013 sẽ tăng từ 3 - 4% (ở khoảng 21.700 đồng/USD). Nên rất có thể, trào lưu chuyển sang tiền đồng gửi tiết kiệm sẽ ít hơn. Ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng năm 2013, cán cân thanh toán của Việt Nam sẽ tiếp tục thặng dư lớn và dự trữ ngoại hối sẽ tiếp tục tăng. Dự trữ ngoại hối năm 2012 ở mức 23 tỉ USD thì sang năm 2013 có thể lên đến 35 tỉ USD. Tỷ giá sẽ tiếp tục được duy trì ổn định thì việc đầu tư vào USD không còn gì là hấp dẫn. Giá USD có tăng cũng chỉ tăng nhẹ. |
Theo Thanh Niên